Bài viết của Wall Street Journal phân tích về mảng Internet di động đã đưa hàng triệu người đến với thời đại kỹ thuật số mà không cần đến các kết nối cố định như thế nào, hãy nhìn vào Việt Nam.
Tỷ lệ thâm nhập Internet của Việt Nam đã đạt 44%, tăng từ mức chỉ 12% cách đây một thập kỷ. Hầu hết sự tăng trưởng này là nhờ smartphone, thiết bị đang được đến hơn 1/3 dân số Việt Nam sử dụng.
Sơ đồ tăng trưởng Internet di động ở Việt Nam cho thấy sự phát triển mạnh mẽ của các tài khoản mạng xã hội ở Việt Nam, vượt qua cả Ấn Độ, Trung Quốc và mức trung bình toàn cầu. Nguồn: We Are Social.
Với chiến lược phát triển của di động đã mang đến hàng loạt dịch vụ trực tuyến, và nhiều dịch vụ này đang có dấu hiệu tăng trưởng mạnh mẽ, điển hình nhất là thương mại điện tử di động. Một cơ quan chính phủ Việt Nam dự đoán thị trường thương mại điện tử trong nước sẽ đạt doanh thu 4 tỷ USD trong năm nay, so với mức 700 triệu USD năm 2012.
Giờ đây, hình ảnh các “shipper” (người vận chuyển hàng hóa) trong bộ đồng phục màu sắc sáng sủa của các công ty thương mai điện tử chuyển mọi thứ từ giày dép thời trang đến thiết bị nhà bếp, đồ sơ sinh…, đến các công sở, nơi các nhân viên văn phòng vẫn tranh thủ thời gian mua sắm trên các website như Lazada.com hay hotdeal.vn, đã trở nên quen thuộc. Trước đây, những loại hình kinh doanh này không thể phát triển nổi, vì dịch vụ internet cố định vừa chậm, vừa khó truy cập lại rất tốn thời gian cài đặt, đặc biệt ở những vùng xa xôi.
Tuy nhiên, hiện nay các nhà mạng như Viettel, MobiFone đã đưa tín hiệu 3G đến hầu khắp đất nước. Giá cước 3G của Việt Nam cũng thuộc hàng rẻ nhất thế giới, với chỉ 3 USD (trên 60.000 đồng) một gigabyte.
Đây chính là cơ hội cho các doanh nghiệp địa phương đồng thời là cơ hội để mở rộng của các đại gia công nghệ toàn cầu.
Trong quý 1 năm nay, Việt Nam có 30 triệu người dùng Facebook, tăng từ mức 8,5 triệu năm 2012, trở thành một trong những thị trường tăng trưởng nhanh nhất của Facebook. Thậm chí các quan chức chính phủ, các bộ trưởng của Việt Nam cũng lập tài khoản Facebook, để luôn cập nhật thông tin, ý kiến người dân.
Nắm bắt được nhu cầu nghe, xem nhiều nội dung khác nhau trên các thiết bị di động, song vẫn thường lựa chọn các video clip ngắn, vui nhộn, dễ dàng chia sẻ, các công ty như Yan.vn, một doanh nghiệp chuyên về giải trí và âm nhạc theo phong cách MTV, đang tận dụng xu hướng này khá thành công.
Dù sự bùng nổ của Internet mang lại nhiều cơ hội song cũng kéo theo rất nhiều cạnh tranh, và việc bứt phá thành công trong cuộc cạnh tranh này là một điều rất khó khăn. “Người nông dân Nguyễn Đức Hậu (tên thật của Lệ Rơi) đã nổi tiếng khi những bài hát anh đăng tải lên YouTube được nhiều người biết đến và dần dần lan truyền chóng mặt”. Nguyễn Đức Hậu đã thu hút được trên 1,5 triệu người đăng ký theo dõi kênh YouTube của anh, xây dựng được đối tượng khán giả riêng qua việc chia sẻ các clip qua Facebook, Twitter, Google+ và Instagram. Internet di động đã mang lại những anh hùng mới.
Anh chàng với khiếu hài hước JVevermind (Trần Đức Việt, một vlogger đình đám nhất cộng đồng mạng Việt Nam hiện nay) cũng đã thu hút được hơn 1,5 triệu người theo dõi sau khi đăng tải các clip “chém gió” hài hước mà cũng không kém “sâu cay” thông qua Facebook, Twitter, Google+, Instagram và YouTube.
"Lệ Rơi" Nguyễn Đức Hậu, một nông dân trồng ổi trở nên nổi tiếng không chỉ tại Việt Nam, mà còn lên cả tờ báo kinh tế danh tiếng của thế giới - Wall Street Journal .
Các tờ báo tên tuổi của Nhà nước như Tuổi Trẻ hay Thanh Niên cũng đã kịp thời nắm bắt xu hướng khi mở rộng sang lĩnh vực báo điện tử, cung cấp trang tin điện tử với những thông tin đặc sắc để cạnh tranh đến từng cú click chuột. Những câu chuyện độc đáo về gà 4 chân, những bộ móng dài “khủng” hay những bộ rễ cây mang hình “gợi cảm” được các báo đưa ra nhằm thu hút người đọc, trên cuộc đua trở thành những trang web hàng đầu của quốc gia về các lĩnh vực xã hội và giải trí. Dự kiến, tổng doanh thu quảng cáo tại Việt Nam năm 2017 sẽ đạt mức 1,2 tỷ USD, gần gấp đôi so với con số cách đây vài năm.
Theo ANTT