ByteDance, chủ sở hữu của TikTok, đang phát triển một nền tảng mở cho phép người dùng tạo chatbot của riêng họ, trong bối cảnh công ty chạy đua phát triển trí tuệ nhân tạo tạo sinh.
Theo tờ Morning Post, “nền tảng phát triển bot” của ByteDance sẽ được ra mắt dưới dạng phiên bản beta công khai vào cuối tháng này.
Thông báo toàn công ty cho biết động thái này phù hợp với tầm nhìn chiến lược mới của công ty nhằm “khám phá các sản phẩm AI thế hệ mới và cách chúng có thể tích hợp với các sản phẩm hiện có”.
Theo một người quen thuộc với vấn đề này, gã khổng lồ truyền thông xã hội đã và đang làm việc trên trình tạo chuyển văn bản thành hình ảnh của riêng mình tương tự như Midjourney.
ByteDance đã không trả lời ngay lập tức yêu cầu bình luận.
Được thành lập vào năm 2012, ByteDance nổi tiếng với việc phát triển các nền tảng truyền thông xã hội phổ biến như TikTok và nền tảng tin tức Trung Quốc, Toutiao. TikTok đã trở thành một hiện tượng văn hóa trên toàn thế giới với khoảng 1,2 tỷ người dùng, còn tại Mỹ, ước tính khoảng 1/3 người Mỹ trưởng thành hiện sử dụng nền tảng video này.
ByteDance đã được biết đến với việc sử dụng một số dạng AI ngay từ ngày đầu phát triển. Theo đó, các thuật toán đề xuất được coi là “công thức bí mật” đằng sau sự thành công của họ.
Bây giờ công ty đã chính thức quyết định chen chân vào một thị trường mới nổi để cung cấp các mô hình ngôn ngữ lớn (LLM) dưới dạng dịch vụ. Một số gã khổng lồ công nghệ khác cũng đã làm điều tương tự, bao gồm OpenAI, công ty khởi nghiệp đằng sau ChatGPT được Microsoft hậu thuẫn. Tháng trước, công ty này đã bắt đầu cho phép tất cả người dùng tạo các phiên bản ChatGPT tùy chỉnh cho các tác vụ cụ thể mà không cần có kinh nghiệm viết code.
Đơn vị đám mây của Baidu - gã khổng lồ công nghệ Trung Quốc đầu tiên ra mắt đối thủ ChatGPT có tên Ernie Bot vào tháng 3 - cùng tháng đó đã tung ra Qianfan, nền tảng dành cho người dùng doanh nghiệp phát triển LLM và các dịch vụ liên quan.
Alibaba Cloud, bộ phận điện toán đám mây của gã khổng lồ thương mại điện tử Alibaba Group Holding vào tháng 10 đã ra mắt Bailian, một nền tảng tương tự để làm việc trên các mô hình ngôn ngữ lớn tùy chỉnh.
Cho đến nay, OpenAI vẫn chưa cung cấp dịch vụ của mình ở Trung Quốc và các công ty khác có sản phẩm tương tự đã làm theo, chẳng hạn như Google với chatbot Bard. Tuy nhiên, Microsoft đã đẩy Copilot chạy bằng GPT của mình ra khắp châu Á, bao gồm cả ở Hồng Kông.
Theo SCMP