Bước chân âm thầm của Tyme Group ở Việt Nam

0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam

VietTimes – Đặt mục tiêu đưa ngân hàng số TymeBank chinh phục thị trường Việt Nam kể từ năm 2024, nhưng ít người để ý, Tyme Group đã vào Việt Nam từ trước đó nhiều năm. Họ đã sớm có một thành viên được gọi là Tyme Vietnam...

Cụ thể hơn là từ 4 năm trước (2019), đánh dấu bằng sự kiện thâu tóm Công ty TNHH Phát triển giải pháp số CBA (CBA Digital).

Thành lập năm 2016, CBA Digital ban đầu thuộc sở hữu của Commonwealth Bank of Australia (CBA) - định chế tài chính đa quốc gia đến từ Australia.

Thượng tuần tháng 1/2019, Tyme Limited – thành viên của Tyme Group có trụ sở tại Hong Kong (Trung Quốc) – hoàn tất thâu tóm CBA Digital từ CBA. CBA Digital sau đó được đổi tên theo hướng sát hơn với thương hiệu tập đoàn mẹ, thành Công ty TNHH Kỹ thuật số Tyme (Tyme Digital), đồng thời chuyển trụ sở về tòa nhà HIU Tower tại số 215 Điện Biên Phủ, phường 15, quận Bình Thạnh, TP.HCM.

Tại thời điểm được Tyme Group mua lại, Tyme Digital có vốn điều lệ 66,9 tỉ đồng, tương đương 3 triệu USD. Song cập nhật đến tháng 4/2020, vốn điều lệ của công ty này đã được điều chỉnh xuống 44,6 tỉ đồng, tương đương 2 triệu USD.

Website chính thức của Tyme Group còn đã xây dựng hẳn một tên miền phụ dành riêng cho hoạt động ở Việt Nam, mà họ gọi là Tyme Vietnam. Ở đó, họ giới thiệu Tyme Vietnam là một thành viên nòng cốt của Tyme Group, đóng vai trò là trung tâm phát triển công nghệ và sản phẩm (Tech Hub) của cả tập đoàn.

"Tyme - tập đoàn ngân hàng kỹ thuật số đa quốc gia cho các thị trường mới nổi. Tyme Group có trụ sở chính tại Singapore, trong khi Tech Hub được đặt tại Việt Nam. Đội ngũ Tyme thiết kế, xây dựng và thương mại hóa các ngân hàng kỹ thuật số cho các thị trường mới nổi nhằm phục vụ các nhóm dân cư chưa có cơ hội tiếp cận với ngân hàng. Chúng tôi sở hữu nền tảng công nghệ và tài sản trí tuệ trên toàn cầu, đồng thời hợp tác với các đối tác ngân hàng và công nghệ tài chính trong nước để ra mắt các ngân hàng kỹ thuật số mới" - website của Tyme Group viết.

le-minh-tyme-viet-nam.png
Ông Lê Xuân Minh - CEO Tyme Việt Nam. (Nguồn: Vietcetera)

Đặt Tech Hub ở Việt Nam từ lâu

Với hơn 300 nhân sự được miêu tả là “một sự kết hợp giữa các doanh nhân, kỹ sư và chuyên gia ngân hàng” trực thuộc, Tyme Vietnam có số lượng nhân sự chiếm tỷ trọng đáng kể trong tổng số hơn 960 nhân sự toàn hệ thống Tyme Group.

Chia sẻ với truyền thông vào giữa năm 2022 , CEO Tyme Vietnam Lê Xuân Minh nói rằng khi ông mới gia nhập, Tyme Vietnam lúc đó chỉ có vỏn vẹn 130 nhân viên. Sau hơn một năm, quy mô nhân sự của Tech Hub đã tăng trưởng hơn gấp đôi, đến khoảng 270 người.

"Đội ngũ Tyme Việt Nam có chuyên môn cao về sử dụng công nghệ điện toán đám mây như Amazon Web Services (AWS), xây dựng kiến trúc dịch vụ vi mô (microservices), hệ thống lõi ngân hàng dựa trên điện toán đám mây (Cloud Core banking), hoạt động ngân hàng xuyên biên giới, am hiểu và có khả năng quản lý dự án theo mô hình Scrum (một quy trình phát triển phần mềm theo phương pháp Agile, giúp loại bỏ những công đoạn phức tạp và chỉ tập trung vào những phần cần thiết đáp ứng được nhu cầu của khách hàng)" - ông nói với Vietcetera.

Đáng chú ý, theo vị CEO người Mỹ gốc Việt này, chính Tech Hub tại Việt Nam đã giúp Tyme Group tạo nên TymeBank - một hiện tượng về ngân hàng số ở Nam Phi, nơi fintech này đã thu hút hơn 7 triệu khách hàng chỉ sau bốn năm hoạt động.

Từ thành công ở quê nhà, Tyme Group đã liên doanh cùng đối tác địa phương, là Tập đoàn Gokongwei, để phát triển GoTyme Bank ở Philippines. "Tyme Group đang phát triển với tốc độ 300.000 khách hàng mới mỗi tháng trên cả hai thị trường", Coen Jonker - CEO TymeBank - mới chia sẻ trên Daily Investor.

Theo vị CEO người Nam Phi này, Việt Nam sẽ là điểm đến tiếp theo, nơi có "thị trường gần như hoàn hảo" cho mô hình kinh doanh của họ.

Tyme Group đặt mục tiêu triển khai TymeBank ở Việt Nam vào đầu năm 2024, nhưng khác với nhiều người lầm tưởng, họ "không chân ướt chân ráo". Rõ ràng tập đoàn của tỉ phú da đen Patrice Motsepe đã chuẩn bị rất kỹ cho cuộc chinh phụ thị trường chiến lược, nơi họ đã âm thầm đặt Tech Hub suốt nhiều năm.

Lý do khiến TymeBank chưa thể triển khai sớm hơn của Việt Nam có chăng là vấn đề "giấy phép". Không bất ngờ nếu Tyme Group lựa chọn kết hợp với một ngân hàng thương mại hay các định chế tài chính sẵn có ở Việt Nam để bắt đầu cuộc chơi, giống như cách họ đã làm ở Philippines.

"Chúng tôi mang sứ mệnh lớn với tầm nhìn xây dựng mạng lưới ngân hàng phủ sóng toàn cầu, định hình tương lai của ngành ngân hàng thông qua công nghệ" - Tyme Group tuyên ngôn về sứ mệnh của họ như vậy./.