Tỉ phú Warren Buffett "tiết lộ" công thức đầu tư với tỷ suất sinh lời gần 3,8 triệu %

0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam

VietTimes – Warren Buffett cho rằng thành công không phải đến từ việc đưa ra mọi quyết định đúng 100%, mà là từ việc đưa ra những quyết định quan trọng đúng đắn. Tỷ lệ các quyết định thực sự đúng đắn mà ông đưa ra chỉ khoảng 5 năm một lần và thế là đủ để đem lại tỷ suất lợi nhuận lên tới 3.787.464%.

Tỉ phú Warren Buffett trong bức ảnh chụp năm 1984 và 2006 (Ảnh: WSJ)
Tỉ phú Warren Buffett trong bức ảnh chụp năm 1984 và 2006 (Ảnh: WSJ)

Không phải mọi quyết định đều đúng đắn

Tỉ phú Warren Buffett, một trong những nhà đầu tư vĩ đại nhất mọi thời đại, vừa "tiết lộ" bí quyết về sự thành công của bản thân. Trong bức thư gửi cho các cổ đông của Berkshire Hathaway, ông cho biết đã nhìn lại 58 năm của mình và đưa ra hai con số đáng kinh ngạc.

Con số đầu tiên là tỷ suất lợi nhuận của Berkshire trong giai đoạn này là 3.787.464%. Con số thứ hai nhỏ hơn nhưng không kém phần kinh ngạc.“Lợi nhuận của Berkshire thu được chính là kết quả đến từ khoảng hơn một chục quyết định thực sự đúng đắn”, Buffett, đang ở tuổi 92, viết trong thư. “Cứ mỗi 5 năm lại có 1 quyết định như vậy”.

Theo Warren Buffett, thành công không phải là nhờ đưa ra mọi quyết định đúng 100%, mà là nhờ đưa ra những quyết định quan trọng đúng đắn ở từng thời điểm. Tỷ lệ quyết định thực sự đúng đắn mà ông đưa ra là cứ 5 năm một lần, nhưng vậy là đã đủ để mang lại tỷ suất lợi nhuận 3.787.464%.

Bức thư của Buffett đầy sâu sắc và thông thái, đơn giản và đôi khi có những lời khuyên trái ngược với suy nghĩ của nhiều người. Buffett thường xuyên nhớ lại những sai lầm của mình và suy ngẫm về những thất bại của mình, điều này là điểm khác biệt so với hầu hết các nhà đầu tư khác.

Khi giải thích về thành công phi thường của mình, Buffett khiến nó nghe có vẻ bình thường. Ông tìm kiếm những cơ hội tại các công ty lớn có đội ngũ nhân viên trung thực, có lợi thế cạnh tranh và “tình hình kinh tế dễ hiểu, lâu dài và hấp dẫn”. Sau đó, ông bắt đầu thực hiện "thứ ma thuật" của lãi kép, thực thi những ý tưởng cơ bản và tránh những lỗi sai lớn.

Khoản đầu tư của Buffett vào Coca-Cola mang lại giá trị lớn cho Berkshire (Ảnh: Getty)
Khoản đầu tư của Buffett vào Coca-Cola mang lại giá trị lớn cho Berkshire (Ảnh: Getty)

Ông cũng nói với các cấp dưới của mình rằng, hãy tưởng tượng họ sở hữu một tấm thẻ đục lỗ có 20 ô đại diện cho tổng số lần đầu tư mà họ có thể thực hiện trong suốt cuộc đời mình. Nếu đã biết là chỉ được đầu tư nhiều nhất 20 lần, bạn sẽ tối đa hoá khả năng đưa ra từng quyết định đầu tư. Bạn sẽ phải kiên nhẫn, kén chọn, chỉ hành động dựa trên niềm tin mãnh liệt nhất của bản thân. Đây là một phương pháp suy nghĩ có thể áp dụng trước khi đưa ra bất kỳ quyết định đầu tư nào.

Tuy nhiên, trong bức thư gần đây nhất của mình, Buffett thừa nhận rằng những quyết định quan trọng nhất trong sự nghiệp của ông chỉ là một số nhỏ dưới con số 20. Vậy những quyết định quan trọng đó là gì? Bức thư gửi cổ đông mới đây đã cho thấy một số gợi ý.

Những quyết định đầu tư tạo nên tên tuổi của Buffett

Buffett đã đề cập đến một số khoản đầu tư mang lại giá trị lớn nhất trong sự nghiệp của ông, từ việc đầu tư vào Coca-Cola và American Express đến tìm được đối tác như Charlie Munger.

Được biết, khoản đầu tư 1,3 tỉ USD cho Amex giờ trị giá 23 tỉ USD, 1,3 tỉ USD cho Coca-Cola giờ trị giá 25 tỉ USD, và giá trị mà đối tác Munger đem lại thì không thể tính toán được.

Ngoài ra, theo Wall Street Journal, một thoả thuận với hãng bảo hiểm National Indemnity vào năm 1967 cũng mang lại cho Berkshire một khởi đầu mới mẻ và vẫn tiếp tục “in tiền” cho công ty này. 5 năm sau đó, khoản đầu tư 25 triệu USD cho See’s Candies đã mang về cho Berkshire hơn 2 tỉ USD. Năm 1999, một thoả thuận đầu tư quan trọng khác mà Buffett thực hiện là một công ty giờ có tên là Berkshire Hathaway Energy, tuy khó đưa ra con số lợi nhuận chính xác nhưng là một trong số những bước đi giúp ông thành danh.

David Kass, giáo sư tài chính đến từ trường ĐH Maryland, còn đưa ra thêm một số giả thuyết khác, trong đó có khoản đầu tư của Buffett vào ngành đường sắt (Burlington Northern) và cả dao cạo râu (Gilette). Nhưng đứng đầu danh sách của Kass là khoản đầu tư mà bản thân Buffett gọi là “mối tình kinh doanh đầu tiên”, chính là lĩnh vực bảo hiểm.

Buffett chụp ảnh cùng linh vật của Geico vào năm 2004 (Ảnh: WSJ)
Buffett chụp ảnh cùng linh vật của Geico vào năm 2004 (Ảnh: WSJ)

Chuyện bắt đầu vào năm 1951, khi Warren Buffett phát hiện rằng giáo sư của ông, Benjamin Graham, là chủ tịch của Geico. Sau đó, ông tự mình bắt tàu hoả từ New York đến Washington để thăm trụ sở của công ty này. Tuy nhiên, khi đến vào một sáng thứ Bảy, ông phát hiện ra rằng nhân viên của Geico không làm việc vào các sáng thứ Bảy. Cuối cùng, một nhân viên bảo vệ nghe thấy tiếng Buffett đạp cửa. Người này không chỉ cho ông vào trong công ty mà còn giới thiệu ông với một người khác trong văn phòng. Và đó là cách mà cậu sinh viên trẻ Warren Buffett khi đó nhận được sự đào tạo về lĩnh vực bảo hiểm từ Benjamin Graham.

Khoản đầu tư của Buffett vào Geico sau đó là khởi đầu cho sự đam mê suốt đời của ông đối với lĩnh vực bảo hiểm. Khi ông mua National Indemnity - một khoản đầu tư đáng chú ý nhất trong sự nghiệp của ông - lại có một câu chuyện thú vị tương tự. Buffett nghe tin từ một người bạn rằng công ty này đang bán và ông viết một bản hợp đồng dài 2 trang để mua lại nó từ một người bạn khác. Thỏa thuận này được chốt trong vòng 15 phút.

“Đó là một trong những quyết định phân bổ vốn tốt nhất trong lịch sử”, Lawrence Cunningham, tác giả của cuốn “The Essays of Warrens Buffett”, nói. “Và nó là hình ảnh thu nhỏ của Buffett”.

Khoản "đặt cược" vào Bank of America năm 2011 cũng là một màn diễn kinh điển khác của Buffett, thể hiện lối tư duy của ông và cách mà công ty của ông vận hành. Trở nên tham lam trong khi những người khác sợ hãi đã giúp Buffett có được một thoả thuận béo bở với những điều khoản cực kỳ có lợi. Lúc bấy giờ, ông quyết định bỏ ra 5 tỉ USD mua cổ phiếu ưu đãi bao gồm quyền mua 700 triệu cổ phiếu thường vào bất kỳ thời điểm nào trong thập kỷ sau đó, với giá hời 7,14 USD. Vào thời điểm Buffett trở thành cổ đông lớn nhất của ngân hàng này, giá cổ phiếu của nó được giao dịch ở mức 24,32 USD, và hiện tại là khoảng 28 USD.

Khoản đầu tư bất ngờ của Berkshire vào Apple cũng mang lại giá trị lớn (Ảnh: AIcio)
Khoản đầu tư bất ngờ của Berkshire vào Apple cũng mang lại giá trị lớn (Ảnh: AIcio)

Tuy vậy, nhiều quyết định đầu tư tốt nhất trong sự nghiệp của Buffett không phải là đầu tư cho doanh nghiệp mà là đầu tư cho con người. Trong năm 1985, ông tuyển chuyên gia bảo hiểm Ajit Jain vào làm cho Berkshire Hathaway. Charlie Munger – cánh tay phải của Buffett – gọi đây là khoản đầu tư tốt nhất của Berkshire Hathaway.

Khoản đầu tư của Berkshire vào Apple vào năm 2016 cũng là một trong những sự kiện gây chú ý. Trước đó, Buffett nổi tiếng với việc không thích đầu tư vào các công ty công nghệ, và ông đặc biệt phản đối việc đầu tư vào Apple. Tuy nhiên, một trong những cấp phó của ông đã quyết định đặt cược vào công ty này. Sau đó, Buffett cũng tham gia và mua thêm cổ phiếu Apple, thậm chí chuyển sang sử dụng điện thoại iPhone. Số cổ phần trị giá 1 tỉ USD mà Berkshire đầu tư ban đầu bây giờ đã tăng lên trên 150 tỉ USD.

Theo Wall Street Journal