Việt Nam chịu tác động “vòng 2”
Hoảng loạn – đó là những gì diễn ra trên thị trường tài chính toàn cầu (hôm 24/6) ngay sau khi 51,9% (50 + 1,9%) cử tri Anh chọn rời bỏ EU (thường gọi là Brexit, từ ghép của Britain Exit)
Các chỉ số chứng khoán của những nền kinh tế chủ chốt quay đầu giảm mạnh, bởi trước đó, rất ít người cho rằng khả năng này sẽ xảy ra. S&P 500 có phiên giao dịch mở cửa tồi tệ nhất kể từ năm 1986, các cổ phiếu ngành tài chính đồng loạt giảm mạnh. Bên cạnh đó, các chỉ số chính như Dow Jones cũng mất ngay 523 điểm, chỉ số Nasdas cũng giảm hơn 166 điểm.
Thị trường chứng khoán châu Âu ngập trong sắc đỏ, FTSE 100 của Anh mất 3,47%, CAC của Pháp mất 8,06%. DAX của Đức có thời điểm mất trên 10%
Thị trường hàng hóa cũng chịu tác động mạnh từ Brexit. Giá vàng trong phiên liên tục tạo đỉnh và lên cao nhất 27 tháng trở lại đây, có lúc đạt 1.360 USD/ounce. Giá vàng giao sau tháng 8 trên sàn Comex tăng tới 65,8USD/ounce đạt 1.329USD/ounce. Ở chiều ngược lại, giá dầu thô Brent mất tới 5%.
Chưa kể, đồng Bảng Anh bị sụt giảm mạnh nhất trong lịch sử, mức giảm lên tới 10% so với đồng USD.
TS. Nguyễn Đức Kiên - Phó Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế Quốc hội.
Nhưng ngoài kinh tế, vụ Brexit đã trở thành bài học đích thực với các nước tham gia các tổ chức khu vực, thế giới. Tiến sĩ Nguyễn Đức Kiên - Phó Chủ nhiệm Uỷ ban kinh tế Quốc hội – trao đổi với VietTimes, kết quả Brexit cho thấy "Quyền lợi dân tộc là trên hết, chả có khối nào, chả có hiệp định...nào cả. Họ thấy thế nào lợi nhất cho người Anh là họ quyết".
Theo Tiến sĩ Nguyễn Đức Kiên, từ kết quả Brexit liên hệ với “ngôi nhà chung ASEAN”, thì “nếu như mình không rút ra được bài học từ vết xe đổ ấy thì mình cũng như thế thôi. Thứ hai là mình phải thấy là tỷ lệ (dân Anh bỏ phiếu rời Brexit - PV) chỉ có 51,9% thôi, nhưng Anh vẫn phải rời EU. Tức là, họ thực hiện đúng nền dân chủ 50+1, tức là chỉ 50% cộng một lá phiếu nữa là ra (khỏi EU - PV)”.
Về tác động kinh tế, theo Tiến sĩ Nguyễn Đức Kiên, Việt Nam chỉ chịu ảnh hưởng “vòng 2”. Vì kim ngạch xuất khẩu của Việt Nam sang Anh chưa nhiều, nên tác động lớn nhất là về tỷ giá và sẽ là bất lợi nếu Việt Nam đang xuất siêu sang Anh.
TS. Nguyễn Đức Kiên nhấn mạnh rằng, vấn đề cần phải quan tâm lúc này là việc Anh rút ra khỏi EU sẽ được hai bên này đàm phán ra sao và kết quả cụ thể thế nào. Bởi lẽ việc Anh Quốc trưng cầu dân ý mới chỉ là một tiền đề ban đầu.
Chuyên gia tài chính Nguyễn Trí Hiếu.
Tương tự, Tiến sĩ Nguyễn Trí Hiếu đánh giá kết quả Brexit không có lợi với Việt Nam. Tuy nhiên tác động từ đồng bảng Anh suy yếu lại không lớn như nguy cơ tác động ấy tới đồng Nhân dân tệ của Trung Quốc, và từ đó tác động tới Việt Nam.
“Hiện tại thì đồng bảng Anh, đồng Euro sẽ suy giảm. Có nghĩa là hàng hóa Việt Nam bán sang châu Âu sẽ đắt hơn, và mất tính cạnh tranh. Nhưng tác động có lẽ không lớn bằng tác động từ phía Trung Quốc. Vì đồng Nhân dân tệ sẽ mạnh hơn so với đồng bảng Anh và đồng Euro. Có thể dự báo là đồng Nhân dân tệ sẽ phá giá mạnh để làm tăng tính cạnh tranh hàng hóa của Trung Quốc. Thành ra tác động từ đồng nhân dân tệ có thể còn mạnh hơn là từ phía đồng Euro và đồng bảng Anh” - Tiến Sĩ Nguyễn Trí Hiếu nhận xét.
Có cần phá giá VND?
Trước lo ngại về ảnh hưởng của kết quả Brexit tới tỷ giá USD/VND và rộng hơn là cả nền kinh tế Việt Nam, trao đổi với VietTimes, chuyên gia kinh tế Cấn Văn Lực cho rằng, việc Anh rời khỏi EU chắc chắn có tác động nhưng không hẳn nhiều. Bởi có 3 lý do:
Thứ nhất, quan hệ cung cầu ngoại hối của Việt Nam đang khá ổn định.
Thứ hai, tác động của Brexit sẽ làm đồng NĐT giảm giá, đồng USD và Yên Nhật tăng giá. Tuy nhiên, tỷ giá hối đoái (TGHĐ) sẽ không bị tác động nhiều bởi cách thức điều hành tỷ giá của NHNN đang áp dụng theo tỷ giá trung tâm (tính theo bình quân gia quyền của 8 đồng tiền trên thế giới: USD, EUR, NDT, Yên Nhật, Đô la Singapo, Won, Đô la Đài Loan, và Bath – Pv), điều này sẽ “giảm sốc” cho nền kinh tế trước tác động của “cú sốc” Brexit.
Thứ ba, mối quan hệ về thương mại và đầu tư của Việt Nam với Anh chưa phải quá nhiều. Chủ yếu VN có quan hệ thương mại với EU, còn với Anh chiếm tỷ trọng không lớn nên Brexit ít có tác động trực tiếp, đa phần là gián tiếp do ảnh hưởng dây chuyền của Brexit với nền kinh tế châu Âu và thế giới, từ đó mới có ảnh hưởng tới Việt Nam.
Chuyên gia kinh tế Cấn Văn Lực.
Thống kê cho thấy, cấu trúc xuất nhập khẩu của Việt Nam với Anh rất ít lệ thuộc vào Brexit. Bởi lẽ, VN duy trì thặng dư thương mại với Anh ở mức 3.9 tỷ USD trong năm 2015 và 1,7 tỷ USD trong 5 tháng đầu năm 2016. Các mặt hàng chủ yếu của VN xuất sang Anh là điện thoại máy tính, các linh kiện và thiết bị điện tử khác. Đa phần các sản phẩm này có sự đảm bảo của những ông lớn như SamSung, Foxcon, Sony…thay vì lệ thuộc vào các thỏa thuận thương mại ở tầm quốc gia giữa VN và Anh (hay EU). Ở nhóm dưới, các mặt hàng như dệt may, giày dép…được đánh giá là ít bị ảnh hưởng hơn.
Ở chiều ngược lại, nhập khẩu ở Anh hiện chỉ chiếm 4% tổng nhập khẩu vào Việt Nam và hầu hết các mặt hàng này đều có thể thay thế dễ dàng nếu bất cứ điều gì xảy ra đối với nguồn cung cấp.
Có thể thấy, nếu xét về tác động của Brexit với Việt Nam. Về ngắn hạn, chứng khoán và vàng có thể bị tác động bởi yếu tố tâm lý. Bên cạnh đó, tỷ giá cũng sẽ ít nhiều bị ảnh hưởng do những tác động dây chuyền nhưng cũng sẽ không nhiều như phân tích ở trên. Về mặt dài hạn, quan hệ thương mại, đầu tư du lịch cũng sẽ ít nhiều bị ảnh hưởng. Tuy nhiên, theo Ts. Lực, cơ bản những tác động của Brexit với Việt Nam chủ yếu ở khía cạnh tâm lý.
Trước câu hỏi, rằng liệu NHNN có cần phải phá giá VND để hỗ trợ xuất khẩu và đảm bảo mục tiêu tăng trưởng, các chuyên gia của VietTimes đều nhất trí rằng, đó chỉ là một biện pháp mang tính tạm thời và hiện tại cũng chưa cho thấy nhiều dấu hiệu về việc NHNN sẽ thực hiện điều này.
“Điều căn cơ là phải nâng cao năng lực sản xuất, năng lực cạnh tranh của hàng hòa Việt Nam, doanh nghiệp Việt Nam”, các vị này cho hay.
Theo giới phân tích quốc tế, ảnh hưởng từ Brexit chủ yếu là đến Châu Âu và Mỹ. Việc Anh rời khỏi EU sẽ châm ngòi cho những nguy cơ khủng hoảng lan rộng tại châu Âu. Nhất là trong bối cảnh khối này đang chật vật giải quyết những hậu quả của khủng hoảng tài chính, khủng hoảng di cư chưa từng có trong tiền lệ và sự nổi lên của nước Nga.
Báo Financial Times của Anh hôm 24/6 cảnh cáo: “Brexit sẽ gây thiệt hại cho sự đoàn kết, tin tưởng và thanh danh của EU trên trường quốc tế, làm suy yếu trật tự kinh tế và chính trị cấp tiến của phương Tây”.
Cựu thủ tướng Anh Tony Blair nói với đài Sky News rằng sẽ có “những hậu quả rất lớn”. Ông gọi kết quả trưng cầu là một “thảm kịch” và nói rằng những người vận động đòi rời khỏi EU là “tìm cách đưa đất nước trở lại một thế giới không còn tồn tại nữa”. Ông cảnh báo rằng: “Ta có thể cưỡi một làn sóng dân túy phẫn nộ nhưng nó không đem lại những câu trả lời” cho các vấn đề và những thách thức của sự toàn cầu hóa.
Giang Dũng