Đầu phiên giao dịch sáng nay, thị trường tài chính châu Á tương đối bình ổn khi kết quả của cuộc trưng cầu dân ý tại Anh vẫn cho thấy khả năng Anh sẽ ở lại Liên minh Châu Âu (EU).
Nhưng sau đó, khi quá trình kiểm phiếu các địa điểm khác dần được hoàn tất, khả năng Anh rời EU (Brexit) trở nên thắng thế, thị trường tài chính thế giới cũng chao đảo theo. Tính đến 12h trưa ngày 24/6, kết quả cuộc trưng cầu dân ý cho thấy, 51,8% số người dân Anh đã chọn rời khỏi Liên minh châu Âu (EU).
Kết quả kiểm phiếu lúc 12 giờ 19 phút. Ảnh Bloomberg
Đồng bảng giảm kỷ lục 10%
Sự lao dốc của đồng bảng Anh vào sáng ngày 24/6 được giới đầu tư mô tả là “tồi tệ nhất kể từ năm 1985”. Đồng tiền này có lúc đã chạm mốc 1,3319 USD đổi 1 bảng Anh. Theo thống kê, con số 10% là mức giảm lớn nhất trong một ngày đối với một đồng nội tệ.
Thậm chí, một số chuyên gia còn so sánh sự trượt giảm của đồng bảng Anh có sức công phá tương đương với sự sụp đổ của Ngân hàng Lehman Brothers của Mỹ “khơi mào” cho cuộc khủng hoảng tài chính toàn cầu vào năm 2008, hay “Ngày thứ Sáu đen tối” năm 1992 khi đồng bảng bị buộc phải rời khỏi Hệ thống Ngoại hối châu Âu. Năm 1992, khi Ngân hàng Trung ương Anh buộc phải rút đồng bảng ra khỏi cơ chế hối đoái châu Âu, đồng tiền này cũng chỉ giảm 4,1%.
Theo ước tính của Bộ Tài chính Anh, việc Anh rời khỏi EU sẽ làm giảm giá trị đồng bảng ít nhất 12%. Các nhà phân tích cho rằng đồng euro cũng sẽ chịu ảnh hưởng tiêu cực trong trường hợp Brexit và điều này có thể làm dấy lên những nghi ngại về tương lai của EU. Tuy nhiên giới chuyên gia cho rằng, mặc dù đang giảm giá nhanh, đồng bảng Anh sẽ khó lòng rơi vào trạng thái bị phá giá.
Đồng Bảng Anh xuống mức thấp nhất kể từ năm 1985. Ảnh Bloomberg
David Bloom, chuyên gia tại Ngân hàng HSBC, chia sẻ: “Có một số ngày mà bạn không thể quên được và hôm nay chính là ngày đó. Tất cả đều đang đi trên một chiếc tàu lượn siêu tốc”.
Nhà đầu tư đổ xô mua vào tài sản an toàn như yen Nhật, khiến đồng tiền này tăng 6,1% lên 100,03 yen đổi một USD. Đây là mức tăng mạnh nhất kể từ năm 1998. So với Bảng Anh, yen Nhật đã tăng kỷ lục 15%.
Vishnu Varathan - chuyên gia kinh tế đến từ ngân hàng Mizuho - khẳng định triển vọng Brexit đang trở nên rõ ràng hơn bao giờ hết. Điều chắc chắn nên làm nhất là mua vào yên Nhật, trái phiếu Mỹ, vàng và ngồi yên một chỗ.
Chứng khoán châu Á đồng loạt đỏ sàn
Thị trường chứng khoán châu Á đang chịu tác động mạnh từ kết quả bỏ phiếu ở nước Anh. Sáng ngày 24/6, tại sàn chứng khoán Tokyo của Nhật Bản, các cổ phiếu đồng loạt giảm 2%.
Trong khi ở Hồng Kông, cổ phiếu các ngân hàng lớn của Anh như HSBC và Standard Chartered sụt giảm lần lượt 8,7% và 9,9%. Chỉ số Shanghai Composite của thị trường chứng khoán Trung Quốc giảm 1,25%. Chỉ số Kospi của thị trường chứng khoán Hàn Quốc mất 1,7%. Chỉ số MSCI của thị trường chứng khoán châu Á - Thái Bình Dương giảm 1,6%.
Trên thị trường New York, chỉ số giá dầu thô tương lai giảm 5,5%. Giá vàng đã tăng 4% và hướng đến mốc đóng cửa cao nhất từ tháng 4/2014.
Nhà đầu tư nội đua nhau xả hàng
Mặc dù tác động của Brexit đối với thị trường chứng khoán Việt Nam còn chưa được phân tích kỹ lưỡng nhưng tâm lý bi quan theo chứng khoán thế giới đã khiến nhà đầu tư trong nước thi nhau bán tháo.
Cùng với thị trường chứng khoán thế giới, thị trường chứng khoán Việt Nam sáng nay đã chìm trong sắc đỏ khi mà phe ủng hộ nước Anh rời khởi EU (Brexit) đang thắng thế.
Đóng cửa phiên giao dịch buổi sáng, VN-Index mất 21,6 điểm (-3,42%) còn HNX Index mất 2,7 điểm (-3,2%). Trong ngày, từng có lúc thị trường đã hồi phục đáng kể nhưng rồi tâm lý bi quan tăng lên khiến cả 2 chỉ số đều kết thúc đợt giao dịch buổi sáng ở mức thấp nhất kể từ đầu ngày.
Theo VietnamFinance