Bổn cũ sẽ soạn lại với GPBank?

Bị ngân hàng nhà nước đánh giá là một trong những ngân hàng yếu kém, tổ chức họp cổ đông để tăng vốn điều lệ, kịch bản xảy ra với OceanBank được lặp lại với GPBank. 
Bổn cũ sẽ soạn lại với GPBank?

Nếu đại hội cổ đông vào ngày 20/6 tới đây của GPbank không thành công, ai cũng hiểu ngân hàng này sẽ tiếp bước VNCB và OceanBank.

Ngày 25/4/2015, Oceanbank tổ chức họp cổ đông thường niên nhằm công bố kết quả hoạt động năm 2014 và xin ý kiến cổ công về việc nâng vốn điều lệ. Kết quả, chỉ có 33% cổ đông đồng ý góp vốn đồng nghĩa với việc OceanBank chính thức bị quốc hữu hoá, kết thúc toàn bộ quyền và lợi ích của cổ đông hiện hữu.

Những tháng cuối năm 2014, Oceanbank đã vướng vào hàng loạt vụ bê bối, khởi đầu từ việc Chủ tịch Hà Văn Thắm bị bắt vào tháng 10/2014. Vụ việc chấn động đó, đã gây nên sự xáo trộn trong nội bộ của Oceanbank thậm chí người kế nhiệm Hà Văn Thắm khi đó là bà Nguyễn Minh Thu cũng bị bắt sau vài tuần nắm quyền với tội danh tương tự người tiền nhiệm.

Sau vụ việc đó, OceanBank đương nhiên trở thành một ngân hàng yếu kém, được đặt dưới sự quản lý chặt chẽ của ngân hàng nhà nước. Từ đó, 2 phương án được đưa ra cho ngân hàng này, một là, nâng vốn điều lệ, hai là, bị ngân hàng nhà nước mua lại với giá 0đ.

Đây là kết cục đáng buồn đối với một thương hiệu đã nhiều năm gây dựng được lòng tin đối với người tiêu dùng.

Trở lại với câu chuyện của GPBank, đã 5 năm kể từ năm 2010, GPBank không hề công bố bất cứ số liệu nào liên quan đến tình hình hoạt động của mình. Trên website của ngân hàng này, chỉ có duy nhất bản báo cáo tài chính cho năm 2010. Có thể nói hoạt động của ngân hàng này trong những năm gần đây như thế nào là một điều bí ẩn. Chỉ biết rằng ngân hàng nhà nước đã liệt ngân hàng này vào “blacklist” những ngân hàng cần phải tái cơ cấu và có nguy cơ lớn bị ngân hàng nhà nước mua lại với giá 0đ.

Ngày 26/5/2015, chủ tịch và phó chủ tịch hội đồng quản trị của GPbank bị thống đốc ngân hàng đình chỉ quyền và nghĩa vụ. Dù lý do đình chỉ không được đưa ra, song nhiều khả năng có liên quan đến kết quả hoạt động bết bát của ngân hàng này.

Trước đó, vào tháng 2/2015, ông Phạm Quyết Thắng Tổng giám đốc GP.Bank, trả lời trên báo chí rằng: Đang có rất nhiều đối tác nước ngoài ngỏ ý muốn đầu tư vào GPBank và đây sẽ là sự lựa chọn cho con đường tái cơ cấu của GPbank, tuy nhiên ngay sau đó, ngân hàng nhà nước đã công bố thương vụ United Oversea Bank (Singapore) mua lại GPBank không thành công do các bên không đạt được sự đồng thuận về một số vấn đề, chủ yếu là vấn đề tài chính.

Vì thế, GPbank được  trao cơ hội cuối cùng vào phiên họp đại hội cổ đông bất thường vào ngày 20/6 tới đây, theo đó, nếu GPbank không tăng vốn thành công, ngân hàng này sẽ chịu chung số phận như Oceanbank và VNCB hoặc có khả năng sẽ về chung một nhà với Vietinbank bởi trước đó bà Trần Thị Lệ Nga, nguyên trưởng ban kiểm soát của Ngân hàng Công Thương Việt Nam (VietinBank) đã được điều về để thay thế vị trí chủ tịch hội đồng quản trị GPbank, mặc dù, Vietinbank đã phủ nhận thông tin này.

Và như vậy, hoàn cảnh của GPbank bây giờ rất giống với Oceanbank 2 tháng trước đó, nếu không có gì thay đổi kịch bản xảy ra với Ocean Bank sẽ được soạn lại đối với GPBank, các cổ đông hiện hữu của GP bank đang đứng trước nguy cơ mất trắng toàn bộ số tiền đổ vào ngân hàng này, liệu điều thần kỳ có xảy ra đối với GPbank hay không? Ngày 20/6 tới đây sẽ cho chúng ta câu trả lời.

Theo ANTT