Sáng nay (20/9), Bộ TN&MT, Bộ Y tế, Bộ NNPTNT đã họp công bố thông tin về môi trường biển và việc sử dụng hải sản tại vùng biển các tỉnh Hà Tĩnh, Quảng Bình, Quảng Trị, Thừa Thiên - Huế.
Bộ Y tế cho biết, ngay sau khi Bộ TN&MT công bố hiện trạng môi trường biển 4 tỉnh miền Trung, Bộ Y tế đã tập hợp các chuyên gia đầu ngành về an toàn thực phẩm, dinh dưỡng, độc học, sức khỏe của Bộ Y tế và các chuyên gia quốc tế để tiến hành nghiên cứu, đánh giá mức độ an toàn của hải sản 4 tỉnh miền Trung.
Cụ thể, Bộ Y tế đã tiến hành phân tích hơn 1.040 mẫu hải sản được lấy hàng ngày ở các cảng cá, đầm nuôi, thuyền cá tại 4 tỉnh miền Trung và 300 mẫu hải sản đối chứng ở Hải Phòng, Khánh Hòa và Bà Rịa - Vũng Tàu. Các mẫu cá được kiểm nghiệm các chỉ tiêu xyanua, phenol, thủy ngân, cadimi, chì, crom, asen và sắt - những nguyên nhân gây chết cá tại biển các tỉnh miền Trung vào tháng 4/2016 và có nguyên nhân do Formosa gây ra.
Hai nơi thực hiện xét nghiệm là Viện Dinh dưỡng Quốc gia và Việc Kiểm nghiệm An toàn vệ sinh thực phẩm. Bên cạnh việc phân tích tại Việt Nam, Bộ Y tế phối hợp chặt chẽ với chuyên gia của Tổ chức Y tế Thế giới WHO và các chuyên gia an toàn thực phẩm ở Nhật, Canada. Ngoài việc phân tích ở Việt Nam, các mẫu phân tích còn được gửi đi Nhật Bản, Singapore để kiểm chứng
Theo kết quả phân tích, tất cả các mẫu hải sản ở miền Trung đều không phát hiện có xyanua - một trong hai độc tố gây ra sự cố cá chết miền Trung. Các chỉ số asen, thủy ngân, cadimi, chì, crom, sắt ở cả 7 tỉnh gồm 4 tỉnh miền Trung và 3 tỉnh đối chứng đều nằm trong giới hạn an toàn.
Tuy nhiên, đối với hàm lượng phenol, Bộ Y tế kết luận tất cả hải sản tầng nổi đều không phát hiện ra phenol. Nhưng cơ quan xét nghiệm vẫn phát hiện có 132/1.040 mẫu hải sản ở tầng đáy còn chứa phenol bao gồm: ghẹ, tôm, tôm mít, ốc, mực, cá đuối, cá đục, bạch tuộc, cua đá. Phân bố 132 mẫu hải sản này đều nằm trong vùng từ 5-25km (tương đương với khoảng từ 2,7 – 13,5 hải lý) với tỷ lệ nhiễm cao nhất là Hà Tĩnh, Quảng Bình, thấp nhất là Lăng Cô, Thừa Thiên Huế.
Từ kết quả phân tích trên, Bộ Y tế khuyến cáo người tiêu dùng không sử dụng các loại hải sản sống ở tầng đáy trong vùng 20 hải lý, đồng thời đề nghị UBND bốn tỉnh từ Hà Tĩnh đến Thừa Thiên Huế tiến hành phân loại hải sản theo từng lô.
Còn lại tất cả các hải sản như cá ngừ, cá thu, cá nục, cá chỉ vàng, cá bạc má, cá hố, cá bò, cá cam, cá trích, cá đuối, cá cơm và các loại hải sản khác sống ở tầng nổi, hải sản nuôi ở vùng đầm nuôi của 4 tỉnh miền Trung vẫn đảm bảo an toàn.