Sáng 6/6, Quốc hội tiếp tục chương trình làm việc với hoạt động chất vấn và trả lời chất vấn, Bộ trưởng Bộ GD&ĐT Phùng Xuân Nhạ là người đăng đàn trả lời chất vấn trước các đại biểu.
Ngay từ đầu giờ sáng đã có hơn 80 đại biểu đăng ký chất vấn Bộ trưởng Nhạ. Chất lượng đại học, giáo dục phổ thông, quản lý giao dịch mầm non, khắc phục tình trạng xuống cấp về đạo đức, lối sống, ứng xử của giáo viên, học sinh trong nhà trường… là những vấn đề chính được đại biểu gửi tới tư lệnh ngành Giáo dục.
5/300 trường ĐH có tên trong bảng xếp hạng Châu Á
Đại biểu Mai Thị Phương Hoa (đoàn Nam Định) đặt vấn đề: Việt Nam có tới 300 trường đại học, nhưng chỉ có 5 trường có tên trong bảng xếp hạng Châu Á. "Giáo dục đại học Việt Nam đang ở đâu trong bảng xếp hạng của Châu Á và giải pháp nào để nâng cao vị trí xếp hạng này ?" - đại biểu Hoa đặt câu hỏi.
Trả lời, Bộ trưởng Nhạ cho biết, so với mặt bằng thế giới, về cơ bản chất lượng đại học của chúng ta còn thấp và không đáp ứng được yêu cầu của thị trường lao động, nhất là cuộc cách mạng 4.0.
Theo ông Nhạ, có nhiều nguyên nhân dẫn tới việc này. Thứ nhất là do chương trình đào tạo chưa sát với thị trường, chủ yếu do các thầy cô xây dựng trên sự hiểu biết và dựa trên tính toán của mình mà chưa phải dựa trên nghiên cứu xây dựng chương trình theo đúng yêu cầu, căn cứ từ thực tiễn và đảm bảo chất lượng.
Thứ hai là cơ sở vật chất phần lớn chưa đủ điều kiện cơ bản để thực hiện nhiệm vụ đào tạo chất lượng cao và nghiên cứu... “Suất học phí với sinh viên VN bình quân là 630 USD, trong khi con số này là 19.000 USD ở Mỹ, 17.000 USD ở New Zeland, Úc, ngay cả TQ cũng là 3500 USD, … Như vậy, với một chi phí có thể nói là thấp thì chất lượng đại học khó được cao như mong đợi” – Bộ trưởng Nhạ lấy ví dụ.
“Gần đây, có 5 trường vào nhóm 400 của châu Á. Theo thông tin tôi mới biết, VN đã có 2 trường đại học lọt vào 1.000 trường tốt nhất thế giới” – ông Nhạ cho biết và đánh giá đây là tín hiệu đáng khích lệ.
"Sắp tới, Bộ sẽ tham mưu cho Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ có đề án đầu tư trọng tâm, trọng điểm ở những trường xuất sắc, ngành xuất sắc theo kinh nghiệm của các nước trong khu vực. Còn các ngành theo định hướng ứng dụng, ngành có chất lượng cao nhưng vào phân khúc thị trường khác nhau sẽ phục vụ theo nhu cầu thị trường. “Chúng tôi cũng báo cáo với đại biểu bức tranh giáo dục đại học của chúng ta có những điểm sáng” – Bộ trưởng Nhạ nói.
Báo động chất lượng đầu vào ngành sư phạm
Vấn đề này được đại biểu Phạm Đình Cúc (đoàn Bà Rịa – Vũng Tàu) đưa ra trong phần đặt câu hỏi chất vấn và phần tranh luận của mình sau đó. Theo ông Cúc, chất lượng đầu vào sư phạm là yếu tố quan trọng quyết định chất lượng đội ngũ giáo viên nói riêng, chất lượng giáo dục nước nhà nói chung. “Tuy nhiên mùa tuyển sinh năm 2017 lần đầu tiên xảy ra tình trạng 3 điểm một môn có thể vào sư phạm. Đề nghị Bộ trưởng cho biết nguyên nhân và giải pháp của Bộ trưởng trong thời gian tới?” – đại biểu Cúc đặt câu hỏi.
Bộ trưởng Nhạ thừa nhận đây là “vấn đề đáng báo động”, ông cho biết năm ngoái có trường hợp 3 điểm một môn cũng đỗ vào cao đẳng sư phạm, còn các trường ĐH sư phạm thì hầu hết điểm đầu vào chỉ trên điểm sàn, chỉ có một số trường tốt thì điểm đầu vào là 20 điểm và trên 20 điểm.
“Chúng tôi năm nay đã rút kinh nghiệm và thống nhất với các trường sư phạm điểm đầu vào phải nâng cao. Xét tuyển đối với đại học sư phạm hồ sơ phải giỏi và cao đẳng phải khá. Tới đây, sau khi kỳ thi chung điểm đầu vào của các trường sư phạm, hiệu trưởng sư phạm sẽ đề xuất và chúng tôi sẽ tính toán để làm sao ngưỡng vào phải đảm bảo chất lượng ngay từ đầu” – ông Nhạ cho hay.
“Giáo dục của chúng ta đang ở đâu trên con đường quá độ”?
Dẫn lời Bộ trưởng Nhạ từng nói “giáo dục của ta đang trong giai đoạn quá độ nên phải chấp nhận để đổi mới”, đại biểu Hồ Thị Vân đặt câu hỏi. “Sau khá nhiều thay đổi, giáo dục của chúng ta đã đi đến đâu, đến giai đoạn nào của con đường quá độ? Trong nhiệm kỳ của mình Bộ trưởng dự kiến đạt được bao nhiêu phần trăm của quá trình đổi mới?
Trả lời đại biểu, người đứng đầu ngành giáo dục cho rằng, việc đổi mới trong lĩnh vực này là “không thể nóng vội vì đây là vấn đề nhạy cảm, cần phải có lộ trình, bước đi cụ thể”.
Bộ trưởng Nhạ dẫn chứng về vấn đề thi cử, như kỳ thi trung học phổ thông quốc gia được đổi mới theo lộ trình 3 năm, từ 2 kỳ thi với 2 mục đích thành 1 kỳ thi duy nhất. Đến 2017, việc thi cử đã “tương đối ổn định, được cử tri và nhân dân cả nước ủng hộ”.
Nói về vấn đề “giáo dục VN đang đi đến đoạn nào của con đường quá độ”, ông Nhạ cho rằng “chúng ta đang ở giai đoạn thực hiện nhiều nhiệm vụ và có hiệu quả”. Cụ thể, “giáo dục mầm non thì hoàn thành phổ cập giáo dục mầm non 5 tuổi, được UNICEF đánh giá cao, hay tỷ lệ huy động trẻ 6 tuổi vào lớp 1 cũng thuộc diện cao, chỉ sau Singapore. Kết quả đổi mới trung học, phổ thông cũng được các tổ chức như WorldBank đánh giá cao.
“Trong lúc chờ đợi chương trình mới thì bộ đã chỉ đạo, các địa phương rất quyết liệt, đổi mới dần để chương trình hiện hành giảm tải hơn, phù hợp hơn với chủ trương chuyển từ phương thức đào tạo nội dung sang phát triển phẩm chất, năng lực. Đây là quá trình chuyển, tuy không phải sốc nhưng vô cùng gian lao. Nhân đây rất mong cử tri, nhân dân và các thầy cô, các vị đại biểu chia sẻ với ngành " – Bộ trưởng Nhạ nhấn mạnh.
Triết lý cô đọng của giáo dục Việt Nam là gì? Vấn đề này được đại biểu Nguyễn Thanh Hải gửi tới Tư lệnh ngành Giáo dục. Tuy nhiên, Chủ tịch QH Nguyễn Thị Kim Ngân đánh giá để trả lời câu hỏi này cần phải tổ chức hội thảo và đề nghị Bộ trưởng Nhạ trao đổi với đại biểu Hải về vấn đề này. |