Bộ trưởng Đinh La Thăng: Đừng ảo tưởng về Vinalines

Đàm phán nợ của Vinalines (VNL) đang tắc do các chủ nợ dừng lại khi thấy VNL thoái vốn thành công tại hàng loạt cảng biển. Trong khi đó, Bộ trưởng Bộ GTVT Đinh La Thăng cho rằng: các chủ nợ không nên ảo tưởng về sự phục hồi của VNL. 
Bộ trưởng Đinh La Thăng: Đừng ảo tưởng về Vinalines

IPO không thuận lợi như kế hoạch

 Một mục tiêu lớn của Bộ GTVT năm nay là cổ phần hóa (CPH) được VNL. Muốn làm được điều đó thì doanh nghiệp phải có lộ trình tái cơ cấu tài chính, làm sạch sổ sách, cân bằng tài chính trước khi ra mang “hàng” ra chào ở thị trường. Dự tính là đến cuối quí 2 năm nay, VNL sẽ IPO nhưng tiến trình này đến nay có thể chậm lại.

 Lý do là quá trình tái cơ cấu nợ và thúc đẩy sản xuất kinh doanh, hoặc tắc hoặc gặp nhiều khó khăn.

Tại cuộc họp về tiến trình IPO tổng công ty này diễn ra tại Bộ GTVT hôm 13-4, Tổng giám đốc VNL Lê Anh Sơn nhấn mạnh rằng, quá trình tái cơ cấu nợ của doanh nghiệp hiện đang rất nan giải. Sau gần hai năm tái cơ cấu nợ, VNL vẫn còn nợ 8.739 tỉ đồng/11.000 tỉ đồng dư nợ gốc tại các tổ chức tín dụng mà không tiếp tục tái cơ cấu thêm được khoản nợ nào do các chủ nợ dừng đàm phán.

 Lý do là các ngân hàng thấy VNL thoái vốn thành công tại nhiều cảng biển đồng thời nhiều nhà đầu tư chực chờ mua cổ phần tại các cảng biển mà VNL đang nắm giữ nên các chủ nợ không “xuống nước” đàm phán bán lại nợ giá thấp cho tổ chức trung gian là Công ty mua bán nợ Việt Nam (DATC), nơi thay VNL đứng ra đàm phán mua lại các khoản nợ. Ông Sơn cho rằng các ngân hàng đã quá kỳ vọng vào sự phục hồi của VNL trong khi thực tế, việc đàm phán nợ không tiến triển khiến cho quá trình IPO sẽ bị ảnh hưởng. Tất nhiên, vốn chủ sở hữu của VNL nay được định giá là 9000 tỉ đồng, cao hơn tổng nợ nên VNL vẫn có dòng vốn dương để IPO.

Mặt khác, kết quả sản xuất kinh doanh của VNL đang khó dẫn đến thiếu hụt dòng tiền. Cước vận tải sụt giảm mạnh từ quí 3 năm 2014 trở lại đây khiến cho các công ty vận tải biển thiếu hụt dòng tiền nghiêm trọng hơn trong khi sản lượng khai thác các cảng chưa có nhiều đột biến. Ông Sơn nói rằng các công ty vận tải biển phải áp dụng phương pháp cho thuê tàu hạn định để duy trì hoạt động, tiềm ẩn nhiều rủi ro bị bắt giữ tàu do phát sinh tranh chấp với bên thứ ba.

 Lĩnh vực logisctic thì VNL thua xa các doanh nghiệp nước ngoài và doanh nghiệp trong nước (ví dụ như Tân Cảng) nên cũng không có đóng góp đáng kể vào việc cải thiện dòng tiền cho công ty mẹ vốn chưa dừng đà thua lỗ.

 Hai đồng nợ thành một đồng vốn góp?

Cái khó của VNL hiện nay là muốn thoái vốn nhà nước tại các công ty con để trả bớt nợ song các cảng đã đấu giá thì ế trong khi các cảng dự tính bán hết vốn để thu tiền về chưa thể tiến hành vì các chủ trương bán hết vốn nhà nước tại đây hiện chưa có tiến triển thêm.

 Do đó, Bộ trưởng Đinh La Thăng nói rằng: “Các chủ nợ đừng ảo tưởng về sự phục hồi của VNL” vì giải quyết khối nợ này không dễ dàng. Người đứng đầu Bộ GTVT cho rằng không thể trông chờ sự thay đổi nhanh chóng của VNL để thu hồi dòng tiền, nếu không có sự chia sẻ để hai bên cùng có lợi.

 Ông Thăng nói rằng nếu không tái cơ cấu được tài chính, việc IPO chỉ là hình thức mà thôi.

Ông Thăng cũng nhấn mạnh rằng việc các ngân hàng đòi thu hồi nguyên giá trị khoản nợ là ảo tưởng và chỉ có thể chọn tình huống bớt xấu hơn. Ví dụ chấp nhận phương án hoán đổi nợ mới lấy nợ cũ theo tỉ lệ 30/70 với các công ty chuyển tử Tổng công ty công nghiệp tàu thủy sang VNL, hoặc chuyển nợ thành vốn góp với tỷ lệ thoả thuận hợp lý. Hoặc thậm chí có thể đổi hai đồng nợ thành một đồng vốn góp.

 Năm ngoái, một chủ nợ lớn là Vietinbank cũng đã yêu cầu đổi nợ tại công ty mẹ thành vốn góp tại Cảng Hải Phòng nhưng phương án này bị bế tắc bởi hàng rào các quy định đối với tổ chức tín dụng.

Theo TBKTSG