Vấn đề có thể thành lập Trung tâm tài chính quốc tế ở TP.HCM hay không được thảo luận sôi nổi tại hội nghị đánh giá tình hình phát triển kinh tế - xã hội vùng Đông Nam Bộ và vùng kinh tế trọng điểm phía Nam diễn ra vào sáng 12/7/2022, do Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư chủ trì.
Tốc độ và chất lượng tăng trưởng phải song hành
Tại hội nghị, nhiều mặt của công tác phát triển kinh tế vùng Đông Nam Bộ - đặc biệt là “đầu tàu” TP.HCM - được thảo luận rất kỹ.
Chủ tịch UBND TP.HCM Phan Văn Mãi khẳng định, với vị thế “đầu tàu” của cả nước và trung tâm của khu vực, vùng kinh tế phía Nam và Đông Nam bộ cần xác định đến năm 2030 - 2045 phải đạt được mục tiêu cao hơn mục tiêu của cả nước đề ra.
“Tăng trưởng của TP.HCM phải ở mức hai con số, và không chỉ dừng lại ở đó, mà còn phải chú trọng chất lượng tăng trưởng. Chẳng hạn những vấn đề mà các đại biểu đã đặt ra, như tắc nghẽn giao thông, ngập nước, y tế, giáo dục, quản trị xã hội… đều phải được xem xét để tiếp cận phát triển bền vững” – Chủ tịch UBND TP.HCM nhấn mạnh.
Về việc thành lập Trung tâm tài chính, ông Phan Văn Mãi cho biết: TP.HCM đã hoàn thiện đề án, đã báo cáo Chính phủ và Chính phủ đã giao cho Bộ Kế hoạch và Đầu tư chỉ đạo triển khai. Đây là một đề án rất khó, là một “câu chuyện lớn”, nhưng TP.HCM vẫn rất mong muốn triển khai. Bởi sẽ có lợi cho không chỉ TP.HCM hay khu vực phía Nam, mà còn có lợi ích cho nền kinh tế cả nước. Trước hết, TP cần định hình mô hình của Trung tâm, hoàn thiện tính pháp lý thì mới có thể vận hành Trung tâm này.
Việc có thể thành lập được Trung tâm tài chính quốc tế tại TP.HCM hay không rất cần được đặt trên tổng thể chiến lược phát triển kinh tế vùng Đông Nam bộ và chiến lược phát triển chung của cả nước.
Chủ tịch UBND TP.HCM Phan Văn Mãi khẳng định cần xác định đến năm 2030 - 2045, vùng kinh tế phía Nam và Đông Nam bộ phải đạt được mục tiêu cao hơn mục tiêu của cả nước đề ra |
Ông Phan Văn Mãi cho rằng, công tác lập quy hoạch vùng cũng cần sớm triển khai thực hiện, Chủ tịch UBND TP.HCM mong muốn Bộ Kế hoạch và Đầu tư và các địa phương trong vùng cần sớm bàn bạc, thống nhất vai trò, nhiệm vụ trọng tâm để phân công trên cơ sở lợi thế của các địa phương.
Chủ tịch UBND TP.HCM Phan Văn Mãi cho hay: “Hội đồng vùng sẽ được thành lập, có nhiệm vụ theo dõi, xác định mục tiêu, giám sát trách nhiệm, tiến độ để có cơ chế cảnh báo, báo cáo các phát sinh để trung ương điều phối. Để làm được điều này, cần tổ giúp việc cũng như kinh phí và cơ chế tư vấn để giám sát mục tiêu, tiến độ, những phát sinh, để kiến nghị cơ quan có thẩm quyền xử lý, không để phát sinh thêm gánh nặng cho ngân sách nhưng vẫn hiệu quả. Từ đó, có thể điều tiết nhiều lĩnh vực, chương trình dự án trọng điểm đạt được kết quả rõ nét”.
Bộ Kế hoạch và Đầu tư nhấn mạnh về việc cần làm ngay
Sau khi nghe các đại biểu thảo luận và đóng góp ý kiến với TP.HCM, Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư, ông Nguyễn Chí Dũng đã đánh giá cao những kết quả mà TP.HCM đạt được, đồng thời, cũng chỉ ra những kết quả chưa đạt được, những hạn chế, yếu kém, những điểm nghẽn đang làm cản trở quá trình phát triển của TP.HCM nói riêng và vùng Đông Nam bộ nói chung.
Theo ông Dũng, đây là cơ sở để đưa ra định hướng tầm nhìn phát triển mới trong tương lai, sao cho TP.HCM xứng đáng là đầu tàu, là trung tâm của vùng Đông Nam Bộ và của cả nước.
“Hiện nay, chúng ta đang tổng kết chiến lược phát triển của 6 vùng kinh tế trọng điểm trên cả nước. Bộ Chính trị sẽ chỉ đạo cụ thể để TP.HCM có định hướng, từ đó kiến nghị những cơ chế, chính sách cần có để phát triển. Bên cạnh đó, TP.HCM cần báo cáo làm rõ thêm những nút thắt liên quan đến vấn đề đất đai, phát triển đô thị, ách tắc giao thông, nguồn nhân lực… Đặc biệt là cần đề xuất cụ thể về cơ chế chính sách liên kết vùng trong bối cảnh Việt Nam không có thể chế vùng” – Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng nói.
Ông Nguyễn Chí Dũng nhận định: “Trước bối cảnh mới cũng như biến động của thế giới và khu vực đang mở ra rất nhiều cơ hội cũng như thách thức, chúng ta cần nhận diện các tiềm năng cơ hội và các thách thức phải đối mặt”.
TP.HCM phấn đấu xây dựng Trung tâm tài chính để tăng tốc phát triển. Ảnh: Hòa Bình |
Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư nhận định, cơ chế phát triển cho TP.HCM cần được đặt trên nền tảng so sánh với các TP khác trong khu vực và trên thế giới. TP.HCM cần đưa ra quan điểm mới, cơ chế chính sách mới đặc thù, phù hợp với giai đoạn 2030-2045, đủ điều kiện, vượt trội trong nước và cạnh tranh với quốc tế; chủ động, phân cấp phân quyền, huy động nguồn lực để triển khai áp dụng cơ chế chính sách mới, có thể thí điểm sau đó tổng kết rút kinh nghiệm và nhân rộng bằng việc thực hiện cụ thể.
Về vấn đề thành lập Trung tâm tài chính quốc tế tại TP.HCM, Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng nhận định TP.HCM đã có bước tiến trong đề án xây dựng Trung tâm tài chính. Tới đây, Chính phủ sẽ đồng hành cùng TP đẩy nhanh tiến độ hình thành Trung tâm tài chính quốc tế này.
Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư nhấn mạnh: Đã đến lúc TP.HCM coi phát triển là ưu tiên hàng đầu để ổn định hoặc phải đặt lại vấn đề ổn định để phát triển, để xác định rõ cơ chế đặc thù và các vấn đề tiên phong. Phải đặt mình trên vị thế mới, vai trò, sứ mệnh mới, tầm nhìn mới, đẩy mạnh tốc độ phát triển cao hơn, nhanh hơn, mạnh hơn. Có lẽ TP.HCM phải phát triển ở mức độ hai con số và không thể dừng lại trong vài ba năm, mà là giữ tốc độ phát triển đó hàng chục năm thì mới xứng đáng với vai trò “đầu tàu” của nền kinh tế cả nước. Nếu các cực tăng trưởng không nhanh hơn, phát triển không nhiều hơn thì nền kinh tế cả nước sẽ gặp nhiều khó khăn.
Theo Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng, TP.HCM thành lập Trung tâm tài chính, phát triển đô thị thông minh, bền vững… thì chắc chắn tốc độ phát triển và sự đóng góp sẽ lớn hơn rất nhiều.
Ông đề nghị TP.HCM cần đặt mục tiêu lớn như vậy cho giai đoạn từ nay đến 2030. Trung tâm tài chính sẽ mang một sứ mệnh mới trên nền tảng TP.HCM trở thành một Trung tâm kinh tế, dịch vụ, khoa học, đổi mới sáng tạo, chuyển đổi số, nghiên cứu phát triển, giáo dục đào tạo…
Đây đều là những việc cần phải làm và làm nhanh chứ không còn ngồi bàn nữa, đồng thời đề nghị TP.HCM phối hợp với các Trung tâm tài chính lớn trên thế giới như Trung tâm tài chính London, Trung tâm tài chính Dubai… để sớm có nghiên cứu mô hình riêng cho TP.HCM.
Bộ trưởng đề nghị TP.HCM tiến tới hình thành một Thành phố tài chính với nền kinh tế xoay quanh Trung tâm tài chính. Bởi việc này sẽ đóng góp rất lớn cho sự phát triển của TP.HCM nói riêng và nền kinh tế cả nước nói chung.