Tại phiên thảo luận về dự án Luật Quy hoạch (sửa đổi) vào sáng 16/9 của Uỷ ban Thường vụ Quốc hội. Ông Đặng Huy Đông, Thứ trưởng KHĐT cho biết, nội dung Dự luật này đề xuất bỏ quy hoạch sản phẩm ở cấp quốc gia vốn được sử dụng lâu nay như một dạng "giấy phép con", gây cản trở hoạt động về đầu tư, kinh doanh. Bởi thực tế, quy hoạch hiện nay có tình trạng tràn lan ở nhiều lĩnh vực. Số liệu thống kê cho biết, thời kỳ 2001 - 2010, số quy hoạch được lập là 3.114, thì đến thời kỳ 2011 - 2020, số lượng quy hoạch phải lập là 19.285 bản quy hoạch các loại, tăng gấp 6 lần.
Ông Đông nói: “Lấy quy hoạch để cho phép người này được quyền xuất khẩu gạo, người kia không được quyền xuất, là vô lý. Có chăng chỉ nên quy định điều kiện để được xuất khẩu, chứ không phải đưa vào quy hoạch. Tương tự, quy hoạch cá tra, cá rô phi... cũng vậy. Nếu đưa ra mà không quản lý được quy hoạch kiểu thế thì không đúng.”
Đồng tình đề xuất này Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế Vũ Hồng Thanh cho rằng, điều này sẽ giúp bỏ được những loại giấy phép con, là bước đột phá về cải cách thủ tục hành chính trong đầu tư, sản xuất kinh doanh.
Cho rằng, xoá bỏ quy hoạch sản phẩm là tránh được việc "doanh nghiệp phải chạy đi, chạy lại", nhưng Chủ nhiệm Ủy ban Đối ngoại Nguyễn Văn Giàu cũng đề nghị cơ quan soạn thảo cần phân tích thêm mặt lợi của quy hoạch. "Mấy hôm nay cứ tranh luận mãi chuyện có nên đưa dự án thép Cà Ná vào quy hoạch hay không. Ngành xi măng, thép... phát triển được như ngày nay là nhờ có quy hoạch sản phẩm, không thể phủ nhận", ông Giàu nói.