Bộ GTVT đề nghị Chính phủ hạn chế bảo lãnh cho DNNN

Bộ Giao thông-Vận tải (GTVT) đã đề xuất Chính phủ hạn chế đến mức thấp nhất việc cấp bảo lãnh cho doanh nghiệp nhà nước (DNNN) vay vốn, do khó kiểm soát giám sát dòng tiền tại các doanh nghiệp này, sau khi có những bài học đắt giá từ các doanh nghiệp lớn như Vinashin và Vinalines.
Các hậu quả vay nợ của Vinashin sau 5 năm vẫn khó giải quyết. Hầu hết các công ty thuộc Vinashin trước đây đều âm vốn chủ sở hữu, không đủ điều kiện để CPH - Ảnh:TL
Các hậu quả vay nợ của Vinashin sau 5 năm vẫn khó giải quyết. Hầu hết các công ty thuộc Vinashin trước đây đều âm vốn chủ sở hữu, không đủ điều kiện để CPH - Ảnh:TL

Tại buổi tổng kết tình hình sắp xếp, đổi mới DNNN trong giai đoạn 2011-2015 và nhiệm vụ đến 2020 được tổ chức hôm nay 9-12, tại Hà Nội, Bộ GTVT đã nhấn mạnh rằng do hệ thống, cách thức quản lý, giám sát dòng tiền, vốn vay tại các doanh  nghiệp, nhất là các DNNN còn lỏng lẻo, nên Bộ này đề xuất Chính phủ hạn chế đến mức thấp nhất việc cấp bảo lãnh cho DNNN.

Việc cấp bảo lãnh này, thay vì theo doanh nghiệp nên được chuyển qua bảo lãnh theo mục tiêu cho các dự án.

Vay nợ dễ dàng, hậu quả khó giải quyết

Tổng kết tình hình sắp xếp, đổi mới DNNN trong giai đoạn 2011-2015, Bộ GTVT cho biết đây là giai đoạn Chính phủ và Bộ GTVT đẩy mạnh việc cổ phần hóa, thoái vốn nhà nước tại các DNNN. Trong bốn năm qua, Bộ GTVT đã phải giải quyết những khó khăn của hai DNNN lớn, tiêu biểu cho những thất bại trong việc xây dựng mô hình kinh tế lấy DNNN làm chủ đạo, nòng cốt. Đó là trường hợp của Tập đoàn Vinashin (trước đây) và Tổng công ty hàng hải Vinalines. Hậu quả do kinh doanh, quản lý kém, sử dụng vốn vay trái mục đích mà hai doanh nghiệp gây ra đến nay vẫn phải giải quyết và việc giải quyết vẫn phải kéo dài trong nhiều năm tới do quy mô thua lỗ, nợ nần quá lớn.

Theo báo cáo của Ban chỉ đạo đổi mới và phát triển doanh nghiệp thuộc Bộ GTVT, trong giai đoạn phát triển trước năm 2011, một số doanh nghiệp đầu tư dàn trải, mở rộng quá nhanh. Năng lực quản trị của các doanh nghiệp không theo kịp tốc độ phát triển, nguồn lực hạn chế, cùng với tác động của suy thoái kinh tế, dẫn đến hậu quả là một số doanh nghiệp mất cân đối nghiêm trọng.

Vinashin đình trệ sản xuất, mất hoàn toàn vốn chủ sở hữu và rơi vào tình trạng phá sản, Vinalines mất cân đối tài chính, thua lỗ liên tiếp, không có khả năng thanh toán các khoản nợ đến hạn, nhiều tàu đã phải dừng khai thác do không hiệu quả.

Nhiều doanh nghiệp khác cũng có hệ số nợ phải trả/vốn điều lệ cao so với quy định (có doanh nghiệp lên đến 10 lần), quản trị doanh nghiệp còn nhiều yếu kém, hiệu quả sản xuất, kinh doanh thấp và lâm vào tình trạng phá sản.

Sau hơn bốn năm tái cơ cấu, Vinashin - nay gọi là Tổng công ty công nghiệp tàu thủy (SBIC) - còn lại trên 90 doanh nghiệp trực thuộc đang thực hiện tái cơ cấu với nhiều hình thức: bán, chuyển nhượng, giải thể, sáp nhập, phá sản và cổ phần hóa, sau khi 139 trong tổng số 236 doanh nghiệp của Vinashin trước đây đã được giải thể, tự giải thể, mua bán, sáp nhập…

Bộ GTVT và Bộ Tài chính đã cơ bản hoàn thành tái cơ cấu tài chính đối với khoản trái phiếu quốc tế Bộ Tài chính vay về cho Vinashin vay lại (1,023 tỉ đô la); hoàn thành tái cơ cấu khoản vay quốc tế 600 triệu đô la. Các khoản nợ trong nước hơn 20.000 tỉ đồng cũng được chia làm hai giai đoạn tái cơ cấu và nay đang ở bước tái cơ cấu giai đoạn 2.

Vinalines cũng đang trong giai đoạn tái cơ cấu nợ để cổ phần hóa. Một số tổ chức tín dụng đã hoàn thành việc mua bán nợ, đồng thời tiếp tục đề xuất chuyển nợ thành vốn góp khi thực hiện cổ phần hóa công ty mẹ và các công ty con. Tính đến ngày 11-11-2015, Vinalines đã cơ cấu thành công 7.479 tỉ đồng nợ, trong đó, giảm được 4.464 tỉ đồng nợ gốc và 1.258 tỉ đồng nợ lãi.

Trong quá trình tái cơ cấu, chuẩn bị cổ phần hóa các DNNN thuộc bộ, ban chỉ đạo đổi mới nhận ra rằng: Chính phủ vẫn phải thực hiện bảo lãnh cho các DNNN, công ty mẹ bảo lãnh cho công ty con. Đây chính là nguyên nhân gây khó cho cơ quan quản lý và các tổ chức tư vấn khi thực hiện cổ phần hóa, bán, chuyển giao doanh nghiệp; sẽ rất khó xử lý nghĩa vụ bảo lãnh.

Lấy ví dụ khi tái cơ cấu tài chính không thể kiểm soát, giám sát được việc Vinashin trước đây vay lại 750 triệu đô la Mỹ qua trái phiếu Chính phủ nhưng sử dụng không đúng mục đích, cho vay lại vô tội vạ. Hoặc công ty mẹ bảo lãnh cho một số công ty con vay vốn tín dụng ngân hàng song cả công ty mẹ lẫn công ty con đều mất khả năng chi trả. Ở Vinalines cũng xảy ra tình trạng này.

Bộ GTVT nhấn mạnh: Hiện nay, hệ thống kiểm soát hoạt động tài chính, kiểm soát các giao dịch lưu chuyển dòng tiền của các tổ chức, doanh nghiệp, cá nhân chưa được chặt chẽ, đồng bộ; do vậy rất khó kiểm soát được việc lưu thông tiền tệ  của các doanh nghiệp, có “cửa” cho tham nhũng hoành hành.

Hạn chế tối đa cấp bảo lãnh Chính phủ

Từ những bài học của Vinashin và Vinalines, Ban chỉ đạo cổ phần hóa và đổi mới doanh nghiệp của Bộ GTVT đề nghị Chính phủ hạn chế đến mức thấp nhất việc bảo lãnh cho các doanh nghiệp nhà nước, công ty mẹ bảo lãnh cho công ty con (khi thực hiện cổ phần hóa, bán, chuyển giao doanh nghiệp sẽ rất khó xử lý nghĩa vụ bảo lãnh).

Bộ này cũng đề nghị phải chuyển hướng từ bảo lãnh đối tượng (DNNN) sang bảo lãnh mục tiêu (không phân biệt sở hữu doanh nghiệp mà phụ thuộc vào lĩnh vực cần hỗ trợ và hiệu quả hoạt động của doanh nghiệp) để đảm bảo cân đối, điều tiết vĩ mô và khuyến khích phát triển các lĩnh vực, ngành nghề cần thúc đẩy phát triển.

Theo Bộ trưởng, Chủ nhiệm VPCP Nguyễn Văn Nên trong cuộc họp báo thường kỳ Chính phủ hồi tháng 11-2015, tính đến hết năm 2014, tổng số nợ của các tập đoàn, tổng công ty nhà nước là gần 1,57 triệu tỉ đồng, so với vốn chủ sở hữu là 1,41 lần (mức quy định chung là không quá 3 lần). Hằng năm các doanh nghiệp vẫn chủ động bố trí nguồn, cơ bản trả nợ đúng hạn; tuy nhiên nhiều doanh nghiệp không trả được nợ và Chính phủ phải đứng ra trả thay.

Chính phủ đã ban hành Nghị định số 206/2013 về quản lý nợ của doanh nghiệp do Nhà nước nắm giữ 100% vốn điều lệ; theo đó từng doanh nghiệp phải ban hành và thực hiện Quy chế quản lý nợ của mình; bảo đảm hệ số nợ phải trả so với vốn chủ sở hữu không vượt quá 3 lần;…

Bộ Tài chính cũng đang sọan dự thảo Nghị định về cấp và quản lý bảo lãnh Chính phủ. Dự thảo này cũng không đề ra quy định đối tượng cấp bảo lãnh Chỉnh phủ là DNNN mà chuyển qua các dự án, nhất là các dự án cấp bách nằm trong chương trình đã được Quốc hội và Chính phủ phê duyệt hàng năm, dự án đảm bảo hiệu quả vay vốn.

Hiện nay, nợ do Chính phủ bảo lãnh chiếm 19% tổng nợ công . Nếu tính theo phần trăm so với GDP thì nợ Chính phủ bảo lãnh chiếm 11,4%.

Theo phương án đã được Chính phủ phê duyệt, giai đoạn 2011-2015, Bộ GTVT phải thực hiện cổ phần hóa 70 doanh nghiệp (bao gồm 9 công ty mẹ - tổng công ty, 61 công ty thuộc bộ và công ty con thuộc các tổng công ty). Cũng theo phương án trên, sau năm 2015, bộ sẽ còn 22 doanh nghiệp do nhà nước nắm giữ 100% vốn điều lệ (trong đó có 7 công ty mẹ - tổng công ty và 15 công ty con).

Giai đoạn 2011 - 2015, Bộ GTVT triển khai cổ phần hóa 137 doanh nghiệp, tăng 67 doanh nghiệp so với kế hoạch phê duyệt (bao gồm 16 tổng công ty và 121 công ty con, công ty, đơn vị sự nghiệp thuộc bộ); thực hiện nộp về Quỹ hỗ trợ sắp xếp và phát triển doanh nghiệp tại Tổng công ty Đầu tư và Kinh doanh vốn nhà nước tổng số tiền 1.701 tỷ đồng.

Theo TBKTSG