Big C - chuỗi siêu thị trị giá 3,5 tỷ USD, lớn nhất Việt Nam - đã được bán cho tỷ phú Thái

Ngày 8/2, Tập đoàn TCC của Thái đã tiến hành mua lại hệ thống siêu thị Big C Việt Nam từ Tập đoàn Casino (Pháp). Theo đó Casino đã đồng ý bán phần lớn số cổ phần trị giá 3,5 tỉ USD của tập đoàn này tại Big C cho tập đoàn TCC của Thái Lan. 
Tập đoàn TCC của đại gia Thái Lan Charoen Sirivadhanabhakdi đã mua số cổ phần trị giá 3,5 tỉ USD tại Big C từ tay Tập đoàn Casino (Pháp).
Tập đoàn TCC của đại gia Thái Lan Charoen Sirivadhanabhakdi đã mua số cổ phần trị giá 3,5 tỉ USD tại Big C từ tay Tập đoàn Casino (Pháp).

Thỏa thuận này là một phần trong kế hoạch “giảm gánh nặng tài chính” của Casino trong năm 2016.

Vào tháng 12.2015, tập đoàn này đã thông báo kế hoạch bán đi một số tài sản để thanh toán khoản nợ 4,46 tỉ USD, trong đó có việc bán đi các mảng hoạt động tại Việt Nam do Việt Nam không phải là thị trường trọng yếu của tập đoàn này.

Casino cho biết giao dịch này sẽ giúp nhà bán lẻ Pháp thanh toán khoản nợ 3,7 tỉ USD, bao gồm cả các khoản vay của Big C. Dự kiến Big C sẽ chính thức có chủ mới vào ngày 31.3 tới.

TCC hiện đang thuộc quyền kiểm soát của nhà tài phiệt Thái Charoen Sirivadhanabhakdi. Ông Sirivadhanabhakdi còn được biết đến là ông chủ của các nhãn hàng nổi tiếng khác như Chang beer và Mekhong and Saeng Som whiskys.

Tại Việt Nam hiện Big C là chuỗi bán lẻ đầu tư nước ngoài có nhiều điểm bán nhất với 32 siêu thị, đại siêu thị và trung tâm thương mại trải dài trên nhiều tỉnh thành. Riêng tại TPHCM, Big C có 8 điểm bán. Nhà bán lẻ này được giới trong ngành đánh giá là đáng gờm nhất ở thị trường trong nước và luôn đưa ra nhiều chương trình xúc tiến bán hàng với giá bán rất cạnh tranh để thu hút khách hàng hiện nay.

Ngoài ra Big C còn có khoảng 10 cửa hàng thực phẩm tiện lợi và trang thương mại điện tử Cdiscount.vn. tại Việt Nam. Ở Thái Lan, Big C cũng là chuỗi kinh doanh bán lẻ lớn thứ hai sau chuỗi bán lẻ Tesco.

Người giàu thứ 2 Thái Lan

TCC là một trong những Tập đoàn đầu tư hàng đầu Thái Lan thuộc sở hữu của tỉ phú Charoen Sirivadhanabhakdi. TCC Holdings đóng vai trò là cổ đông chính trong nhiều công ty thuộc kiểm soát của tỉ phú Charoen như Berli Jucker, TCC Land, ThaiBev, Fraser&Neave…

Theo tạp chí Forbes, doanh nhân Thái Lan Charoen (71 tuổi) hiện là 1 trong 3 người giàu nhất Thái Lan với khối tài sản trị giá hơn 13,1 tỉ USD tính đến tháng 6.2015.

Charoen là con thứ 6 trong một gia đình bán hàng rong người gốc Hoa có 11 anh chị em. Mặc dù nhận được nhiều bằng tiến sĩ danh dự do các đại học, học viện trao tặng nhưng bản thân Charoen từng phải bỏ học từ năm lớp 9 để tìm kế sinh nhai.

Ở tuổi 70, ông vẫn là chủ tịch điều hành của nhiều công ty và tập đoàn lớn ở khắp nơi trên thế giới. Charoen cũng sở hữu nhiều bất động sản có giá trị khổng lồ Pantip Plaza ở Bangkok (Thái Lan), Khách sạn Plaza Athenee tại Manhattan (Mỹ), cùng hàng loạt chuỗi nhà hàng - khách sạn nổi tiếng khác ở Mỹ, Úc và châu Á.

Vị tỉ phú này bắt đầu khởi nghiệp từ một doanh nghiệp sản xuất đồ uống có cồn. Năm 1995, tỉ phú Charoen chính thức sáng lập lên hãng bia ThaiBev với thương hiệu bia Chang nổi tiếng. Chỉ sau 5 năm gia nhập thị trường, Chang chiếm thị phần tới 60% trên thị trường Thái Lan.

Ngoài ThaiBev hoạt động trong lĩnh vực đồ uống, dưới trướng tỉ phú Charoen còn có 2 tên tuổi lớn là Berli Jucker hoạt động đa ngành (đồ uống, sản xuất lon, chai thuỷ tinh, bán lẻ, cửa hàng tiện lợi…) và TCC Land hoạt động trong lĩnh vực bất động sản.

Charoen có 5 người con. Hiện tại, con trai ông, Thapana Sirivadhanabhakdi là Giám đốc điều hành tại ThaiBev, con gái Wallapa là Giám đốc điều hành của TTC Land. Con trai út của ông, Panote Sirivadhanabhakdi là thành viên Hội đồng quản trị của F&N.

Bắt đầu vào Việt Nam từ năm 1993, thông qua các khoản đầu tư tại đây có thể thấy tỉ phú Charoen Sirivadhanabhakdi đang dành sự quan tâm đặc biệt đến thị trường trong nước.

BJC - đối tác từng đứng ra đàm phán mua lại Metro Việt Nam - trước đó, đã mua lại 65% cổ phần của Phú Thái Group – một doanh nghiệp lớn trong lĩnh vực phân phối hàng tiêu dùng. Năm 2013, BJC đã mua lại cổ phần của đối tác nhật trong chuỗi cửa hàng tiện lợi Family Mart và đổi tên thành B'smart với tổng cộng 94 cửa hàng trên khắp cả nước.

Trước đó, BJC đã xuất hiện từ khá lâu và hoạt động trong lĩnh vực sản xuất chai thủy tinh, lon đựng đồ uống tại Việt Nam. BJC còn có một nhà máy sản xuất giấy vệ sinh Cellox và dây chuyền sản xuất đậu phụ ICHIBAN.

Tập đoàn của tỉ phú Charoen thông qua công ty con của mình là TTC Land cũng là chủ sở hữu khách sạn Melia Hà Nội. Trong vòng vài năm trở lại đây, Melia luôn đạt doanh thu trên 20 triệu USD và lợi nhuận trước thuế khoảng 10 triệu USD.

Điều đặc biệt, không chỉ sở hữu hai tòa tháp khách sạn Melia, tỉ phú Thái còn sở hữu hai khách sạn khác tại Hà Nội là Fraser Suites và cao ốc văn phòng tại TPHCM Melinh Point Tower.

Năm ngoái, Thaibev thuộc BJC cũng từng tỏ rõ ý định mua lại cổ phần (dự kiến là 53%) tại hãng bia Sài Gòn (Sabeco) khi công ty này thực hiện kế hoạch cổ phần hóa.

Ngoài ra, Fraser&Neave (F&N) hiện là cổ đông nước ngoài lớn nhất và đối tác chiến lược khi sở hữu 11% cổ phần của Vinamilk – tương ứng lượng cổ phiếu trị giá hơn 750 triệu USD. Mới đây, sau khi SCIC công bố kế hoạch thoái toàn bộ 45% cổ phần sở hữu tại Vinamilk, F&N được cho là một trong những ứng viên sáng giá. Truyền thông từng loan tin về việc F&N gửi đề nghị chào mua cổ phần Vinamilk nhưng F&N đã bác bỏ thông tin này ngay sau đó.

Theo ĐSPL