Mỹ “trị” Trung Quốc với 4 kịch bản chiến tranh Biển Đông

VietTimes -- Các nhà phân tích chiến lược cao cấp Lầu Năm Góc đang xem xét phương án triển khai hệ thống vũ khí chí mạng lợi hại hơn trên biển Đông như hệ thống pháo cơ động lựu pháo M777 để “trị” Trung Quốc nếu một trong 4 kịch bản chiến tranh Mỹ - Trung xảy ra trên Biển Đông.
4 kịch bản cho chiến tranh Mỹ - Trung
4 kịch bản cho chiến tranh Mỹ - Trung

Các quan chức Mỹ nhấn mạnh, rằng hiện tại vẫn chưa có quyết sách rõ ràng, nhưng thật sự đây là một vấn đề cần xem xét. Lầu Năm Góc phản đối quân sự hóa biển Đông, những tranh chấp lãnh thổ trên vùng biển này cần giải quyết.

Bên cạnh đó, quan chức Lầu Năm Góc còn công khai bày tỏ Mỹ sẽ tiếp tục hành động tuần tra tự do trên biển, tàu hải quân Mỹ sẽ tuần tra trong vùng biển mà Trung Quốc đưa ra yêu sách chủ quyền. Rõ ràng, mối quan hệ căng thẳng giữa Mỹ và Trung Quốc đang leo thang. Ngoài những hoạt động này ra, rất có thể Mỹ còn tìm kiếm phương thức mới, bố trí nhiều vũ khí phòng ngự và tấn công ở khu vực này hơn.

Dĩ nhiên những hành động này liên quan đến sự phối hợp mật thiết giữa Mỹ và các nước đồng minh trong khu vực, vì Mỹ không sở hữu chủ quyền trên biển Đông. Tuy nhiên, công việc này cần bố trí hệ thống vũ khí tấn công lục địa đã được sử dụng trong lịch sử - có thể sử dụng lựu pháo M777.

Lựu pháo M777 có thể là đòn chí mạng đối với Trung Quốc.
Lựu pháo M777 là loại pháo chủ lực của Thủy quân Lục chiến Mỹ và Lục quân Mỹ hiện nay, được đưa vào phục vụ từ năm 2005 đến nay. Dù là lựu pháo xe kéo, nhưng hệ thống điều khiển hỏa lực của M777 cũng rất hiện đại, nó tương tự hệ thống dùng trên lựu pháo tự hành M109A6 Paladin cung cấp tham số về mục tiêu để phản ứng nhanh, chính xác, hiệu quả. Quân đội Mỹ đã triển khai rộng rãi lựu pháo M777 trong các chiến dịch truy quét phiến quân ở Iraq và Afghanistan trong nhiều năm qua. Hiện nay, Mỹ duy trì trong kho 1.001 khẩu M777, gồm 580 khẩu thuộc thủy quân lục chiến và 421 khẩu thuộc lục quân và vệ binh quốc gia.

Theo Thời báo hải quân Mỹ, đô đốc Harry Harris cho biết, hải quân Mỹ cần bố trí hệ thống tên lửa chống tàu thế hệ mới để đối phó với đối thủ cạnh tranh tiềm ẩn đang phát triển năng lực rất nhanh như Trung Quốc. Hiện tại hải quân Mỹ vẫn sử dụng các vũ khí được sử dụng từ thời ông còn là quan chức cấp dưới. Đô đốc Harry Harris chỉ ra rằng: “Thập kỷ 70 thế kỷ XX, khi tôi bắt đầu sử dụng máy bay P-3, nước Mỹ đã có tên lửa Harpoon, hiện tại chúng ta vẫn đang sử dụng loại tên lửa đó”.

Theo hãng Bloombug, Tự lệnh Thái Bình Dương Mỹ cho biết, Mỹ cần nhanh chóng bố trí hệ thống tên lửa chống tàu kiểu tầm xa mới (LRASM) do nhà thầu Lockheed Martin chế tạo để đối phó với sự lớn mạnh không ngừng của lực lượng hải quân Trung Quốc và Nga tại vùng biển châu Á. Loại tên lửa chống tàu LRASM này được đưa vào dự toán ngân sách của Lầu Năm Góc năm 2017.

Năm 2017, hải quân Mỹ có kế hoạch mua gói tên lửa chống hạm đầu tiên này với 24 quả, đến năm 2021 sẽ đạt tới 464 quả. Dự toán ngân sách của Lầu Năm Góc viết, những tên lửa này sẽ được bố trí trên máy bay oanh tạc B-1B từ tháng 9/2018, một năm sau sẽ được lắp đặt trên chiến cơ “siêu ong bắp cày” F/A-18 E/F Super Hornet.

Chiến cơ "siêu ong"F/A-18E/F Super Hornet của quân đội Mỹ

Bài viết cũng nhấn mạnh, Trung Quốc đang tập trung bố trí tên lửa chống tàu có thể phóng từ vị trí cách tàu Mỹ rất xa, khiến chúng khó bị phát hiện và bắn rơi. Đô đốc Harry Harris nói: “Nước Mỹ cần hệ thống vũ khí chí mạng hơn, tốc độ nhanh hơn, tầm bắn xa hơn và khó bị tiêu diệt hơn”. Nếu cần, nó có thể được sử dụng như vũ khí phòng không, tấn công hỏa tiễn và tên lửa hành trình đánh úp bất ngờ.

4 kịch bản cho chiến tranh Mỹ - Trung trên biển Đông

Mới đây, tờ Sankei Shimbun – một trong 6 tờ báo lớn nhất ở Nhật Bản đã đăng tải bài viết chỉ ra 4 kịch bản chiến tranh Mỹ - Trung trên biển Đông. Bài viết nhấn mạnh, từ thời cổ đại, Trung Quốc đã có mưu lược “bất chiến nhi khuất nhân chi binh” (không để xảy ra chiến tranh mà vẫn khuất phục được kẻ địch). Hiện nay cũng có rất nhiều quốc gia áp dụng mưu lược này, thông qua biện pháp thổi phồng sức mạnh quân sự để đe dọa đối thủ, ngăn chặn nguy cơ xảy ra chiến tranh.

Xét trên góc độ cân bằng quân sự thế giới, Mỹ là cường quốc duy nhất, đặc biệt là sức mạnh hải quân, dù xét về chất hay lượng đều không có đối thủ. Tuy nhiên, hiện tại Mỹ đang phải đối mặt với những thách thức từ phía Trung Quốc. Khi hai nước xảy ra xung đột, kết quả của việc thương thảo bằng biện pháp ngoại giao thường do nhận thức “khi xảy ra chiến tranh, bên nào sẽ giành phần thắng” quyết định, và điểm then chốt để Mỹ và Trung Quốc đối thoại được với nhau nằm ở con át chủ bài có ảnh hưởng lớn nhất mà hai bên đang giữ - tức chiều hướng của chiến tranh.

Sankei Shimbun phân tích, hiện tại Trung Quốc áp dụng “chiến lược chống tiếp cận” (tức không tìm kiếm con đường khai chiến toàn diện với Mỹ mà thông qua các hoạt động tấn công cục bộ hiệu quả, làm lung lay nền móng chính trị và quân sự kéo dài chiến tranh của Mỹ).

Kịch bản chiến tranh với Mỹ được xây dựng là thông qua hàng trăm tên lửa hành trình và tên lửa đạn đạo bố trí ở lục địa, tàu chiến, chiến đấu cơ, ra đòn tấn công bấn ngờ đối với lực lượng quân đội tuyến đầu của Mỹ đóng tại Nhật Bản và Tây Thái Bình Dương, làm suy yếu ý chí chiến đấu của quân đội Mỹ, và quân đội Trung Quốc muốn ngăn chặn Mỹ tiếp cận các khu vực này, sau đó chuyển sang thế phòng thủ. Tuy nhiên hiệu quả của vũ khí chiến lược chủ yếu của Trung Quốc nhằm vào Mỹ - tên lửa chống hạm vẫn chưa biết rõ. Hiện tại Mỹ đã đề ra 4 kịch bản cho chiến tranh với Trung Quốc.

Chiến lược tấn công đất liền Trung Quốc

Chiến cơ Mỹ và Trung Quốc va chạm trên bầu trời năm 2001

Sau khi tăng cường phân tán binh lực trên căn cứ quân sự đảo Guam và căn cứ quân sự tại Nhật Bản, tránh được đòn tấn công của tên lửa Trung Quốc, Mỹ sẽ bố trí lực lượng hải quân và không quân ở tuyến đầu để phối hợp tác chiến, tấn công vào vùng đất liền của Trung Quốc, phá hoại mạng chiến đấu của nước này.

Mặc dù chiến lược này có thể khiến quân đội Mỹ chịu nhiều tổn thất khi đột phá tuyến phòng thủ mạnh của quân giải phóng Trung Quốc ở vùng ven biển, tuy nhiên sẽ khiến Trung Quốc phải đối mặt với khủng hoảng. Đây cũng là chiến lược “rủi ro cao, thu hoạch lớn” khiến Trung Quốc phải khuất phục.

Chiến lược hạn chế chiến tranh trên biển

Kịch bản này không tấn công vùng đất liền của Trung Quốc, các cuộc tấn công chỉ bó hẹp ở biển Hoa Đông và biển Đông, đánh chìm tàu chiến và tàu ngầm quan trọng của hải quân Trung Quốc, khiến lực lượng hải quân nước này thiệt hại nặng nề.

Chiến lược này giúp quân Mỹ không đột phá phòng tuyến ven biển của quân Giải phóng Trung Quốc, chỉ triển khai tác chiến ở vùng biển mà quân đội Mỹ chiếm ưu thế, thiệt hại cũng sẽ ít hơn. Đồng thời cú ra đòn này cũng không quá mạnh với Trung Quốc, để Trung Quốc giữ được dư dịa, không quá thảm bại, cũng là chiến lược không dồn Trung Quốc vào đường cùng mà tìm kiếm sự thỏa hiệp.

Chiến lược phong tỏa trên biển

Sơ đồ chuỗi đảo thứ nhất và chuỗi đảo thứ hai

Quân đội Mỹ không triển khai tấn công, mà phối hợp với Nhật Bản và Philippines giữ chắc chuỗi đảo thứ nhất, phong tỏa hải quân Trung Quốc ở biển Hoa Đông và biển Đông, tấn công tàu vận chuyển ở Thái Bình Dương và Ấn Độ Dương mà lực lượng quân Giải phóng Trung Quốc không thể bố trí lực lượng, cắt đứt tuyến đường vận tải trên biển của Trung Quốc, thắt chặt kinh tế Trung Quốc vốn lệ thuộc vào xuất khẩu, ép Bắc Kinh phải thay đổi chiến lược.

Chiến lược chiến tranh ủy nhiệm

Các nước đồng minh trong khu vực của Mỹ thực hiện các chiến lược trên ở truyến đầu, quân đội Mỹ chỉ chi viện ở hậu phương. Bài viết nhấn mạnh, chiến lược này có độ rủi ro thấp, thu hoạch cũng cao nhất.

Một chuyên gia quân sự giấu tên của Trung Quốc nhận định, 4 kịch bản giao chiến của Trung Quốc với Mỹ này hoàn toàn là sự giả định đơn phương của báo Nhật. Trong bối cảnh cục diện châu Á – Thái Bình Dương ngày càng căng thẳng như hiện nay, báo Nhật làm như vậy rõ ràng là thể hiện ý đồ gây xích mích.

Năm ngoái, báo chí Mỹ cũng đã đưa ra dự đoán nếu Mỹ - Trung xảy ra chiến tranh hạt nhân thì kết quả sẽ thế nào, báo Mỹ nói tên lửa hạt nhân sẽ trút xuống Trung Quốc như vũ bão. Một số tờ báo Nga cũng phân tích, sự chênh lệch về lực lượng giữa Trung Quốc và Mỹ là quá lớn, khi đã nổ ra chiến tranh hạt nhân, Trung Quốc sẽ hết sức nguy hiểm, cùng lắm chỉ chịu đựng được trong vòng 1 giờ đồng hồ.

Đ.Q