Trước đó, tại tờ trình cổ đồng, BIDV đã đưa ra mức chia cổ tức với tỷ lệ 7%. Về phần hình thức chi trả, nhà băng này thời điểm đó vẫn còn bỏ ngỏ giữa một trong hai phương án là bằng tiền mặt hoặc bằng cổ phiếu.
Đối với việc này, nhiều cổ đông của ngân hàng đều bày tỏ mong muốn được nhận khoản cổ tức năm 2016 bằng tiền mặt thay vì giữ lại để tăng vốn điều lệ. Tuy nhiên, theo giải thích của ông Phan Đức Tú – Tổng giám đốc BIDV tại cuộc họp, do cổ đông lớn nhất của ngân hàng là Bộ Tài chính vẫn chưa đưa ra quyết định về hình thức chi trả cổ tức bằng tiền hay cổ phiếu nên ngân hàng vẫn chưa thể đưa ra phương án cụ thể.
Ông Tú cho biết, nếu nhận được yêu cầu của Bộ Tài chính thì BIDV sẽ thực hiện chia cổ tức năm 2016 trong quý 2/2017.
Phương án chi trả cổ tức bằng tiền mặt chỉ được chính thức đưa ra, khi BIDV bất ngờ thông báo nhận được văn bản của Bộ Tài chính vào cuối buổi họp. Theo đó, Bộ Tài chính yêu cầu các ngân hàng chia cổ tức bằng tiền mặt, do vậy cổ đông BIDV sẽ biểu quyết trả cổ tức tiền mặt tỷ lệ 7% và đề xuất này được 100% các cổ đông thông qua.
Như vậy, Bộ Tài chính sẽ thu về hơn 2.200 tỷ từ BIDV với phương án chi trả cổ tức nói trên. Trước đó, năm 2015, với mức chia cổ tức tỷ lệ 8,5% Bộ Tài chính đã thu về số tiền khoảng 2.700 tỷ đồng.
Về kết quả kinh doanh năm 2016, lợi nhuận trước thuế BIDV đạt 7.709 tỷ đồng, tăng 3,2%, hoàn thành 98% mục tiêu đề ra. Tính đến 31/12/2016, tổng tài sản đạt của ngân hàng 1.006.404 tỷ đồng, tăng trưởng 18,3% so với năm 2015, chiếm gần 14% tổng tài sản toàn ngành ngân hàng.Tổng dư nợ tín dụng và đầu tư đạt 949.940 tỷ đồng, tổng nguồn vốn huy động đạt 940.020 tỷ đồng. Tỷ lệ nợ xấu trên tổng dư nợ là 1,95%.