Bí ẩn doanh nhân người Việt liên quan tới nghi án chuyển giá của Nhôm Toàn Cầu

0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc

VietTimes – Đó là ông Nguyễn Tài – CEO Công ty TNHH Dịch vụ Kho vận PTL (PTL), đơn vị cho Công ty TNHH Nhôm Toàn Cầu thuê kho bãi để chứa nhôm.

Bí ẩn doanh nhân người Việt liên quan tới nghi án chuyển giá của Nhôm Toàn Cầu (Ảnh: Trường Minh)
Bí ẩn doanh nhân người Việt liên quan tới nghi án chuyển giá của Nhôm Toàn Cầu (Ảnh: Trường Minh)

Tháng 10/2019, truyền thông và dư luận trong nước xôn xao trước thông tin nhà chức trách đã chặn đứng vụ việc 1,8 triệu tấn nhôm (có giá trị ước tính 4,3 tỉ USD) nhập về Việt Nam để giả mạo xuất xứ nhằm xuất khẩu sang Mỹ và các nước. Đáng chú ý, các đặc vụ của Bộ An ninh nội địa Mỹ cũng đã đến Việt Nam để phối hợp điều tra về sự việc này.

Khi đó, nhiều sự chú ý đổ dồn về Công ty TNHH Nhôm Toàn Cầu Việt Nam (tên tiếng Anh: Global Vietnam Aluminum Co - GVA, viết tắt: Nhôm Toàn Cầu Việt Nam), có trụ sở tại KCN Mỹ Xuân B1-Conac, huyện Tân Thành, tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu.

Đến tháng 7/2020, Kiểm toán Nhà nước (KTNN) đã có văn bản số 794/KTNN-TH đề nghị Cục Cảnh sát điều tra tội phạm về tham nhũng, kinh tế và buôn lậu (C03) – Bộ Công an điều tra, làm rõ và xử lý theo quy định của pháp luật đối với hành vi có dấu hiệu chuyển giá, trốn thuế thu nhập doanh nghiệp (TNDN) và chuyển tiền bất hợp pháp ra nước ngoài của “Công ty TNHH Nhôm Toàn Cầu” tại tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu.

Đồng thời, KTNN cũng đề nghị điều tra, làm rõ hành vi có dấu hiệu trốn thuế thu nhập cá nhân của ông Nguyễn Tài – Giám đốc Công ty TNHH Dịch vụ Kho vận PTL (PTL).

Tìm hiểu của VietTimes cho thấy, “Công ty TNHH Nhôm Toàn Cầu” mà KTNN đề cập nhiều khả năng chính là Nhôm Toàn Cầu Việt Nam, còn PTL cũng chính là đơn vị cho Nhôm Toàn Cầu Việt Nam thuê kho bãi để chứa nhôm. Song, mối quan hệ giữa 2 công ty này không dừng lại ở đó.

Kho nhôm khổng lồ của Công ty TNHH Nhôm Toàn Cầu Việt Nam tại Bà Rịa - Vũng Tàu (Ảnh: The Wall Street Journal)

Kho nhôm khổng lồ của Công ty TNHH Nhôm Toàn Cầu Việt Nam tại Bà Rịa - Vũng Tàu (Ảnh: The Wall Street Journal)

PTL của ai?

Theo tìm hiểu của VietTimes, PTL được thành lập từ tháng 9/2015, sáng lập bởi 2 cổ đông cá nhân là ông Nguyễn Tài (20% VĐL) và ông Jacky Cheung (80% VĐL).

Lưu ý rằng, ông Jacky Cheung (SN 1981) cũng chính là cổ đông, Tổng Giám đốc của Nhôm Toàn Cầu Việt Nam. Cùng với ông Wang Tong, bộ đôi doanh nhân người Úc gốc Hoa từng sở hữu 100% vốn của doanh nghiệp này.

Cập nhật tới tháng 10/2019, ông Wang Tong đã chuyển nhượng toàn bộ số cổ phần, tương đương 90% vốn của Nhôm Toàn Cầu Việt Nam (giá trị vốn góp theo mệnh giá lên tới 4.480 tỉ đồng) cho Công ty Triple Wins Global.

Mặt khác, tìm hiểu của VietTimes cho thấy, ông Nguyễn Tài cũng có nhiều thương vụ khác liên quan tới các ông Jacky Cheung và Wang Tong.

(Ảnh: Trường Minh)

(Ảnh: Trường Minh)

Ngày 20/5/2016, ông Nguyễn Tài và 2 cá nhân kể trên đã ký kết hợp đồng hợp tác đầu tư và vay vốn, tài sản bảo đảm là 85% vốn điều lệ của Công ty TNHH Nuôi trồng Thuỷ sản BNJ (BNJ) do ông Tài sở hữu.

Đến tháng 4/2017, cơ cấu cổ đông của BNJ ghi nhận sự góp mặt của 2 cổ đông cá nhân có cùng địa chỉ thường trú với ông Nguyễn Tài, đó là ông Nguyễn Tấn Lộc (49% VĐL) và bà Nguyễn Thị Điệp (51% VĐL).

Các ông Nguyễn Tài, Nguyễn Tấn Lộc hiện là nhóm cổ đông nắm tỉ lệ sở hữu chi phối tại CTCP Kết cấu thép GSB. Doanh nghiệp này trước do bà Trác Nguyên Khuê (SN 1956) – một doanh nhân người Việt gốc Hoa – sở hữu. Bà Khuê hiện là người đại diện của Công ty TNHH Sản xuất Thương mại Trác Việt, Công ty TNHH Nakajima Suisan (Việt Nam), Công ty TNHH MTV K&U Trại PS.

Tương tự, tháng 11/2018, Jacky Cheung và Wang Tong cũng nhận cầm cố tất cả các phần vốn góp hoặc cổ phần ở hiện tại và trong tương lai mà ông Nguyễn Tài nắm giữ trong Công Ty TNHH Đầu Tư Phát Triển Bất Động Sản Thanh Bình.

Thời điểm đó, công ty này đã sở hữu 2 thửa đất có cùng diện tích 126 m2 tại Phường Tân Phong, Quận 7, Tp. HCM.

Trở lại với PTL, sau nhiều lần thay đổi đăng ký kinh doanh, cập nhật đến ngày 6/3/2017, cơ cấu cổ đông của công ty này đã có nhiều sự thay đổi. Trong đó, ông Nguyễn Tài giảm tỉ lệ sở hữu xuống chỉ còn 5% vốn điều lệ. Phần vốn chi phối (95%) do Công ty TNHH Praise Trend (Praise Trend) nắm giữ.

Điều đáng nói, qua nắm bắt thông tin, KTNN cho biết, ông Jaky Cheung – CEO Nhôm Toàn Cầu Việt Nam - cũng chính là người đại diện vốn của Praise Trend.

Dữ liệu của VietTimes cho thấy, trong giai đoạn 2016 – 2019, biên lợi nhuận của PTL rất ấn tượng, dao động từ 51% - 66%. Mỗi năm, PTL báo lãi hàng trăm tỉ đồng.

Đằng sau khoản lỗ nửa tỉ USD của Nhôm Toàn Cầu Việt Nam

Trái ngược với PTL, Nhôm Toàn Cầu Việt Nam trong 4 năm gần nhất liên tục kinh doanh dưới giá vốn, tổng cộng các khoản lỗ thuần lên tới 10.581,7 tỉ đồng, tương đương khoảng nửa tỉ USD.

Dù rằng, trong giai đoạn 2016 – 2019, tổng doanh thu mà công ty này ghi nhận lên tới 21.413,5 tỉ đồng, tức gần 1 tỉ USD.

“Gánh” các khoản lỗ triền miên, tính đến ngày 31/12/2019, Nhôm Toàn Cầu Việt Nam âm vốn chủ sở hữu tới 7.188,6 tỉ đồng.

Đáng chú ý, trong 4 năm vừa qua, quy mô tổng tài sản của công ty này liên tục tăng trưởng, tính đến cuối năm 2019 đạt tới 110.575,6 tỉ đồng, tương đương với quy mô của nhiều tập đoàn, doanh nghiệp hàng đầu Việt Nam.

Đằng sau bức tranh tương phản về tình hình tài chính của PTL và Nhôm Toàn Cầu Việt Nam là nghi án chuyển giá, trốn thuế.

Theo KTNN, PTL đã ký hợp đồng cho Nhôm Toàn Cầu thuê kho bãi để chứa nhôm nguyên liệu. Doanh thu thuê kho bãi từ năm 2015 đến năm 2019 của PTL với Nhôm Toàn Cầu là 3.404 tỉ đồng, giá thuê kho bãi bình quân các năm là 7,2 USD/m2/tháng.

Qua so sánh của KTNN, giá thuê của Nhôm Toàn Cầu trả cho PTL cao gấp 7 lần so với giá PTL thuê kho bãi của CTCP Thành Chí (1 USD/m2/tháng) và gấp 4,7 lần giá thuê của CTCP Cảng Tổng hợp Thị Vải (1,53 USD/m2/tháng).

KTNN cho rằng, thông qua việc nâng giá thuê kho bãi một cách bất hợp lý, Nhôm Toàn Cầu đã chuyển giá sang PTL tổng số tiền ít nhất khoảng 2.680 tỉ đồng.

Mà như VietTimes đã đề cập, PTL và Nhôm Toàn Cầu có nhiều mối liên hệ mật thiết.

Theo KTNN, hành vi chuyển giá của Nhôm Toàn Cầu sang PTL và việc Công ty TNHH Praise Trend nhận chuyển nhượng 75% vốn góp, từ đó được chia lợi nhuận các năm 2015, 2016 tổng cộng hơn 337,6 tỉ đồng (và công ty này đã chuyển số lợi nhuận được chia này ra nước ngoài) có mối quan hệ chặt chẽ với nhau. Mục đích cuối cùng là chuyển tiền bất hợp pháp từ Nhôm Toàn Cầu ra nước ngoài.

Cũng theo KTNN, ngày 20/11/2017, ông Nguyễn Tài và Công ty TNHH Praise Trend (Praise Trend) ký Phụ lục Hợp đồng phân chia lợi nhuận năm 2015 và 2016 theo tỉ lệ ông Nguyễn Tài được hưởng 5%, Praise Trend hưởng 95%, tổng cộng là 337,6 tỉ đồng. Praise Trend đã chuyển số lợi nhuận được chia này ra nước ngoài.

Qua thông tin và tình hình chuyển nhượng vốn của ông Nguyễn Tài, KTNN nhận thấy, khi chuyển nhượng vốn góp, ông Nguyễn Tài có dấu hiệu chuyển nhượng vốn với giá chuyển nhượng thấp hơn rất nhiều lần so với giá trị thực tế của tài sản chuyển nhượng.

Qua kiểm toán, KTNN xác định lại giá trị thực tế của 22,5 tỉ đồng vốn góp ban đầu của ông Nguyễn Tài khi chuyển nhượng cho Praise Trend là 420,9 tỉ đồng.

Áp dụng theo Biểu thuế toàn phần với thuế suất 20%, KTNN xác định số thuế TNCN phải nộp đối với hoạt động chuyển nhượng 75% vốn góp tại thời điểm 16/1/2017 là hơn 79,6 tỉ đồng.

Sau khi trừ số thuế TNCN đã được Cục Thuế Bà Rịa - Vũng Tàu xác định và truy thu 400 triệu đồng, số thuế TNCN từ chuyển nhượng vốn của ông Nguyễn Tài cần phải truy thu thêm là hơn 79,2 tỉ đồng./.