Tại Diễn đàn đổi mới Sáng tạo trong lĩnh vực y tế lần thứ 2 do Tiểu ban Dược phẩm - Hiệp hội Các doanh nghiệp châu Âu tại Việt Nam (Pharma Group) tổ chức tại Hà Nội, ông Trần Quý Tường - Chủ tịch Hội Tin học Y tế Việt Nam, nguyên Cục trưởng Cục Công nghệ thông tin (CNTT) Bộ Y tế - đã khẳng định vai trò của chuyển đối số trong y tế và đặc biệt nhấn mạnh bệnh án điện tử là nền tảng, khởi đầu của quá trình chuyển đổi số y tế.
Bệnh án điện tử giúp hạn chế tiêu cực
Bên lề Diễn đàn, ông Trần Quý Tường đã có cuộc trao đổi với VietTimes về ý nghĩa quan trọng của bệnh án điện tử, khi giúp cải cách thủ tục hành chính, người dân không phải chờ đợi và nhân viên y tế cũng không mất thời gian hỏi thông tin cá nhân người bệnh; người dân đi khám, chữa bệnh (KCB) không còn phải mang theo cả đống giấy tờ như trước.
Khi đăng ký KCB, người dân chỉ cần qua đầu đọc thẻ căn cước công dân hoặc thẻ bảo hiểm y tế (BHYT) là có ngay số liệu hành chính, tránh được nhầm lẫn và giảm thời gian đăng ký từ 2-3 phút xuống còn 30 giây. Người dân cũng dễ dàng lưu trữ thông tin sức khỏe của bản thân trong cả cuộc đời..
Với thầy thuốc, bệnh án điện tử sẽ giúp họ không phải đánh máy, không lo viết chữ xấu, khó đọc và dễ dàng hội chẩn liên khoa liên viện, giúp nâng cao chất lượng KCB.
Đối với BV, bệnh án điện tử sẽ giúp công tác quản lý tốt hơn và làm tăng nguồn thu. Giám đốc BV có thể biết được tức thời các dữ liệu người bệnh, các hoạt động trong BV, thậm chí biết được từng bác sĩ làm việc ở phòng khám như thế nào, để điều chỉnh ngay.
Ông Trần Quý Tường ví dụ: Trước đây, ở BV Chợ Rẫy từng có người lạm dụng kê mỗi đơn thuốc BHYT hàng triệu đồng, mà mỗi ngày kê vài chục đơn, nhưng vì không có công nghệ nên BV không kiểm soát được. Sau đó, BV này đã phải ứng dụng CNTT với hạn mức: Những đơn thuốc 5 triệu trở lên là ngay lập tức giám đốc BV biết; hoặc một người không thể kê được một đơn thuốc quá 5 triệu, mà phải xin ý kiến giám đốc. Hay ở An Giang, Châu Đốc, hàng ngày, BV biết ngay là khoa nào sử dụng nhiều thuốc, khoa nào chỉ định xét nghiệm tăng.
“Bệnh án điện tử giúp quản lý rất minh bạch, hạn chế được tiêu cực rất nhiều. Nhưng đó cũng là điều mà nhiều giám đốc BV không thích. Họ sợ minh bạch những vấn đề như thuốc, lạm dụng chỉ định, tài chính vv…” - Ông Tường nêu quan điểm.
Cơ sở để xây dựng Big Data
Bệnh án điện tử còn giúp Bộ Y tế có số liệu thực, mà không cần phải báo cáo vì nếu kết nối liên thông vì sẽ có ngay dữ liệu về người dân, về khám sức khoẻ, giúp ngành dược biết được xu hướng dùng thuốc.
Dữ liệu y tế rất quan trọng, nhưng nếu không có bệnh án điện tử thì không thể có được dữ liệu ngay lập tức, hoặc có không đầy đủ. Bệnh án điện tử là cơ sở để có dữ liệu người bệnh, mà dữ liệu người bệnh là cơ sở xây dựng dữ liệu lớn (Big data) trong BV. Đây cũng chính là cơ sở để phát triển trí tuệ nhân tạo, nếu không Việt Nam sẽ mãi mãi chỉ áp dụng của nước ngoài.
Ông Trần Quý Tường cho rằng, bệnh án điện tử với việc áp dụng chữ ký số - khâu chốt của bệnh án điện tử - sẽ giúp xóa bỏ bệnh án giấy. Điều này, Việt Nam đã có sơ sở pháp lý. Đây là thuận lợi của ngành y tế, khi nhiều ngành kinh tế chủ lực dù đã chuyển đổi số nhưng không ký được chữ ký số mà chỉ ký được chữ ký điện tử, nên vẫn phải dùng chữ ký giấy song song.
Bệnh án điện tử được quy định phải đảm bảo các yêu cầu mỗi người bệnh chỉ có một mã số quản lý, lưu trữ hồ sơ bệnh án điện tử tại một cơ sở KCB; đầy đủ thông tin như hồ sơ bệnh án giấy; phải có chữ ký số của người chịu trách nhiệm nội dung thông tin trong hồ sơ bệnh án điện tử, đặc biệt, tuân thủ việc bảo vệ thông tin cá nhân theo quy định.
Chữ ký số sẽ công khai, minh bạch, biết rõ thời điểm ký và không thể thay đổi được, nên sẽ rất hữu ích nhất là khi cần phục vụ điều tra các vụ án.
Sợ minh bạch là một nguyên nhân chậm trễ
Ông Trần Quý Tường cho hay, theo quy định của Bộ Y tế, đến 31/12/2023, 100% BV hạng 1 trở lên phải sử dụng bệnh án điện tử. Nhưng, hiện chỉ có 20/135 BV hạng 1 sử dụng bệnh án điện tử. Đáng lưu ý khi chỉ có 52/1.500 BV sử dụng bệnh án điện tử, mà trong số 52 BV này, chỉ có không quá 20 BV hạng 1. Vì thế, Bộ Y tế đã phải lùi thời điểm bắt buộc sử dụng bệnh án điện tử.
Nếu triển khai được bệnh án điện tử, bỏ được bệnh án giấy thì chuyển đổi số y tế thành công đến 70%; 30% còn lại đến từ việc ứng dụng thêm các công nghệ như trí tuệ nhân tạo, dữ liệu lớn, công nghệ cao.
Ông Tường chỉ ra những nguyên nhân dẫn tới việc triển khai bệnh án điện tử chậm trễ:
Thứ nhất, lãnh đạo nhiều BV chưa thực sự quan tâm đến đẩy mạnh ứng dụng CNTT, chưa hiểu hết về bệnh án điện tử.
Thứ hai là lãnh đạo nhiều BV e ngại về tính minh bạch, khi không muốn minh bạch nhiều vấn đề như thuốc, lạm dụng chỉ định, tài chính.
Thứ ba là năng lực CNTT y tế của nhân viên y tế còn yếu.
Thứ tư là hạ tầng CNTT tại các BV không đồng bộ, chưa đáp ứng việc triển khai bệnh án điện tử. Chưa có tiêu chuẩn, hướng dẫn kết nối, liên thông, chia sẻ dữ liệu giữa các hệ thống thông tin y tế.
Thứ năm là còn thiếu cơ chế tài chính cho CNTT y tế nói chung và cho việc triển khai bệnh án điện tử nói riêng.
Theo ông Trần Quý Tường, chuyển đổi số y tế được triển khai thành công sẽ hình thành hệ thống phòng bệnh và chăm sóc sức khoẻ (CSSK) thông minh, giúp người dân chủ động phòng bệnh, dễ dàng tiếp cận các thông tin y tế, đồng thời, được tư vấn, CSSK kịp thời, hiệu quả.
Hệ thống quản trị y tế thông minh sẽ giúp cho các cơ quan quản lý y tế ra quyết định chính sách kịp thời dựa trên khả năng phân tích dữ liệu lớn, quản lý, theo dõi hiệu quả hoạt động của toàn bộ mạng lưới dịch vụ y tế trên toàn quốc, tăng khả năng ứng phó nhanh với các tình huống bất ngờ như: kiểm soát, khống chế dịch bệnh, chia sẻ phương pháp điều trị mới, đào tạo từ xa, giúp cho hệ thống y tế Việt Nam phát triển, hội nhập với thế giới.