Chiều ngày 17/7, tại TP.HCM Công ty Cổ phần Nông nghiệp Quốc tế Hoàng Anh Gia Lai (HAGL Agrico) đã có buổi Roadshow giới thiệu cơ hội đầu tư cổ phiếu HNG sắp chào sàn HOSE vào đầu tuần tới.
Trong 4 mảng hoạt động của HAGL Agrico hiện nay, ngoài chăn nuôi bò thì ngoài mảng cao su cũng được nhận được sự quan tâm của các nhà đầu tư.
Trả lời câu hỏi của BizLIVE về việc công ty đã trồng gần 38.500 ha cao su, chiếm diện tích lớn nhất so với cọ dầu, mía đường và chăn nuôi bò. Với tình hình diễn biến giá cao su giảm có ảnh hưởng thế nào đến công ty. Tương tự, giá cọ dầu cũng giảm trong khi mảng này chiếm tỷ trọng lớn thứ 2 trong cơ cấu diện tích, đạt 30.000 ha?
Ông Đoàn Nguyên Đức, Chủ tịch HNG cho rằng thời điểm năm 2011 khi giá cao su thế giới lên tới 5.000 USD/tấn. Với tiền đầu tư chỉ 1.000 USD/tấn nên HAGL đã đầu tư mạnh cho cao su. Trước tình hình giá cao su giảm sâu, công ty đã chuyển qua chăn nuôi bò.
Ông Đức kỳ vọng những năm tới đây chu kỳ sụt giảm giá cao su kết thúc, khi đó sản lượng khai thác của HAGL lại ở đỉnh, đó sẽ là lợi thế rất lớn cho công ty.
Theo tính toán của bầu Đức, dù giá cao su giảm nhưng sản xuất tại Việt Nam vẫn có lãi bởi chi phí khoảng 1.300 USD/tấn và giá bán là 1.600 USD/tấn. Trong khi đó, chi phí nhân công của các nước trồng nhiều cao su trong khu vực như Thái Lan, Inđônêsia, Malaysia đều cao hơn làm cho sản xuất cao su của họ thua lỗ.
Theo ông Đức, khi giá cao su giảm sâu thêm các nước có chi phí cao sẽ ngưng cạo mủ, làm cho sản lượng thiếu. Khi đó HAGL vẫn có lợi thế và sẽ đẩy mạnh khai thác. Nếu giá cao su khoảng vài năm nữa bật tăng cộng với thời điểm đỉnh khai thác thì HAGL sẽ có lợi nhuận khủng từ cao su. Tuy nhiên, ông Đức cũng đưa ra trường hợp xấu nếu giá khi đó giảm thì công ty cũng thiệt hại đáng kể.
Về cọ dầu, giá cọ dầu chỉ giảm khoảng 10% chứ không giảm mạnh như cao su. Hiện Việt Nam đang phải nhập 100%, và sản lượng của HAGL chỉ đáp ứng 10% nhu cầu thị trường nội địa. Công ty hoàn toàn nhắm vào thị trường này.
Nhà máy chế biến cọ dầu dự kiến đưa vào hoạt động từ đầu năm 2016 và công ty rất tự tin với cây cọ dầu.
Kinh doanh 2015 liệu có về đích?
Năm tài khóa 2015 HNG đề ra chỉ tiêu lợi nhuận lên đến 1.500 tỷ, trong khi quý I vừa qua lợi nhuận ghi nhận hơn 106 tỷ. Đây cũng là điều mà nhà đầu tư tỏ ra băn khoăn.
Ông Võ Trường Sơn, thành viên HĐQT HNG cho biết, dự kiến lợi nhuận quý II là 490 tỷ, như vậy 2 quý đầu năm sẽ khoảng gần 597 tỷ. Phần còn lại trong 2 quý cuối năm khoảng 900 tỷ, lợi nhuận sẽ chủ yếu đến từ ngành chăn nuôi bò. Trong đó riêng việc xuất bán khoảng 60 ngàn con bò mang lại khoảng 821 tỷ đồng. Do đó ông Sơn cho rằng hoàn toàn có khả năng đạt được mục tiêu đề ra.
Đến cuối năm 2015, HNG dự kiến đạt tổng tài sản 18.237 tỷ đồng. Tỷ lệ chia cổ tức tối thiểu 10% cho năm 2015 và 15% năm 2016. Kế hoạch lợi nhuận cho năm tài khóa 2016 lên đến 3.100 tỷ đồng, tức tăng trưởng hơn 100% kế hoạch của năm tài khóa 2015.
Giá cao nhưng vẫn còn hời!
Dự kiến giá chào sàn cổ phiếu nông nghiệp của HAGL là 28.000/cổ phiếu. So với cổ phiếu tập đoàn là HAG thì giới đầu tư cho rằng mức giá này liệu có cao và hấp dẫn.
Chia sẻ về điều này, lãnh đạo HNG cho biết, việc định giá cổ phiếu dựa trên phương pháp kết hợp chiết khấu dòng tiền, các chỉ số P/E, P/B… Mức giá trên đã được đơn vị tư vấn là SSI cùng các cơ quan quản lý thị trường như HOSE thẩm định. So với tiềm năng của công ty cùng với kỳ vọng 2 năm tới thì mức giá này vẫn là hời.
Hơn nữa, trước khi giảm về vùng giá như hiện nay thì giá cổ phiếu HAG đã lên gần 30.000 đồng. Việc điều chỉnh giá là do khách quan và nội tại doanh nghiệp. Với HNG, công ty có hệ số nợ không lớn, tài sản nắm trực tiếp, trong khi đó HAG có nợ nhiều và phải huy động vốn.
Lãnh đạo công ty không cho rằng giá niêm yết của HNG cao mà là giá của HAG thấp. Theo đó, công ty sẽ cố gắng để cải thiện thị giá của cổ phiếu HAGL.
HUYỀN TRÂM theo BizLive