"Bắt mạch" Hoàng Sơn Group

0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam

VietTimes – Vài năm gần đây, Hoàng Sơn Group ghi nhận khoản lãi thuần chưa đến 2 tỉ đồng/năm, khá khiêm tốn so với quy mô tài sản nghìn tỉ đồng.

Vài năm gần đây, Hoàng Sơn Group ghi nhận khoản lãi thuần chưa đến 2 tỉ đồng/năm (Nguồn: Hoàng Sơn Group)
Vài năm gần đây, Hoàng Sơn Group ghi nhận khoản lãi thuần chưa đến 2 tỉ đồng/năm (Nguồn: Hoàng Sơn Group)

Tham vọng năng lượng của Hoàng Sơn Group

UBND tỉnh Đắk Lắk vừa chấp thuận cho CTCP Đầu tư Năng lượng Xây dựng Thương mại Hoàng Sơn (Hoàng Sơn Group) nghiên cứu, khảo sát đo gió lập dự án điện gió tại huyện Ea H’leo, Krông Búk và Krông Năng.

Cụ thể, tại xã Ea Hiao (huyện Ea H’leo) và xã Cư Klông (huyện Krông Năng), Hoàng Sơn Group sẽ khảo sát đo gió trên khu đất rộng 2.735 ha, lập dự án điện gió quy mô công suất dự kiến 180 MW. Tại xã Ea Sol (huyện Ea H’leo), khảo sát đo gió diện tích 6.350 ha, quy mô nhà máy 500 MW.

Tại xã Cư A Mung (huyện Ea H’leo) đo gió diện tích 4.794 ha, quy mô nhà máy 150 MW. Tại xã Cư Kbô (huyện Krông Búk) và xã Ea Hồ (huyện Krông Năng), đo gió trên diện tích 2.602,4 ha, quy mô nhà máy 100 MW.

Trước đó, tháng 10/2020, Hoàng Sơn Group cũng được UBND tỉnh Đắk Lắk cho phép khảo sát, nghiên cứu lập hồ sơ dự án nhà máy điện mặt trời trên hồ Ea Súp Hạ, huyện Ea Súp. Diện tích được khảo sát rộng 120 ha, trong đó có 118 ha mặt nước và 2 ha đất thuộc địa phận xã Cư Mlan và thị trấn Ea Súp.

Tìm hiểu của VietTimes cho thấy, Hoàng Sơn Group có tham vọng rất lớn trong lĩnh vực năng lượng.

Khởi sự vào năm 2007, công ty này được UBND tỉnh Hoà Bình giao làm chủ đầu tư Cụm dự án Thuỷ điện Suối Nhạp – Đồng Chum, gồm: Nhà máy thủy điện Suối Nhạp A (công suất 4 MW, tổng mức đầu tư 76 tỉ đồng) và Nhà máy thủy điện Đồng Chum 2 (công suất 9 MW, tổng mức đầu tư 300 tỉ đồng).

Từ tháng 5/2018 – 1/2019, Hoàng Sơn Group còn thông qua 2 thành viên là Công ty TNHH Điện mặt trời Mỹ Sơn 1 (Mỹ Sơn 1) và Công ty TNHH Điện mặt trời Mỹ Sơn 2 (Mỹ Sơn 2) để khởi công xây dựng 2 nhà máy điện mặt trời cùng tên tại tỉnh Ninh Thuận.

Theo đó, dự án nhà máy điện mặt trời Mỹ Sơn 1 có công suất 50 MW, quy mô 80 ha, tổng mức đầu tư gần 1.363 tỉ đồng; dự án điện mặt trời Mỹ Sơn 2 có công suất 50 MW, quy mô 60 ha, tổng mức đầu tư 1.200 tỉ đồng.

Tháng 8/2020, Mỹ Sơn 1 và Mỹ Sơn 2 đã huy động thành công 1.480 tỉ đồng qua kênh trái phiếu. Cụ thể, Mỹ Sơn 1 phát hành 2 lô trái phiếu có giá trị lần lượt 300 tỉ đồng (kỳ hạn 3 năm) và 430 tỉ đồng (kỳ hạn 10 năm); còn Mỹ Sơn 2 phát hành 2 lô trái phiếu với giá trị mỗi lô lần lượt là 380 tỉ đồng (kỳ hạn 6 năm) và 370 tỉ đồng (kỳ hạn 10 năm).

Ngoài ra, cũng trong tháng 8/2020, 2 công ty thành viên của Hoàng Sơn Group là CTCP Phong điện Chơ Long và CTCP Phong điện Yang Trung đã được UBND tỉnh Gia Lai chấp thuận đầu tư 2 dự án nhà máy điện gió cùng tên.

Cụ thể, dự án nhà máy điện gió Chư Long có công suất 155 MW, quy mô 67,33 ha, tổng vốn đầu tư dự kiến 4.619 tỉ đồng. Dự án điện gió Yang Trung có công suất 145 MW, quy mô 67,95 ha, tổng vốn đầu tư 4.403 tỉ đồng.

Theo kế hoạch, cả 2 dự án này sẽ khởi công xây dựng vào tháng 1/2021 và hoàn thành công tác xây dựng, lắp đặt thiết bị vào tháng 9/2021.

Hoàng Sơn Group có gì?

Như VietTimes từng đề cập, Hoàng Sơn Group được thành lập vào tháng 5/2007, hoạt động trong lĩnh vực xây dựng và kinh doanh thương mại trên địa bàn tỉnh Hòa Bình. Chủ tịch HĐQT là ông Nguyễn Cao Sơn (SN 1969).

Tính đến cuối năm 2014, doanh nghiệp này có vốn điều lệ 270 tỉ đồng, gồm 6 cổ đông sáng lập là ông Nguyễn Cao Sơn (nắm giữ 82,22% VĐL), ông Nguyễn Nam Chung, Tổng giám đốc (13,3%), ông Phạm Xuân Huy (0,78%), ông Phạm Văn Huyền (1,11%), ông Phạm Anh Tuấn (0,74%) và ông Trần Khắc Định (1,85%).

Tháng 8/2018, cơ cấu cổ đông của Hoàng Sơn Group có sự thay đổi lớn khi ông Nguyễn Cao Sơn đã thoái hết vốn, thay vào đó là sự xuất hiện của ông Nguyễn Thanh Thanh (SN 1983) với tỷ lệ sở hữu lên tới 84,704% vốn. Ba cổ đông còn lại là ông Nguyễn Nam Chung (13,3%), ông Trần Khắc Định (1%) và ông Phạm Văn Huyền (1%).

Cập nhật đến tháng 7/2020, Hoàng Sơn Group có vốn điều lệ 420 tỉ đồng, cơ cấu cổ đông và tỷ lệ sở hữu thời điểm này không được công bố.

Dữ liệu của VietTimes cho thấy, vài năm gần đây, Hoàng Sơn Group luôn ghi nhận hàng trăm tỉ đồng doanh thu, song tỷ suất sinh lời lại ở mức rất thấp. Như năm 2016 và 2017, doanh nghiệp này ghi nhận doanh thu thuần lần lượt đạt 668,6 tỉ đồng và 300,5 tỉ đồng, lợi nhuận thuần ở mức 1,7 tỉ đồng và 1 tỉ đồng, tương ứng với biên lợi nhuận 0,25% và 0,33%.

Năm 2019, doanh thu thuần của Hoàng Sơn Group đạt 488,6 tỉ đồng, lợi nhuận thuần ở mức 1,7 tỉ đồng, tương ứng với biên lợi nhuận 0,34%.

Tại ngày 31/12/2019, tổng tài sản của Hoàng Sơn Group đạt 1.528 tỉ đồng, tăng 16,8% so với thời điểm đầu năm; vốn chủ sở hữu ở mức 270,8 tỉ đồng, giảm không đáng kể.

Bên cạnh lĩnh vực năng lượng, Hoàng Sơn Group cũng nổi danh với bất động sản khi sở hữu nhiều dự án đáng chú ý. Trong đó, riêng trên địa bàn tỉnh Hòa Bình, các dự án lớn có thể kể đến như: Dự án đô thị sinh thái Sơn Anh (diện tích 150 ha, tổng mức đầu tư gần 800 tỉ đồng); Dự án đô thị sinh thái Sông Đà (quy mô 400 ha, tổng vốn đầu tư 1.780 tỉ đồng; Dự án đô thị Nam Quảng Trường (diện tích khoảng 78,37ha, tổng mức đầu tư trên 1.600 tỉ đồng).

Cũng tại tỉnh Hoà Bình, Hoàng Sơn Group còn thông qua thành viên là Công ty TNHH Thương mại Tuổi Trẻ (Tuổi Trẻ) sở hữu khách sạn Grand Hotel - Diamond Palace tọa lạc trên đường Lê Thánh Tông.

Theo tìm hiểu của VietTimes, Tuổi Trẻ được thành lập vào tháng 11/1997. Cập nhật đến tháng 5/2016, đơn vị này có vốn điều lệ 85 tỉ đồng, cơ cấu cổ đông gồm CTCP Đầu tư Sơn Anh (viết tắt: Sơn Anh; nắm giữ 95,5% VĐL) và ông Nguyễn Thanh Thanh (4,5%).

Được biết, ông Nguyễn Cao Sơn và Nguyễn Thanh Thanh đều là cổ đông lớn tại Sơn Anh, cập nhật đến tháng 8/2018, tỷ lệ sở hữu của 2 cổ đông này lần lượt là 5% và 58% vốn điều lệ. Cổ đông được công bố còn lại là ông Nguyễn Văn Phồn (5%).

Hiện Tổng giám đốc kiêm người đại diện theo pháp luật của Tuổi Trẻ là bà Trần Thị Thu Huyền (SN 1985) – cá nhân có cùng địa chỉ hộ khẩu thường trú với ông Nguyễn Cao Sơn.

Dữ liệu của VietTimes cho thấy, trong 4 năm trở lại đây, Tuổi Trẻ chỉ báo lãi duy nhất 1 lần vào năm 2017 với lãi thuần chỉ là 80 triệu đồng. Các năm 2016, 2017 và 2019, công ty này lần lượt báo lỗ thuần ở mức 0,31 tỉ đồng, 1,26 tỉ đồng và 4,79 tỉ đồng.

Ngoài khách sạn Grand Hotel - Diamond Palace, Tuổi Trẻ còn sở hữu 99,5% vốn của CTCP Du lịch Quốc tế Ninh Thuận – chủ đầu tư dự án Khu resort nghỉ dưỡng cao cấp kết hợp với tuyến phố thương mại ẩm thực, có quy mô 6,56 ha, tổng mức đầu tư 550 tỉ đồng.

Trở lại với Hoàng Sơn Group, tại tỉnh Hoà Bình, doanh nghiệp này còn từng tham gia thi công nhiều gói thầu dự án, như: Gói thầu xây dựng và cung cấp lắp đặt thiết bị công trình trụ sở làm việc chi nhánh Ngân hàng Chính sách xã hội tỉnh Hòa Bình; Xây lắp công trình Nâng cấp tuyến đường xã Hiền Lương, thị trấn Đà Bắc, huyện Đà Bắc; Thi công Cầu Hòa Bình 3 và đường dẫn thuộc dự án Chương trình đô thị miền núi phía Bắc – thành phố Hòa Bình…

Năm 2013, Hoàng Sơn Group mở rộng hoạt động vào khu vực phía Nam với dự án xây dựng mở rộng đường Quốc lộ 1 đoạn từ Km 1212 + 400 đến Km 1265 thuộc tỉnh Bình Định và tỉnh Phú Yên theo hình thức hợp đồng BOT.

Theo đó, pháp nhân dự án là Công ty TNHH Đầu tư BOT Bình Định (BOT Bình Định) – được thành lập vào tháng 5/2013 với vốn điều lệ 286 tỉ đồng, trong đó Hoàng Sơn Group nắm giữ 66% vốn điều lệ. Phần vốn còn lại thuộc sở hữu của CTCP Đầu tư Kiến Hoàng. Tổng giám đốc kiêm người đại diện theo pháp luật là ông Nguyễn Thanh Thanh.

Dữ liệu của VietTimes cho thấy, năm 2019, BOT Bình Định ghi nhận doanh thu thuần đạt 246,7 tỉ đồng, báo lãi thuần ở mức 60,1 tỉ đồng, tương ứng với biên lợi nhuận 24% - tức cứ khoảng 4 đồng doanh thu, BOT Bình Định lại thu về 1 đồng lợi nhuận.

Trước đó, năm 2017 và 2018, doanh thu thuần của BOT Bình Định lần lượt đạt 188,2 tỉ đồng và 169,5 tỉ đồng, tuy nhiên công ty lại báo lỗ thuần ở mức 11,7 tỉ đồng và 33,1 tỉ đồng./.