Bão Tembin đạt "kỷ lục mọi thời đại" về mức cảnh báo thiên tai ở miền Nam

VietTimes -- Tembin là cơn bão rất mạnh đến mức kỷ lục về hoạt động trên biển Đông và hiện chưa từng có cơn bão nào mạnh cấp 12 ở Nam Biển Đông vào thời điểm này trong năm. Đồng thời, chưa từng có cơn bão nào đổ bộ vào Nam Bộ được cảnh báo ở cấp 4 về cấp độ thiên tai như vậy.
Toàn bộ 1.198 tàu thuyền, trong đó có 350 tàu đánh bắt xa bờ của Sóc Trăng đã kết nối được liên lạc và vào các khu vực trú ẩn an toàn như Côn Đảo – Vũng Tàu, những tàu đánh bắt gần bờ  vào khu vực Mỏ Ó, Bãi Giá, cảng cá Trần Đề trú ẩn.
Toàn bộ 1.198 tàu thuyền, trong đó có 350 tàu đánh bắt xa bờ của Sóc Trăng đã kết nối được liên lạc và vào các khu vực trú ẩn an toàn như Côn Đảo – Vũng Tàu, những tàu đánh bắt gần bờ vào khu vực Mỏ Ó, Bãi Giá, cảng cá Trần Đề trú ẩn.
Những thông tin trên được Trung tâm Dự báo Khí tượng thủy văn Trung ương cho biết sáng nay.

Cũng theo Trung tâm, quan trắc mới nhất của trung tâm khí tượng, tại đảo Trường Sa và đảo Huyền Trân thì tốc độ gió đã lên đến cấp 9 - 10, giật cấp 13. Đây được đánh giá là cơn bão rất mạnh và còn tiếp tục tăng cấp trong thời gian tới, sóng biển trên 8m. Như vậy vùng tâm bão đi qua sóng biển phải trên 10m. Toàn bộ khu vực vùng biển Trường Sa đến Côn Đảo, vùng ven bở nước dâng trên 1m có nguy cơ ngập lụt lớn.

Đến sáng 25/12, tổng số 1.168.137 người dân thuộc 15 tỉnh, thành phố Nam Bộ được di dời đến nơi an toàn. Hiện còn 5 tỉnh là Bà Rịa - Vũng Tàu, Long An, Kiên Giang, Vĩnh Long, Đồng Tháp chưa tổ chức di dời.

Ban chỉ huy Phòng chống thiên tai và Tìm kiếm cứu nạn, Bộ tư lệnh Bộ đội Biên phòng đã thông báo cho 69.121 phương tiện và 343.169 người biết diễn biến, hướng di chuyển của bão để chủ động phòng tránh.

Trong đó, 62.606 tàu với 309.079 người neo đậu tại bến; 16 tàu với 169 người neo đậu tại khu vực quần đảo Trường Sa. Số lượng đang hoạt động ở các vùng biển khác dự tính là 6.498 tàu với 33.915 người.

Dự báo, bão sẽ đổ bộ vào vùng biển các tỉnh từ Bà Rịa-Vũng Tàu đến Cà Mau (bao gồm cả Côn Đảo) với cấp 10 giật cấp 13.

Khu vực đồng bằng Nam Bộ là khu vực bằng phẳng, như vậy bão sẽ còn hoạt động trên đất liền và dọc theo kênh rạch. Sau đó, bão sẽ tiếp tục hoạt động tại vùng biển Cà Mau - Kiên Giang, khu vực ít khi có bão mạnh như vậy hoạt động ở thời điểm này trong năm.

Theo ông Hải, diễn biến của bão còn phức tạp và nhiều thay đổi do vậy người dân cần có phương tiện thông tin kèm theo để liên tục cập nhật những bản tin mới nhất của cơ quan cảnh báo bão để có thể phòng chống hiệu quả. Đồng thời, cần chú ý di dân đến nơi an toàn tránh trú bão, đề phòng thiệt hại về người. Bên cạnh đó cần gia cố nhà cửa, triển khai các biện pháp đối phó với cơn bão rất mạnh này.

Trung tâm Dự báo khí tượng Thủy văn lưu ý, khi bão vào bờ sẽ im gió, nhưng sau bão sẽ còn gió rất mạnh nên người dân chưa nên triển khai các hoạt động kinh tế. Vùng gió mạnh còn kéo dài nửa ngày tiếp theo sau khi bão đã đi qua trên đất liền.

Tin mới nhất về bão số 16

Bản tin phát hồi 9 giờ từ Trung tâm Khí tượng Thủy văn Trung ương cho biết, trong đêm qua, bão số 16 đã đi qua khu vực đảo Trường Sa và Huyền Trân. Tại đảo Trường Sa và Huyền Trân đã quan trắc được gió mạnh cấp 11, gió giật cấp 14, ở trạm DKI/19 quan trắc được gió mạnh cấp 13, giật cấp 15.

Sáng nay, bão số 16 tiếp tục di chuyển theo hướng Tây với cường độ giảm hơn so với thời điểm mạnh nhất khi ở khu vực đảo Trường Sa và Huyền Trân.

Hồi 7 giờ ngày 25/12, vị trí tâm bão ở vào khoảng 8,2 độ Vĩ Bắc; 109,8 độ Kinh Đông, cách Côn Đảo khoảng 320km về phía Đông. Sức gió mạnh nhất ở vùng gần tâm bão mạnh cấp 10-11 (90-115km/giờ), giật cấp 13.

Vùng gió mạnh trên cấp 6, gió giật mạnh trên cấp 9 có bán kính khoảng 200km về phía Tây Bắc, khoảng 100km về phía Đông Nam tính từ vùng tâm bão. Vùng bán kính gió mạnh trên cấp 10, giật trên cấp 14 có bán kính khoảng 50km tính từ vùng tâm bão.

Dự báo trong 24 giờ tới, bão di chuyển chủ yếu theo hướng Tây, tốc độ di chuyển 20-25km/hđến 07 giờ ngày 26/12, vị trí tâm bão ở vào khoảng 8,5 độ Vĩ Bắc; 104,7 độ Kinh Đông, trên khu vực Tây Nam Bộ. Sức gió mạnh nhất ở vùng gần tâm bão mạnh cấp 8-9 (60-90km/giờ), giật cấp 11-12.

Từ trưa nay (25/12), vùng biển các tỉnh từ Bà Rịa-Vũng Tàu đến Cà Mau (bao gồm cả Côn Đảo) có gió mạnh dần lên cấp 8, sau tăng lên cấp 9-10, giật cấp 13.

Trên đất liền các tỉnh Sóc Trăng, Hậu Giang, Bạc Liêu, Cà Mau có gió mạnh cấp 8-9, giật cấp 12. Các tỉnh Tiền Giang, Bến Tre, Trà Vinh, Vĩnh Long, Cần Thơ, Kiên Giang có gió cấp 7-8, giật cấp 10. Trên đất liền các khu vực khác thuộc Nam Bộ và các tỉnh từ Bình Định đến Bình Thuận có gió mạnh cấp 6, giật cấp 8.

Ven biển các tỉnh từ Bà Rịa-Vũng Tàu đến Cà Mau có khả năng nước biển dâng do bão khoảng 0,5 mét, sóng biển cao 4-6 mét.

Từ sáng nay, do ảnh hưởng của hoàn lưu phía Bắc bão số 16 kết hợp với không khí lạnh, ở vùng biển từ Quảng Ngãi đến Khánh Hòa có gió mạnh cấp 6-7, giật cấp 9, vùng biển Ninh Thuận, Bình Thuận (bao gồm cả đảo Phú Quý) có gió mạnh cấp 7-8, giật cấp 10; sóng biển cao từ 4-6 mét. Cấp độ rủi ro thiên tai: cấp 3.

Trong 24 đến 36 giờ tiếp theo, bão di chuyển theo hướng Tây với tốc độ khoảng 20km/h. Đến 19 giờ ngày 26/12, vị trí tâm bão ở vào khoảng 8,9 độ Vĩ Bắc; 102,4 độ Kinh Đông, cách Thổ Chu khoảng 120km về phía Tây Tây Nam.

Sức gió mạnh nhất ở vùng gần tâm bão mạnh cấp 8 (60-75km/giờ), giật cấp 11, sóng biển cao 2-4 mét. Vùng gió mạnh trên cấp 6, gió giật mạnh trên cấp 9 có bán kính khoảng 100km tính từ vùng tâm bão. Cấp độ rủi ro thiên tai cấp 3.

Trong 36 đến 48 giờ tiếp theo, bão di chuyển chủ yếu theo hướng Tây với tốc độ 20-25km/h và suy yếu dần thành áp thấp nhiệt đới. Đến 07 giờ ngày 27/12, vị trí tâm áp thấp nhiệt đới ở vào khoảng 9,4 độ Vĩ Bắc; 100,0 độ Kinh Đông, trên khu vực Vịnh Thái Lan, cách đảo Thổ Chu khoảng 380km về phía Tây Tây Bắc. Sức gió mạnh nhất ở vùng gần tâm áp thấp nhiệt đới mạnh cấp 6 (40-50km/giờ), giật cấp 8, sóng biển cao 2-4 mét.

Vùng nguy hiểm trên Vịnh Thái Lan trong 36 đến 48 giờ tới (gió mạnh do bão cấp 6 trở lên) từ vĩ tuyến 7,0 đến 12,0 độ Vĩ Bắc, phía Tây kinh tuyến 105,0 độ Kinh Đông. Cấp độ rủi ro thiên tai cấp 3.

Cảnh báo mưa lớn: Trong ngày và đêm nay (25/12), do ảnh hưởng của bão số 16, ở Nam Bộ có mưa to; từ đêm 25/12 ở các tỉnh Nam Trung Bộ và Trung Trung Bộ có mưa to đến rất to và có khả năng kéo dài 2-3 ngày. Từ đêm 26/12, mưa vừa, mưa to có khả năng mở rộng ra Bắc Trung Bộ và Bắc Bộ.

Tại Philippines, sau bão tan 2 ngày, thống kê sơ bộ đến sáng nay (25/12), hơn 280 người đã thiệt mạng hoặc mất tích, hơn 70.000 người phải rời bỏ nhà cửa, gần 1.000 ngôi nhà bị hư hại và nhiều ruộng lúa bị cuốn trôi. Chính quyền nước này dự báo thiệt hại sẽ còn tăng cao khi họ tiếp cận được các khu vực vùng sâu, vùng xa.
Truyền thông Philippines đưa tin cả một ngôi làng đã bị xóa sổ vì nước sông dâng cao, cuốn trôi hết nhà cửa.Truyền thông Philippines đưa tin cả một ngôi làng đã bị xóa sổ vì nước sông dâng cao, cuốn trôi hết nhà cửa.