Bao nhiêu lính Liên Xô và Nga đã bỏ mình ở nước ngoài?

 Sau Thế chiến II, Liên Xô và sau đó là Nga đã can dự vào nhiều cuộc xung đột và chiến tranh lớn trên thế giới, ước tính gần 30.000 quân nhân đã thiệt mạng, theo trang tin Voennoe.RF (Nga) đầu tháng 10.
Lính Liên Xô rút khỏi Afghanistan - Ảnh: Voennoe.RF.
Lính Liên Xô rút khỏi Afghanistan - Ảnh: Voennoe.RF.

Từ ngày 30.9.2015, Nga chính thức tham chiến tại Syria để diệt quân khủng bố, ủng hộ chế độ tổng thống Bashar al-Assad. Tuy nhiên khác với trước đây, lần này Nga chỉ sử dụng không quân chứ không dùng lực lượng mặt đất.

Sau Thế chiến II, Liên Xô và sau này là Nga đã từng tham gia các cuộc chiến và xung đột ở nhiều nơi trên thế giới, con số quân nhân hy sinh là 29.307 người. Dưới đây là các cuộc xung đột mà Liên Xô và Nga tham dự cùng số quân nhân bỏ mình ở nước ngoài.

Nội chiến Trung Quốc (1946-1950)

Liên Xô khi đó đưa quân sang giúp những người cộng sản Trung Quốc chống quân Tưởng Giới Thạch. Theo thống kê chính thức, Hồng quân Liên Xô có 936 người thiệt mạng trong cuộc chiến này, gồm 155 sĩ quan, 737 lính và 44 nhân viên dân sự.

Bao nhiêu lính Liên Xô và Nga đã bỏ mình ở nước ngoài? ảnh 1

Phi công Liên Xô tại Triều Tiên - Ảnh: Voennoe.RF

Cuộc chiến trên bầu trời Triều Tiên (1950-1953)

Cuộc chiến thứ hai mà Hồng quân Liên Xô tham gia sau nội chiến Trung Quốc là trên bầu trời Triều Tiên, khi đưa các phi công sang giúp Bắc Triều Tiên chống lại quân Mỹ và Hàn Quốc. Liên Xô tung 26.000 quân sang mặt trận này bao gồm 3 sư đoàn không quân. Máy bay Liên Xô đã xuất kích hơn 63.000 lượt, tham gia 2.000 trận không chiến. Liên Xô thiệt hại 315 quân nhân, trong đó có 120 phi công, và 4 tiểu đoàn cao xạ.

Thiệt hại này được cho là thấp vì quân đội Liên Xô khá thận trọng trong chiến đấu và chỉ chiến đấu trên lãnh thổ của Bắc Triều Tiên.

Tham dự chiến tranh Việt Nam (1965-1974)

Cũng như Syria ngày nay, Liên Xô đã hỗ trợ cho miền Bắc Việt Nam rất nhiều trong cuộc chiến tranh chống Mỹ với các loại vũ khí khác nhau từ súng ống đến xe tăng, máy bay. Đi kèm là lực lượng chuyên gia quân sự Liên Xô để huấn luyện và hướng dẫn sử dụng vũ khí.

Bao nhiêu lính Liên Xô và Nga đã bỏ mình ở nước ngoài? ảnh 2

Máy bay Mig 21 của Bắc Việt Nam, nỗi ám ảnh của phi công Mỹ trong chiến tranh Việt Nam - Ảnh: Thuý Hằng

Việc tham chiến trực tiếp của quân nhân Liên Xô ở Việt Nam là rất thấp so với cuộc chiến Triều Tiên. Trong thời gian này ở các khu vực chiến đấu có tổng cộng khoảng 6.000 quân nhân Liên Xô, và theo con số chính thức thì chỉ có 16 người hy sinh. Nhà sử học Eugene Noreen nhận xét rằng quân nhân Liên Xô trong thời gian chiến tranh Việt Nam không tham gia chiến đấu trực tiếp nên sự tổn thất nhân mạng là rất thấp so với chiến tranh Triều Tiên.

Khủng hoảng tên lửa Cuba (1962-1964)

Tuy rất gần một cuộc chiến tranh hạt nhân giữa Mỹ và Liên Xô, nhưng cuộc khủng hoảng tên lửa ở Cuba cuối cùng cũng được tháo ngòi sau khi hai cường quốc thoả thuận nhượng bộ nhau. Lúc cao điểm của khủng hoảng, Liên Xô đưa đến Cuba 40.000 quân cùng nhiều tàu chiến, xe tăng, và tên lửa hạt nhân.

Trong thời gian này và sau vài năm, có 66 quân nhân Liên Xô và 3 nhân viên dân sự qua đời nhưng không phải do chiến tranh mà vì bệnh tật, tai nạn và bão tố, theo nhà sử học Eugene Noreen. 

Bao nhiêu lính Liên Xô và Nga đã bỏ mình ở nước ngoài? ảnh 3

Tên lửa Liên Xô tại Cuba

Nghĩa vụ quốc tế ở Algeria

Sau cuộc chiến giành độc lập của Algeria khỏi tay thực dân Pháp, Liên Xô cử nhiều đoàn chuyên gia đến giúp đỡ tháo gỡ mìn, và 1 quân nhân chết vì mìn nổ. Sau này Liên Xô có thêm hơn 30 người khác bỏ mình nhưng không phải vì xung đột hay chiến đấu ở Algeria.

Chiến tranh Ả Rập – Israel (1967-1974)

Trong thời gian xảy ra cuộc chiến giữa khối Ả Rập với Israel, Ai Cập kêu gọi sự giúp đỡ từ Liên Xô, nhất là phòng không – không quân. Moscow đưa sang 21 tiểu đoàn tên lửa phòng không và hai trung đoàn tiêm kích MiG-21. Thiệt hại của Liên Xô trong cuộc chiến này là 49 người, chủ yếu tham gia chiến đấu trực tiếp với máy bay của Israel.

Cuộc bạo loạn ở Hungary và Tiệp Khắc

Năm 1956, quân đội Liên Xô được cử sang Hungary đối phó làn sóng bạo động chống chế độ. Cuộc bạo loạn này khiến 720 lính Liên Xô thiệt mạng. 12 năm sau, vào năm 1968 xảy ra trường hợp tương tự ở Tiệp Khắc, và các cuộc chiến trên đường phố đã khiến 11 binh lính và 1 sĩ quan Liên Xô thiệt mạng.

Bao nhiêu lính Liên Xô và Nga đã bỏ mình ở nước ngoài? ảnh 4

Cuộc bạo động ở Hungary năm 1956

Cuộc chiến biên giới Xô - Trung

Năm 1969, quân đội Liên Xô và Trung Quốc xung đột lẫn nhau tại vùng Damanskii trên biên giới 2 nước, khu vực Trung Quốc cho là của mình. Tháng 3.1969 quân Trung Quốc đổ bộ lên hòn đảo Damanskii ở giữa sông Ussuri, nhưng bị quân khu Viễn Đông của Liên Xô phản công nên phải rút lui, phía Liên Xô mất tích 58 lính. Cuộc chiến này lần đầu tiên Liên Xô sử dụng các dàn phóng rocket Grad.

Sau khi Liên Xô sụp đổ, đảo này thuộc về Trung Quốc sau các cuộc đàm phán.

Tháng 8.1969, quân đội Liên Xô và Trung Quốc giao chiến ở khu vực gần hồ Zhalanashkol, khi 12 lính Trung Quốc băng qua biên giới. ính biên phòng Liên Xô ban đầu còn kiên nhẫn yêu cầu lính Trung Quốc rút lui, nhưng sau khi thấy Trung Quốc tăng cường hàng chục lính vũ trang sang, lực lượng thiết giáp Liên Xô đã nã súng đánh trả. Biên phòng Liên Xô thiệt mạng 2 người và 10 người khác bị thương.

Bao nhiêu lính Liên Xô và Nga đã bỏ mình ở nước ngoài? ảnh 5

Đảo Damanskii- Ảnh: Voennoe.RF.

Cuộc chiến ở Đông Phi (1977-1978)

Năm 1977, Somalia tấn công tỉnh Ogaden của Ethiopia, nước vừa lật đổ chế độ quân chủ của Haile Selassie, Liên Xô liền đứng về Ethiopia. Trước đó Somalia có quan hệ thân thiện với Liên Xô và Ethiopia thời nhà độc tài Selassie lại thân Mỹ. Vì vậy các chuyên gia quân sự Liên Xô phải cố vấn cho phi công Ethiopia lái máy bay F-5 do Mỹ sản xuất để chống lại máy bay Mig của Somalia do Liên Xô sản xuất (!). Trong cuộc xung đột này có 33 lính Liên Xô thiệt mạng.

Cuộc chiến Afghanistan (25.12.1979 – 15.2.1989)

Đây là cuộc chiến kéo dài và đẫm máu nhất mà Liên Xô can dự khi đưa quân sang gúp chính phủ Afghanistan chống các phe nổi dậy do Mỹ hậu thuẫn. Tổng cộng hơn 15.000 quân nhân Liên Xô đã bỏ mình trong cuộc chiến này. Ngoài ra có 125 máy bay Liên Xô bị các tay súng Mujahideen bắn hạ bằng tên lửa vác vai cũng như súng máy.

Các cuộc xung đột thời hậu Liên Xô

Liên Xô tan rã, và nước Nga cũng tham gia các cuộc xung đột chủ yếu do những mâu thuẫn về sắc tộc từ các khu vực thuộc Liên Xô trước đây. Năm 1991, cuộc chiến giữa cộng hoà Georgia và Nam Ossetia bùng nổ. Liên bang Nga đưa quân sang hỗ trợ Nam Ossetia, thiệt hại của Nga là 66 người.

Nội chiến ở cộng hoà Tajikistan từ 1992 đến giữa những năm 1990. Quân đội Nga đã tham chiến và thiệt hại 302 lính.  Cũng trong năm 1992, cuộc xung đột Ossetia -Ingush làm chết 27 lính Nga tại đây.

Cuộc chiến Chechnya lần thứ nhất (11.12.1994 – 31.8.1996)

Khi bắt đầu cuộc chiến với nước cộng hoà Chechnya muốn ly khai khỏi Liên bang Nga,  quân Nga đã tiến vào thủ đô Grozny của Chechnya, và gặp sự phản công quyết liệt của các tay súng ly khai chiến đấu trên đường phố. Lực lượng quân đội và an ninh Nga thiệt hại nặng nề trong cuộc chiến này với 5.552 người chết, 7 máy bay ném bom Su-25 và 21 trực thăng Mi-24, Mi-8 bị bắn rơi.

Cuộc chiến Chechnya lần hai (1999 – 2009)

Cuộc chiến này là cuộc chiến kinh điển khi quân Nga dùng pháo binh tấn công trước khi xuất kích. Sau đó cuộc chiến trận địa biến thành cuộc chiến du kích và chống khủng bố. Quân nổi dậy Chechnya đã dùng mọi chiến thuật từ gài mìn, đánh bom tự sát, tấn công vào các mục tiêu dân sự ở Nga. Cuộc chiến này gây tổn thất cho Nga hơn 6.000 binh lính cùng 11 máy bay Su-24 và Su-25; 52 trực thăng Mi-8, Mi-24 và Mi-26. Đó là chưa kể thiệt hại của người dân do quân khủng bố Chechnya gây ra.

Bao nhiêu lính Liên Xô và Nga đã bỏ mình ở nước ngoài? ảnh 6

Lính Nga tại chiến trường Chechnya - Ảnh: Voennoe.RF

Cuộc chiến với Georgia (8.8.2008)

Đêm 8.8.2008, quân Georgia tấn công thủ phủ  Tskhinvali của Nam Ossetia. Ngày 9.8.2008, không quân Nga ném bom các vị trí trên đất Georgia. Ngày 10.8, Hạm đội Biển Đen của Nga tấn công đánh chìm nhiều tàu của hải quân Georgia. Thiệt hại hân mạng về phía Nga là 67 lính.

Xung đột ở Ukraine (2014)

Nhiều nguồn tin của Ukraine và phương Tây cho rằng binh lính Nga tham dự trực tiếp vào cuộc xung đột ở miền đông Ukraine, tuy nhiên Bộ Quốc phòng Nga không công bố thông tin thiệt hại nhân mạng, và Nga nhiều lần bác bỏ việc cam dự vào cuộc xung đột này.

2015: Không công bố thiệt hại của quân nhân Nga

Vào tháng 5.2015, Tổng thống Nga Vladimir Putin ký sắc lệnh quy định thiệt hại nhân mạng của quân đội Nga trong thời bình được xem là danh mục bí mật. Như vậy với việc Nga tham dự cuộc chiến ở Syria, thiệt hại nhân mạng của lính Nga tại đây sẽ không được công bố, theo Voennoe.RF.

Theo Thanh Niên