5 tuần trước, có thông tin Úc đã hoàn thành hợp đồng trị giá 25 tỷ USD để mua những tàu khu trục chống tàu ngầm từ công ty BAE Systems của Anh quốc. Hợp đồng vũ khí hạng nặng mới nhất này đe dọa khuấy động những tranh chấp trên Biển Đông.
Kể từ năm 1991, 5 trong 7 bên có tuyên bố chủ quyền với các hòn đảo và lãnh hải trên Biển Đông đã mua ít nhất một tàu ngầm chiến đấu và cả 5 bên này đã bắt đầu hoặc tuyên bố thực hiện những nhiệm vụ tự do hàng hải trên Biển Đông có tàu ngầm. Với mối đe dọa từ tàu ngầm trên Biển Đông đang tăng lên, những nước như Úc đáp trả bằng cách đầu tư vào tàu ngầm hay các vũ khí chống tàu ngầm.
Lịch sử sử dụng tàu ngầm trong chiến tranh bắt đầu từ cuộc chiến giành độc lập của Mỹ khi tàu ngầm "con rùa" cố gắng gài bom vào một con tàu đô đốc của Anh. Kể từ đó, những chiếc tàu ngầm chiến đấu được sử dụng để phá vỡ những tuyến đường thương mại, bí mật triển khai quân, né tránh các đường biên của đối thủ để tạo nên yếu tố bất ngờ. Là một công cụ thiết yếu trong chiến tranh giữa các nước, tàu ngầm được sử dụng với hiệu quả rất cao như những chiếc tàu U-Boat của Đức đã đánh chìm khoảng 5.000 tàu của đối thủ trong Thế Chiến II.
Tàu ngầm lớp Kilo của hải quân Việt Nam.
|
Biển Đông đáng chú ý với gần 5.000 tỷ USD tiền giao thương toàn cầu mỗi năm qua khu vực này, cùng hàng tỷ tấn dầu thô được vận chuyển, là một vị trí chiến lược, và điểm dễ dàng để các tàu ngầm Trung Quốc thâm nhập Thái Bình Dương. Trong khi các cuộc xung đột nhỏ đã xảy ra trên Biển Đông từ những năm 1970 thì bắt đầu từ 2010 những nguy cơ xung đột đã tăng lên một cách đáng kể vì Trung Quốc đã bắt đầu gia tăng bồi đắp, cải tạo và xây dựng phi pháp các đảo nhân tạo với một tỷ lệ cao.
Một trong những nỗ lực xây dựng của Trung Quốc bao gồm căn cứ tàu ngầm Đông Ngọc Lâm. Duy trì sự hiện diện của tàu ngầm trong khu vực rất quan trọng với Trung Quốc. Với những tranh chấp trên Biển Đông, tàu ngầm được sử dụng để thu thập thông tin tình báo, phóng chiếu sức mạnh và ngăn chặn những cuộc giao tranh chớp nhoáng. Trong trường hợp chiến tranh xảy ra, tàu ngầm hoạt động trong khu vực sẽ tạo ra kết quả khác biệt trong xung đột. Bởi vậy, việc hiểu rõ phạm vi và quy mô tăng lên của tàu ngầm là rất quan trọng, đặc biệt là những chiếc tàu ngầm của những nước tuyên bố chủ quyền biển đảo và lãnh hải trên Biển Đông.
Một vấn đề nảy sinh khi phân tích về sự gia tăng số lượng tàu ngầm trong xung đột Biển Đông là không có một nguồn chính thống mà hoàn toàn là thông tin đăng ký mở về việc mua tàu. Để làm giảm đi tính không chắc chắn, các thông tin đã được tổng hợp thêm từ Viện nghiên cứu hòa bình quốc tế Stockholm, tổ chức Sáng kiến đe dọa hạt nhân và các nguồn mở để tạo ra một nguồn dữ kiểu của hầu hết các giao dịch trực tiếp về tàu ngầm của tất cả các bên liên quan.
Khi dựng biểu đồ về mạng lưới mua tàu ngầm của các nước tuyên bố chủ quyền trên Biển Đông từ năm 1991, có 3 mạng lưới khác biệt.
Đáng lưu ý nhất là Nga cung cấp tàu ngầm cho cả Việt Nam và Trung Quốc. Khoảng 2014, Việt Nam đã đặt mua 6 tàu ngầm lớp Kilo từ Nga, cùng đặc tính với 8 tàu ngầm điện-diesel lớp Kilo mà Trung Quốc đặt hàng Nga năm 2002. Theo thông tin của The Diplomat, Philippines một trong những nước dính líu tới những tranh chấp chủ quyền trên Biển Đông cũng đã thông tin về việc có khả năng tìm kiếm cách mua tàu ngầm từ Nga. Trong khi Trung Quốc có khả năng sản xuất tàu ngầm trong nước và tự hào vì có những tàu ngầm nguyên tử lớp Tấn trong kho vũ khí hải quân, các nước khác sở hữu những tàu ngầm phi hạt nhân tương đương bằng cách mua từ cùng một nhà phát triển.
Kể từ Thế chiến II, Trung Quốc là nước mua nhiều tàu ngầm nhất, với số lượng hơn 35 chiếc. Nhưng tổng số này không bao gồm những tàu ngầm Trung Quốc sản xuất trong nước. Có vài chiếc tàu ngầm đã ngừng hoạt động nhưng có lẽ hạm đội tàu ngầm của Trung Quốc bao gồm 48 chiếc tàu ngầm diesel đang hoạt động cùng 10 tới 13 tàu ngầm nguyên tử. Indonesia cũng sở hữu một hạm đội tàu ngầm lớn tuy nhiên nước này sử dụng tàu ngầm ít hơn so với thập niên 1960-1970. Indonesia cũng đang duy trì một hạm đội 5 tàu ngầm và có ý định tăng lên 8 chiếc vào năm 2024.
Tàu ngầm Trung Quốc giương oai trong một cuộc tập trận
|
Tàu ngầm của những nước tuyên bố chủ quyền trên Biển Đông không phải là phía duy nhất tham gia "cuộc chơi": Mỹ, Nhật, Úc, Anh và Pháp cũng tuyên bố hoặc bắt đầu các hoạt động vì tự do hàng hải trên Biển Đông. Các cuộc tuần tra này nhắm tới việc ngăn chặn các hành động phi pháp của Trung Quốc và thúc đẩy việc hỗ trợ các đồng minh trong khu vực.
Với số lượng lớn các bên tham gia làm gia tăng rủi ro và khích động. Việc đi vào các khu vực mà Trung Quốc tuyên bố là vùng đặc quyền kinh tế một cách phi pháp đã khiến cho chính quyền và các quan chức quân sự Trung Quốc tức giận. Và có những rủi ro đã xảy ra, như vụ va chạm của tàu ngầm Trung Quốc với hệ thống định vị thủy âm trên tàu của Mỹ vào năm 2009.
Khả năng hủy diệt tiềm tàng của việc số lượng tàu ngầm tăng lên trên Biển Đông rất rõ ràng với những nhà quan sát quân sự và các nước đã có những bước chuẩn bị. Vào tháng 3, Mỹ và Nhật đã tổ chức những cuộc tập trận chống tàu ngầm. Trung Quốc cũng đã đặt các thiết bị theo dõi ngầm dưới nước với hy vọng sẽ theo dõi được tàu ngầm của các nước khác.
Dù cho đó chỉ là các biện pháp đề phòng thì việc xây dựng kho vũ khí hạng nặng bao gồm cả đơn đặt hàng tàu khu trục chống ngầm mới của Úc sẽ vẫn tiếp tục. Nếu căng thẳng tăng lên, có thể người ta sẽ được chứng kiến các bên tuyên bố chủ quyền trên Biển Đông tiếp tục mua thêm tàu ngầm...