Biển Đông sắp có thêm tàu ngầm Kilo Nga tung tăng?

VietTimes -- Philippines quyết tâm đa dạng hóa nguồn cung vũ khí, có kế hoạch mua sắm tàu ngầm lớp Kilo của Nga để tăng cường khả năng đối phó tại "vùng đặc quyền kinh tế" của nước này, không cam chịu bị bắt nạt.
Tàu ngầm thông thường lớp Kilo do Nga chế tạo. Ảnh: Sina.
Tàu ngầm thông thường lớp Kilo do Nga chế tạo. Ảnh: Sina.

Tờ Jane's Defense Weekly Anh ngày 7/8 cho biết gần đây Philippines và Nga đã thảo luận bản ghi nhớ hợp tác quốc phòng mới. Theo đó, Nga sẽ nhanh chóng đáp ứng nhu cầu xây dựng lực lượng tác chiến dưới nước cho Philippines. Hải quân Philippines muốn nhận được 1 chiếc tàu ngầm diesel-điện đã qua sử dụng.
Theo báo chí Philippines, Philippines coi Nga là nước cung cấp tàu ngầm tiềm năng của hải quân nước này, đồng thời cung cấp hỗ trợ trên các phương diện như đào tạo thủy thủ, bảo đảm tàu ngầm.
Tháng 6/2018, Tổng thống Philippines Rodrigo Duterte đã phê chuẩn kế hoạch đẩy nhanh mua sắm tàu ngầm của hải quân để nâng cao năng lực tác chiến dưới nước.
Người phát ngôn hải quân Philippines Jonathan Zata cho biết nhà máy đóng tàu Nga đã mời cán bộ hải quân Philippines đến khảo sát. Bộ trưởng Quốc phòng Philippines Delfin Lorenzana từng tiết lộ, Philippines cân nhắc mua sắm tàu ngầm, đây sẽ là một chương trình trong kế hoạch hiện đại hóa quân sự giai đoạn 3, dự kiến thực hiện vào năm 2023.
Từ thập niên 1990, Philippines đã theo đuổi mục tiêu phát triển năng lực tàu ngầm. Khi đó, chính phủ Philippines đã bắt đầu nghiên cứu vấn đề này và có một số bước đi để đạt được mục tiêu lâu dài, bao gồm thành lập văn phòng tàu ngầm vào năm 2013, đưa vào kế hoạch hiện đại hóa quân sự lâu dài.
Sau khi bước vào thế kỷ mới, Đông Nam Á đã nổi lên làn sóng trang bị tàu ngầm. Các nước như Indonesia, Malaysia, Singapore, Thái Lan và Việt Nam đã lần lượt nhập khẩu tàu ngầm mới. Còn trước đó, ở Đông Nam Á chỉ có Indonesia có 2 tàu ngầm Type 209 do Đức chế tạo.
Chuyên gia cho rằng loại tàu ngầm hoàn thiện nhất dùng để xuất khẩu của Nga là tàu ngầm thông thường lớp Kilo, Philippines có khả năng lựa chọn loại tàu ngầm này.

Tàu ngầm lớp Kilo của Hải quân Việt Nam. Ảnh: Sina.
Tàu ngầm lớp Kilo của Hải quân Việt Nam. Ảnh: Sina.

Tàu ngầm lớp Kilo là tàu ngầm diesel-điện chủ lực thế hệ thứ ba của Nga, đến nay đã phát triển được các phiên bản khác nhau như 877, 877M, 877EMK, 636M. Loại tàu ngầm này không chỉ được trang bị rất nhiều cho hải quân Liên Xô/Nga, mà còn xuất khẩu lượng lớn cho các nước.
Theo thống kê, đến năm 1991, hải quân Liên Xô đã trang bị tổng cộng 23 tàu ngầm Type 877. Sau khi Liên Xô giải thể, Nga chào bán tàu ngầm lớp Kilo trên thị trường quốc tế, đến nay đã xuất khẩu hơn 30 chiếc, khách hàng gồm có Ấn Độ, Trung Quốc, Algeria và Việt Nam. Trong đó, 6 tàu ngầm lớp Kilo xuất khẩu cho Việt Nam đã bàn giao toàn bộ.
Điều đáng chú ý là, tàu ngầm lớp Kilo có thể trang bị tên lửa dòng Club - loại vũ khí có uy lực nhất trên tàu ngầm này, với 3 phiên bản là chống hạm, săn ngầm và tấn công đối đất.
Theo đánh giá của báo chí Mỹ, tên lửa hành trình tấn công đối đất Club lợi hại hơn so với phiên bản chống hạm, có thể tấn công các mục tiêu chiến lược có giá trị cao và có chiều sâu của đối phương, chẳng hạn như các mục tiêu quan trọng ở Biển Đông như cảng, sân bay và trạm radar. Do đó, sở hữu tàu ngầm lớp Kilo giúp cho quân đội Việt Nam có “vũ khí răn đe chiến lược” trong tay.
Theo kế hoạch của chính quyền Tổng thống Philippines Rodrigo Duterte, chính phủ nước này cam kết từng bước tăng quy mô mua sắm vũ khí trang bị. Các khoản đầu tư sẽ tập trung hơn vào xây dựng năng lực hải, không quân.
Kế hoạch này của Philippines có 3 giai đoạn: Mục tiêu của giai đoạn 1 là thực hiện “phòng thủ hiệu quả ở mức tối thiểu”; trọng điểm mục tiêu của giai đoạn 2 là phòng thủ lãnh thổ bên ngoài; mục tiêu của giai đoạn 3 (2024 - 2028) là xây dựng khả năng chống lại đối thủ khu vực, bảo đảm quyền lợi ở vùng đặc quyền kinh tế, có khả năng thực hiện các nhiệm vụ như cứu trợ nhân đạo, cứu nạn và gìn giữ hòa bình.
Hiện nay, quân đội Philippines đã phê chuẩn các kế hoạch mua sắm như máy bay chiến đấu đa dụng và tàu hộ vệ. Trong đó, lượng mua sắm máy bay chiến đấu đa dụng ít nhất là 12 chiếc, một khả năng khá cao là Philippines sẽ mua sắm máy bay chiến đấu Gripen của Thụy Điển.

Tàu tuần tra lớp Hamilton Philippines mua của Mỹ. Ảnh: Sina.
Tàu tuần tra lớp Hamilton Philippines mua của Mỹ. Ảnh: Sina.

Theo tờ Philippine News Agency ngày 9/6, chính phủ Philippines cấp 289 tỷ Peso (5,46 tỷ USD) kinh phí mua sắm vũ khí trang bị cho giai đoạn 2 (2018 - 2023), tăng so với giai đoạn 1 (2013 - 2017) – giai đoạn này là 90 tỷ Peso (khoảng 1,7 tỷ USD).
Tháng 6/2018, người phát ngôn Bộ Quốc phòng Philippines Arsenio Andolong cho biết: “Chúng tôi không muốn tiếp tục đợi đến giai đoạn 3 hiện đại hóa quân sự, chúng tôi thực sự cần tàu ngầm, nhưng cũng sẽ dựa trên ý kiến của Bộ Tài chính để xác định”.
Để thực hiện mục tiêu hiện đại hóa quân sự giai đoạn 3, Philippines không đặt hy vọng hoàn toàn vào Mỹ - nước cung cấp vũ khí truyền thống, mà là triển khai hợp tác quân sự với các nước như Nhật Bản, Hàn Quốc, Indonesia, Nga. Trong những nước này, hợp tác với Nga gây chú ý.
Sau khi ông Rodrigo Duterte lên làm Tổng thống, quan hệ quân sự giữa Philippines và Nga đã nhanh chóng ấm lên. Nga đã viện trợ các vũ khí như vũ khí hạng nhẹ, xe tải cho Philippines. Trước đó, ông Rodrigo Duterte cho biết sẽ nhập khẩu các vũ khí như máy bay trực thăng, súng trường của Nga.
Hai năm gần đây, tàu chiến Nga còn nhiều lần thăm Philippines và tổ chức diễn tập quân sự liên hợp. Tháng 10/2017, biên đội tàu chiến hải quân Nga gồm các tàu săn ngầm Admiral Vinogradov và Admiral Panteleyev lớp Udaloy cùng với tàu chở dầu biển xa Boris Butoma đã đến thăm Philippines, và đã thực hiện cam kết cung cấp viện trợ vũ khí cho Philippines. Biên đội đã mang theo 5.000 khẩu súng trường dòng AK cùng 1 triệu viên đạn, 20 xe tải quân sự.
Từ ngày 9 - 14/6/2018, 3 tàu chiến Nga đã tiếp tục đến Philippines, tiến hành chuyến thăm trong thời gian 5 ngày. Tờ The Diplomat Mỹ tháng 6/2018 cho rằng việc tàu chiến Nga tiếp tục thăm Philippines cho thấy hợp tác quốc phòng Philippines - Nga không ngừng được tăng cường dưới thời Rodrigo Duterte.
Được biết, trong chuyến thăm Nga vào năm 2017 của Tổng thống Rodrigo Duterte, Nga và Philippines đã ký kết một thỏa thuận quân sự mới. Nhưng, năm 2017 còn xảy ra một số sự kiện gây chú ý khác, bao gồm đoàn đại biểu quân sự Philippines đến Nga quan sát diễn tập quân sự, hai nước ký kết thỏa thuận hợp tác kỹ thuật quân sự.
Sang năm 2018, hai bên đã tiếp tục thảo luận khả năng thúc đẩy quan hệ quốc phòng. Chẳng hạn, tháng 5/2018, trong thời gian thăm Moscow của Ngoại trưởng Philippines, hai bên nhất trí tiếp tục thúc đẩy phát triển hợp tác kỹ thuật quân sự, cung cấp hỗ trợ toàn diện hơn cho hiện đại hóa quân sự của Philippines. Quan chức hai bên còn ngầm cho biết năm 2018 sẽ ký kết hợp đồng mua sắm trang bị quốc phòng của Nga, nhưng đến nay vẫn chưa công khai bất cứ nội dung cụ thể nào.
Ngoài ra, đáng chú ý, tàu hộ vệ mà Philippines đặt mua của Hàn Quốc sẽ trang bị các vũ khí như tên lửa chống hạm, ngư lôi. Như vậy, Philippines không hề có ý định “cam chịu” để tiếp diễn tình trạng nước ngoài đe dọa an ninh của họ trên Biển Đông.