Lãnh đạo Triều Tiên và Mỹ có cuộc gặp thượng đỉnh lịch sử tại Singapore |
Triều Tiên không có ý định từ bỏ hoàn toàn chương trình vũ khí hạt nhân, Washington Post (WP) dẫn nguồn tin được cung cấp từ bốn quan chức Nhà Trắng yêu cầu giấu tên cho biết. Bài báo lưu ý rằng, các thông tin được cung cấp hoàn toàn phù hợp với các báo cáo tình báo và dữ liệu thu thập được sau cuộc họp Mỹ-Triều ngày 12/6.
WP nghi ngờ các quan chức Triều Tiên đang tìm cách để che giấu người Mỹ và các tổ chức quốc tế về số lượng đầu đạn, tên lửa hạt nhân và các cơ sở chế tạo, thử nghiệm hạt nhân thực sự.
Dẫn lời các quan chức Nhà Trắng WP cho biết Washington không nắm được dữ liệu về số lượng tên lửa và đầu đạn hạt nhân trên thực tế Bình Nhưỡng sở hữu.
Theo báo cáo Nhà Trắng nhận được khoảng 1 năm trước, số lượng đầu đạn hạt nhân của Triều Tiên là 65, tuy nhiên các chuyên gia cho rằng Bình Nhưỡng chỉ công bố một số lượng nhỏ hơn thực tế rất nhiều.
Trong một bài báo được xuất bản vào tháng 5/2018, WP từng dẫn bằng chứng được cung cấp bởi Cơ quan Tình báo Mỹ, ngoài lò phản ứng Yongbyon, chính quyền Bình Nhưỡng còn vận hành một nhà máy làm giàu uranium dưới lòng đất ở Kangson.
Cùng ngày 30/6, NBC News dẫn lời quan chức tình báo Mỹ cho rằng Triều Tiên đã và đang tăng cường sản xuất nhiên liệu vũ khí hạt nhân tại nhiều địa điểm bí mật và cố gắng che đậy điều này trong khi đàm phán để tìm kiếm sự nhượng bộ từ Mỹ.
Thông tin được NBC News đăng tải dựa trên đánh giá tình báo mới nhất của Mỹ hoàn toàn trái ngược với những gì Tổng thống Donald Trump từng tuyên bố sau hội nghị Mỹ — Triều tại Singapore rằng Triều Tiên "không còn mối đe dọa hạt nhân" và "họ (Triều Tiên) phá hủy tất cả những gì thế giới muốn họ phá hủy".
Hội nghị thượng đỉnh lịch sử giữa Tổng thống Mỹ Donald Trump và lãnh đạo CHDCND Triều Tiên Kim Jong-un diễn ra ngày 12/6 tại Singapore kết thúc bằng một thỏa thuận chung, theo đó cam kết phát triển mối quan hệ giữa hai nước, nỗ lực chung để đạt được hòa bình trên bán đảo Triều Tiên.
Ngoài ra, nhà lãnh đạo Triều Tiên một lần nữa khẳng định quyết tâm phi hạt nhân hóa, cho phép các chuyên gia và quan sát viên quốc tế thanh-kiểm tra cơ sở thử nghiệm hạt nhân Punggye-ri.