Tháng trước, Tổng thống Ukraine Petro Poroshenko tiến hành thêm một bước để mở rộng trừng phạt chống Nga, đó là cấm các các công ty công nghệ thông tin của Nga. Một khi lệnh cấm được thực hiện hoàn toàn, 25 triệu người dân Ukraine, tức ngang bằng số người dùng internet, sẽ bị ảnh hưởng.
Đó chỉ là động thái mới nhất trong hàng loạt các biện pháp trừng phạt sau khi Nga sáp nhập Crimea năm 2014. Ban đầu là các kênh tin tức truyền hình của Nga, sau đó đến các nghệ sĩ, phim ảnh và gần đây là sách báo in ấn tại Nga. Gần đây nhất là bộ Luật yêu cầu 75% thời lượng chương trình truyền hình phải được phát bằng tiếng Ukraine. Một nhà báo phương Tây đã cáo buộc Poroshenko đánh đồng khái niệm “người Ukraine” và “nói tiếng Ukraine”.
Các nhà phê phán chính sách đó nói rằng, chính quyền đang cố “xây một bức tường ảo” xung quanh Ukraine, một nỗ lực vô vọng nhằm tách khỏi ảnh hưởng của Nga. Họ lấy làm lo ngại, một khi những sự hạn chế đó được thực thi, Kiev sẽ áp đặt những chính sách dân tộc chủ nghĩa, công kích sự trung thành về văn hóa mà nhiều người dân Ukraine tại miền Đông đất nước vẫn hướng về nước Nga.
Những ý kiến như của Bộ trưởng văn hóa Ukraine, Yevhen Nyshchuk, người đã gọi những công dân miền Đông Ukraine là sản phẩm của “gen không thích hợp” và là “sự thất bại của ý thức”, cũng như việc Thống đốc quân - dân sự vùng Donetsk, Pavlo Zhebrivsky liên tục khẳng định, một khi vùng này quay trở về với Ukraine, ông ta sẽ áp đặt ‘một chương trình dân chủ bình thường với những người đó’ (người dân ở hai nước cộng hòa tự xưng Donetsk và Lugansk) bằng cách sẽ bố trí các đơn vị quân đội đồn trú tại các thành phố miền Đông, càng làm cho nỗi sợ hãi về sự trừng phạt tăng lên.
Tuy vậy cũng có những người phản đối lại các biện pháp hạn chế nói trên, bởi đó là những quy định mà người ta không thể tuân thủ hoàn toàn được, vì thế chắc chắn dẫn đến tự thất bại. Họ cho rằng, không thể cấm một website được phổ biến rộng rãi như Yandex vì đó là một công cụ tìm kiếm toàn cầu, tương tự như Google hay là Bing, đã được đăng ký tại Hà Lan. Chi nhánh của nó là Yandex.ua không chỉ độc lập về tư pháp đối với hãng mẹ ở Nga mà còn là một trong những doanh nghiệp đóng thuế lớn nhất tại Ukraine.
Việc cấm một trong những phần mềm kinh doanh thông dụng nhất lại càng làm cho nhiều người thấy kỳ lạ bởi phần mềm này được sản xuất ra và duy trì tại Ukraine, công ty sản xuất ra nó vừa mới nhận được giấy phép của nhà chức trách Ukraine với nhận xét là đáp ứng đủ các tiêu chuẩn an ninh do chính phủ quy định.
Chính quyền biện minh cho hành động của mình bằng cách nêu sự cần thiết phải tăng cường an ninh quốc gia trong cuộc chiến với nước Nga. Tuy nhiên, đến cả những nhà quan sát có cảm tình nhất của chính quyền cũng không thể hiểu được, tại sao từ chối tiếp cận phần mềm ứng dụng dịch vụ tắc xi thông dụng nhất ở Kiev, hay phần mềm tính thuế mà đa số các doanh nghiệp Ukraine sử dụng để nộp thuế lại có thể góp phần cải thiện an ninh quốc gia.
Nhưng điều đáng lo ngại nhất chính là ở chỗ, Tổng thống Poroshenko và các cố vấn của ông dường như không thể hiểu được rằng, hàng triệu người Ukraine nhìn thấy trong hành động cấm đoán đó một nỗ lực chống lại di sản và lối sống của họ. Rất nhiều công dân Ukraine tiếp tục coi đặc tính văn hóa và tôn giáo Nga không những không đi ngược lại mà còn bổ sung cho đặc tính Ukraine của họ.
Một khảo sát do Trung tâm Razumkov ở Kiev tiến hành tháng 11 năm 2016 và được báo chí Ukraine đăng tải rộng rãi cho thấy, hơn một nửa người dân Ukraine coi người Ukaine và người Nga là hai “dân tộc anh em”, và có tới ¼ số người được hỏi còn nói “là một dân tộc”. Đó không phải là tuyên truyền của Nga, thế nhưng chính quyền vẫn tiếp tục tấn công vào đặc tính văn hóa, tôn giáo và dân tộc của đa số người dân miền Đông và miền Nam Ukraine, những người đến nay vẫn duy trì niềm tin rằng cuộc Maidan năm 2014 là một cuộc “đảo chính quân sự”.
Vì thế, đối với những người Ukraine này, những biện pháp trừng phạt như đã nói ở trên không phải là chống lại nước Nga. Đó chính là đòn trừng phạt nhằm vào họ “những người Ukraine khác”, những người không đồng ý với chính sách hiện tại cắt đứt tất cả các mối liên hệ với nước Nga và viết lại lịch sử đất nước.
Để chứng minh, họ chỉ ra rằng những biện pháp trừng phạt mới nhất chỉ là phần nổi của tảng băng. Hiện đang có ít nhất bốn bản dự thảo luật được đưa ra quốc hội Ukraine xem xét để sửa luật ngôn ngữ hiện hành mà theo những người đề xuất là quá thoáng vì nó cho phép những tỉnh có ít nhất 10% dân số nói một ngôn ngữ thứ hai thì được coi là ngôn ngữ chính thức. Sau khi luật này được thông qua vào năm 2012, gần một nửa các tỉnh của Ukraine đã chấp nhận tiếng Nga là ngôn ngữ chính thức. Còn các bản dự thảo mới ở các mức độ khác nhau đều hướng đến việc hạn chế sử dụng tiếng Nga nơi công cộng.
Cũng theo xu hướng đó, việc cấp quota mới nhất yêu cầu 75% thời lượng của các kênh truyền hình quốc gia vào giờ vàng phải phát bằng tiếng Ukraine không phải hướng tới việc giảm sự có mặt của các cơ quan truyền thông đại chúng của Nga tại Ukraine (sự có mặt đó đã bị cấm từ đầu năm 2014 rồi) mà là siết chặt ngôn luận của những người Ukraine nói tiếng Nga.
Ở một đất nước mà tới năm 2012 có tới hơn 60% báo, 83% tạp chí, 87% sách và 72% chương trình truyền hình được xuất bản, được phát bằng tiếng Nga và hơn 60% số người dân nói tiếng Nga khi ở nhà và khi ngồi cùng bạn bè, chính quyềnđã phát đi một thông điệp rõ ràng là họ muốn đẩy họ ra chứ không phải kéo họ vào. Đúng như Chủ tịch Quốc hội Ukraine Andreiy Parubiy đã nói trước ngày bầu cử: “Tiếng nói là vũ khí, và vũ khí thì không thể trao vào tay kẻ thù được”.
Theo hướng tích cực hơn, do có sự phản ứng mạnh mẽ từ phía lực lượng an ninh, quốc hội đã phải lùi một bước tránh cho đất nước khỏi rơi vào một cuộc chiến tôn giáo bằng hành động hoãn bỏ phiếu bộ luật có thể sẽ lặp lại thực tiễn của thời kỳ Xô viết, theo đó, chính quyền sẽ kiểm soát việc bổ nhiệm các chức sắc tôn giáo của Nhà thờ Chính thống giáo Ukraine. Chính phủ muốn tách tất cả các mối liên hệ với Nhà thờ chính thống giáo Nga, còn những người phản đối thì không muốn điều đó và còn coi cuộc xung đột hiện nay ở Đông Ukraine như là cuộc nội chiến.
Tại sao một chính phủ hiện đang phải đối mặt với khủng hoảng kinh tế và chính trị sâu sắc (hiện tại vẫn không có phe đa số trong Quốc hội) lại cứ đẩy sự căng thẳng trong nội bộ lên cao theo cách này? Bởi việc khuấy động hận thù đối với nước Nga có lợi ích chính trị trước mắt.
Trước hết, điều đó tạo ra một lý do để nhận được sự trợ giúp quốc tế cho Ukraine. Thứ hai là nó làm sao nhãng những căng thẳng trong nước do cuộc cải cách kinh tế không được lòng dân gây ra. Nó cũng cho phép Poroshenko - người có chỉ số ủng hộ rơi xuống mức cực thấp - có thể trụ lại như là một tổng thống thời chiến. Và cuối cùng, khi đặt ra sự nghi ngờ về lòng trung thành của những người sống tại miền Đông và miền Nam (không tính đến Donbass và Crimea vì đã bị hoàn toàn tách khỏi đời sống chính trị) để bảo vệ sự thống trị của chủ nghĩa dân tộc được ủng hộ chủ yếu ở miền Tây Ukraine. Tuy nhiên, mắc dù năm 2015, Poroshenko đã nhận định rằng các tỉnh phía Tây chính là cái nôi của quốc gia Ukraine, trên thực tế, đặc tính Ukraine bị bớt xén, được xây dựng trên lịch sử, tôn giáo và văn hóa của các tỉnh cực Tây của Ukraine chưa bao giờ được coi là nền móng của đặc tính dân tộc.
Chính sách hiện tại nhằm bôi nhọ những ai không được coi là người Ukraine thật sự chỉ dẫn đến sự đổ vỡ của đất nước theo các tiêu chí tôn giáo, dân tộc. Tất cả điều đó chỉ có thể được ngăn chặn nếu như chính phủ chấp nhận nền văn hóa dân sự toàn diện, theo đó đặc tính kết nối hai văn hóa được tôn trọng.
Tùy thuộc việc chính quyền có định làm việc đó hay không, sẽ xác định xem cuộc cách mạng Maidan 2014 là sự mở đầu của một thời đại mới của một nước Ukraine thống nhất hay là đổ vỡ.
Hai tác giả
- Nicolai Petro là giáo sư Hòa bình và phi bạo lực Đại học Tổng hợp Rhode Island. Hiện sống tại Odessa.
- Josh Cohen là cựu quan chức dự án của Cơ quan viện trợ Mỹ tại Liên Xô cũ.