Bảo hiểm tiền gửi Việt Nam sắp được tham gia cơ cấu lại TCTD yếu kém?

0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam
VietTimes – Luật Bảo hiểm tiền gửi sẽ được nghiên cứu, sửa đổi theo hướng nghiên cứu, bổ sung chức năng, nhiệm vụ của Bảo hiểm tiền gửi Việt Nam được tham gia cơ cấu lại TCTD yếu kém.
Bảo hiểm tiền gửi sắp được tham gia tái cơ cấu ngân hàng yếu kém
Bảo hiểm tiền gửi sắp được tham gia tái cơ cấu ngân hàng yếu kém

Nội dung này được đề cập trong đề án “Cơ cấu lại hệ thống các tổ chức tín dụng (TCTD) gắn với xử lý nợ xấu giai đoạn 2021 - 2025” đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt, ban hành hôm 8/6/2022.

Theo đó, mục tiêu quan trọng của đề án là tạo bước chuyển rõ rệt, thực chất trong cơ cấu lại hệ thống các TCTD gắn với xử lý nợ xấu; phấn đấu đến năm 2025 giảm số lượng các TCTD, xử lý cơ bản các ngân hàng yếu kém, không để phát sinh những ngân hàng yếu kém mới, hệ thống các TCTD lành mạnh và phát triển bền vững.

Để đạt mục tiêu nêu trên, đề án đưa ra giải pháp hoàn thiện khuôn khổ pháp lý về tiền tệ, hoạt động ngân hàng, cơ cấu lại và xử lý nợ xấu trên cơ sở tuân thủ đầy đủ các quy luật của kinh tế thị trường, theo thông lệ quốc tế, phù hợp với điều kiện của Việt Nam.

Cụ thể, thực hiện nghiên cứu, rà soát, sửa đổi, bổ sung Luật Ngân hàng Nhà nước Việt Nam, Luật Các tổ chức tín dụng, Luật Bảo hiểm tiền gửi và các văn bản quy phạm pháp luật, bao gồm việc ghiên cứu, bổ sung chức năng, nhiệm vụ của Bảo hiểm tiền gửi Việt Nam được tham gia cơ cấu lại TCTD yếu kém.

Trước đó, trong đề án “Cơ cấu lại hệ thống các TCTD gắn với xử lý nợ xấu giai đoạn 2016 - 2020”, Ngân hàng Nhà nước (NHNN) được giao bổ sung nội dung cho phép BHTG Việt Nam được tham gia sâu hơn vào cơ cấu lại TCTD yếu kém gắn với xử lý nợ xấu.

Trong Luật Các TCTD sửa đổi, BHTG Việt Nam được giao một số nhiệm vụ như: phối hợp với Ban Kiểm soát đặc biệt xây dựng phương án phá sản TCTD được kiểm soát đặc biệt, cho vay đặc biệt đối với TCTD được kiểm soát đặc biệt và mua trái phiếu dài hạn của TCTD hỗ trợ.

Trong “Chiến lược phát triển ngành Ngân hàng đến năm 2025, định hướng đến năm 2030” ban hành ngày 8/8/2018, Thủ tướng Chính phủ cũng đặt ra nhiệm vụ sửa đổi Luật BHTG trong giai đoạn 2021 - 2025, nhằm nâng cao hơn nữa vai trò của BHTG Việt Nam, tạo điều kiện cho BHTG Việt Nam tham gia sâu hơn vào quá trình tái cơ cấu các TCTD.

Được biết, tính đến cuối năm 2021, có 1.283 tổ chức tham gia bảo hiểm tiền gửi, bao gồm 97 ngân hàng và chi nhánh ngân hàng nước ngoài, 1 ngân hàng hợp tác xã, 1.181 quỹ tín dụng nhân dân và 4 tổ chức tài chính vi mô.

Trong năm 2021, BHTG Việt Nam đã hoàn thành kiểm tra đối với 288 đơn vị tham gia bảo hiểm tiền gửi, đạt 100% kế hoạch; hoàn thành kiểm tra 22 quỹ tín dụng nhân dân theo chỉ đạo của Thống đốc NHNN.

Tính đến ngày 31/12/2021, tổng tài sản của BHTG Việt Nam đạt 82.600 tỉ đồng, tăng 17% so với cùng kỳ năm 2020. Trong đó, quỹ dự phòng nghiệp vụ đạt 75.900 tỉ đồng, tăng 18,04% so với cùng kỳ năm 2020.

Với nguồn lực tài chính được tích lũy qua từng năm, BHTG Việt Nam có thể sẵn sàng chi trả tiền bảo hiểm cho người gửi tiền khi cần thiết và tham gia có hiệu quả vào quá trình tái cơ cấu hệ thống các TCTD./.