Bảo đảm thu nhập, chế độ đãi ngộ thỏa đáng đối với cán bộ, nhân viên y tế

0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam

VietTimes – Nghị quyết của Quốc hội nêu rõ việc bảo đảm tiền lương, phụ cấp, chế độ đãi ngộ thỏa đáng đối với cán bộ, nhân viên y tế nói chung, y tế cơ sở, y tế dự phòng nói riêng, tương xứng với yêu cầu nhiệm vụ và đặc thù công việc.

Quốc hội vinh danh những cá nhân, tập thể đã đóng góp trí tuệ, sức lực, của cải, vật chất cho công cuộc phòng, chống đại dịch COVID-19. Ảnh minh hoạ.
Quốc hội vinh danh những cá nhân, tập thể đã đóng góp trí tuệ, sức lực, của cải, vật chất cho công cuộc phòng, chống đại dịch COVID-19. Ảnh minh hoạ.

Đó là điểm nhấn quan trọng được nêu tại Nghị quyết về kết quả giám sát chuyên đề "việc huy động, quản lý và sử dụng các nguồn lực phục vụ công tác phòng, chống dịch COVID-19; việc thực hiện chính sách, pháp luật về y tế cơ sở, y tế dự phòng" – vừa được Quốc hội khoá XV thông qua hôm nay (24/6) trong khuôn khổ Kỳ họp thứ 5.

Nghị quyết đặt ra yêu cầu về việc nghiên cứu bảo đảm tiền lương, phụ cấp, chế độ đãi ngộ thỏa đáng đối với cán bộ, nhân viên y tế nói chung, y tế cơ sở, y tế dự phòng nói riêng tương xứng với yêu cầu nhiệm vụ và đặc thù công việc theo tinh thần của Nghị quyết số 27-NQ/TW về cải cách chính sách tiền lương đối với cán bộ, công chức, viên chức, lực lượng vũ trang và người lao động trong doanh nghiệp.

Nghị quyết cũng đề cập việc khuyến khích các địa phương có chính sách thu hút cán bộ, nhân viên y tế về làm việc tại y tế cơ sở và trong lĩnh vực y tế dự phòng.

Cùng với đó, có giải pháp để hoàn thành mục tiêu mọi người dân đều được theo dõi, quản lý sức khoẻ toàn diện theo lộ trình tăng cường công tác bảo vệ, chăm sóc và nâng cao sức khỏe nhân dân trong tình hình mới; triển khai đồng bộ hệ thống công nghệ thông tin trong quản lý hoạt động của y tế cơ sở, y tế dự phòng và quản lý hồ sơ sức khỏe cá nhân.

230.000 tỉ đồng trực tiếp phục vụ công tác phòng, chống dịch, an sinh, xã hội

Nghị quyết nêu rõ, đến ngày 31/12/2022, cả nước đã huy động được khoảng 230.000 tỉ đồng trực tiếp phục vụ công tác phòng, chống dịch và thực hiện các chính sách an sinh, xã hội.

Đến ngày 31/12/2022, kinh phí phòng, chống dịch COVID-19 đã được sử dụng như sau: hỗ trợ người dân, người lao động, người sử dụng lao động, hộ kinh doanh bị ảnh hưởng bởi dịch COVID-19 trên 87.000 tỉ đồng; chi chế độ, chính sách cho lực lượng tuyến đầu và các lực lượng khác tham gia phòng, chống dịch (quân đội, công an, y tế,...) là 4.487 tỉ đồng.

Đã mua vaccine phòng COVID-19 là 15.134 tỉ đồng; hỗ trợ nghiên cứu, thử nghiệm vaccine phòng COVID-19 là 4,6 tỷ đồng; mua sắm kit xét nghiệm 2.593 tỉ đồng; mua sắm thuốc, hóa chất, sinh phẩm, thiết bị, vật tư y tế 5.291 tỉ đồng...

"Quốc hội vinh danh những cá nhân, tập thể đã đóng góp trí tuệ, sức lực, của cải, vật chất cho công cuộc phòng, chống đại dịch COVID-19, đặc biệt là các lực lượng trực tiếp làm nhiệm vụ tuyến đầu của ngành y tế, lực lượng vũ trang và các lực lượng trực tiếp tại cơ sở trong phòng, chống dịch", Nghị quyết nêu rõ.

Nghị quyết đưa ra yêu cầu khẩn trương xử lý dứt điểm các vụ việc trong quản lý, sử dụng nguồn lực phục vụ công tác phòng, chống dịch COVID-19, nhất là các các sai phạm, các vụ việc liên quan đến Công ty cổ phần công nghệ Việt Á theo chủ trương của cấp có thẩm quyền về phân loại xử lý tổ chức, cá nhân vi phạm.

Nghị quyết cũng nêu rõ, bên cạnh những kết quả đạt được, công tác huy động, quản lý và sử dụng các nguồn lực phục vụ công tác phòng, chống dịch COVID-19 vẫn còn tồn tại, hạn chế. Đáng chú ý, đã có những sai phạm nghiêm trọng về sản xuất, mua bán kit xét nghiệm COVID-19 liên quan đến Công ty cổ phần công nghệ Việt Á, các chuyến bay đưa công dân Việt Nam từ nước ngoài về. Nhiều cán bộ ở trung ương, địa phương và các cá nhân có liên quan bị kỷ luật và xử lý hình sự.

Theo đánh giá, những hạn chế, bất cập trên do nhiều nguyên nhân, chủ yếu là do dịch Covid-19 diễn biến quá nhanh và phức tạp, nên việc chuẩn bị và thực hiện các giải pháp ứng phó rất khó khăn, phải vừa làm vừa rút kinh nghiệm.

Khẩn trương nghiên cứu sửa đổi, bổ sung hàng loạt dự luật về y tế

Bên cạnh những kết quả đạt được, Nghị quyết cũng cho biết việc ban hành văn bản để cụ thể hóa một số biện pháp đặc biệt, đặc cách, đặc thù có nơi, có lúc chưa kịp thời, chưa đầy đủ, chưa thống nhất dẫn đến bị động, lúng túng, thiếu đồng bộ trong tổ chức thực hiện.

Việc quản lý, sử dụng, thanh toán, quyết toán kinh phí phòng, chống dịch từ ngân sách nhà nước trong và sau giai đoạn cao điểm phòng, chống dịch còn chậm trễ, chưa giải quyết kịp thời, dứt điểm những khó khăn, vướng mắc phát sinh.
Một số nơi chưa kịp thời chi trả chính sách hỗ trợ người dân gặp khó khăn do bị ảnh hưởng bởi dịch và chế độ đối với người tham gia phòng, chống dịch.

Để khắc phục những tồn tại, hạn chế này, Quốc hội đề nghị khẩn trương nghiên cứu sửa đổi, bổ sung hoặc ban hành mới Luật Bảo hiểm y tế, Luật Dược, Luật Phòng, chống bệnh truyền nhiễm, Luật về thiết bị y tế, Luật An toàn thực phẩm và các luật liên quan đến y tế cơ sở, y tế dự phòng và tình trạng khẩn cấp.

Cùng với đó, Quốc hội cũng đề nghị xây dựng, hoàn thiện các đề án thực hiện nhiệm vụ được giao tại các văn kiện của Đảng liên quan đến lĩnh vực y tế cơ sở, y tế dự phòng./.