Tờ Global Times của Trung Quốc đã chỉ trích khoản đầu tư của Công ty Sản xuất bán dẫn Đài Loan (TSMC) ở Arizona là “một bước ngoặt đen tối” trong ngành công nghiệp bán dẫn toàn cầu và cáo buộc Washington đã dụ dỗ nhà sản xuất chip tiên tiến nhất thế giới thiết lập một nhà máy sản xuất ở Mỹ.
Trong một bài đăng vào hôm thứ 6 tuần trước, tờ Global Times cho biết quyết định đầu tư vào công nghệ tiên tiến của TSMC ở Mỹ cho thấy Washington đã "dụ dỗ" họ và cho rằng Mỹ đang đánh cắp công nghệ quan trọng nhất thế giới.
Chính phủ Trung Quốc vẫn giữ im lặng trước sự việc TSMC mở nhà máy mới ở Arizona, nhưng Bắc Kinh đã nhiều lần lên tiếng phản đối những hạn chế của Washington đối với ngành công nghiệp chip của Trung Quốc. Do những hạn chế từ Đài Bắc và Washington, TSMC không được phép đầu tư vào việc sản xuất chip tiên tiến ở Trung Quốc. Nhà máy của công ty ở Nam Kinh, thủ phủ của tỉnh Giang Tô phía đông Trung Quốc, chỉ sản xuất các loại chip giá rẻ dựa trên công nghệ mature node.
Ngược lại, khoản đầu tư của TSMC vào Arizona, bao gồm một xưởng đúc wafer 3 nanomet và một xưởng sản xuất 4nm được nâng cấp, sẽ tham gia vào quá trình sản xuất chip tiên tiến. TSMC có kế hoạch tăng gấp ba lần khoản đầu tư ban đầu vào tiểu bang Mỹ, lên đến 40 tỉ USD.
Cam kết trị giá 40 tỉ USD của TSMC, khoản đầu tư trực tiếp nước ngoài lớn nhất trong lịch sử của Arizona, được đưa ra 4 tháng sau khi ông Biden ký Đạo luật Khoa học và Chip của Mỹ, trong đó có 53 tỉ USD trợ cấp cho các dự án sản xuất chip trong nước cũng như nghiên cứu và phát triển bán dẫn tại địa phương.
Tổng thống Mỹ Joe Biden bắt tay Mark Liu, chủ tịch TSMC (phải), trong một buổi lễ ở Phoenix, Arizona, ngày 6/12/2022 (Ảnh: SCMP) |
“Chúng ta phải gióng lên hồi chuông cảnh báo lớn hơn… Mỹ có thể gây áp lực cho các nhà sản xuất chip ở các quốc gia khác như đã làm với TSMC,” một bài viết được đăng tải trên tờ Global Times có đoạn.
Bên ngoài Trung Quốc, hầu hết các lo ngại về khoản đầu tư của TSMC liên quan đến kinh tế và liệu công ty có thể vận hành nhà máy Arizona có lãi hay không do chi phí ở Mỹ cao hơn so với Đài Loan. Cổ phiếu niêm yết tại Đài Bắc của TSMC đã giảm 2,03% về giá trị trong tuần này,
Đạo luật về chip của Mỹ là một phần trong nỗ lực rộng lớn hơn của nước này nhằm duy trì và mở rộng vai trò người dẫn đầu trong cuộc chiến công nghệ với Trung Quốc.
Trước đây, chính phủ Mỹ đã trợ cấp cho nhiều ngành công nghiệp, bao gồm dầu mỏ, nông nghiệp, nhà ở, xuất khẩu nông sản, ô tô và chăm sóc sức khỏe. Tuy nhiên, một số nhà phân tích và nhà kinh tế phản đối việc trợ cấp chip, tin rằng chúng gây lãng phí tiền của người đóng thuế và có thể gây hại nhiều hơn là có lợi về lâu dài.
Các nhà phân tích cho biết quyết định của TSMC đầu tư vào sản xuất chip 3nm ở Mỹ là do những tính toán về địa chính trị.
Arisa Liu, nhà nghiên cứu bán dẫn cấp cao tại Viện Nghiên cứu Kinh tế Đài Loan, cho biết thông báo của TSMC "cho thấy các yếu tố địa chính trị đã thấm vào ngành công nghiệp bán dẫn”.
“Có những yếu tố chính trị đằng sau quyết định của TSMC và cùng với bầu không khí quân sự căng thẳng trên eo biển Đài Loan, điều đó khiến TSMC cân nhắc đa dạng hóa để giảm rủi ro khi đặt cơ sở sản xuất [tại Đài Loan],” Liu nói thêm.
Tại buổi lễ chính thức diễn ra vào tuần này, Chủ tịch TSMC Mark Liu cho biết nhà máy ở Arizona sẽ “sản xuất công nghệ xử lý bán dẫn tiên tiến nhất trong nước, cho phép tạo ra các sản phẩm điện toán hiệu suất cao và tiêu thụ điện năng thấp thế hệ tiếp theo trong nhiều năm tới”.
Cũng tại buổi lễ, người sáng lập TSMC, ông Morris Chang – người trước đây từng cho biết chi phí sản xuất chip ở Mỹ cao hơn 50% so với ở Đài Loan – nói rằng toàn cầu hóa và thương mại tự do “gần như đã chết”.
Mỹ đã lôi kéo các đồng minh của mình bao gồm Đài Loan, Nhật Bản và Hàn Quốc thành lập Liên minh Chip4, một động thái mà Bắc Kinh coi là nỗ lực nhằm loại bỏ vai trò của Trung Quốc trong chuỗi cung ứng toàn cầu. Washington cũng đã tăng áp lực lên chính phủ Hà Lan để hạn chế các lô hàng từ ASML gửi đến Trung Quốc.
Theo một tuyên bố của TSMC, các xưởng đúc 4nm và 3nm ở Arizona dự kiến sẽ lần lượt đi vào hoạt động vào năm 2024 và năm 2026, đồng thời sẽ có công suất 600.000 wafer mỗi năm, tạo ra doanh thu hàng năm lên đến 40 tỉ USD.
Theo SCMP
Bình luận của bạn đọc
Bình luận bằng tài khoản VietTimes
Bình luận bằng tài khoản mạng xã hội
Xin vui lòng gõ tiếng Việt có dấu