Nhìn lại các thương vụ thoái vốn của Vinataba:

Bánh kẹo Hải Hà: Quá trình thâu tóm đã đến hồi kết?

VietTimes – Kể từ khi Vinataba thoái vốn, Haihaco được thị trường nhắc đến không phải vì sự đột phá trong hoạt động kinh doanh mà thường là các xử phạt vi phạm, các cuộc họp ĐHĐCĐ không thể tiến hành trong quá trình thâu tóm của nhóm cổ đông lớn. Phải đến hơn 1 năm sau, nhóm cổ đông này cuối cùng mới bắt đầu lộ diện và củng cố quyền lực tại đây.
Bánh kẹo Hải Hà: Quá trình thâu tóm đã đến hồi kết? (Ảnh: Internet)
Bánh kẹo Hải Hà: Quá trình thâu tóm đã đến hồi kết? (Ảnh: Internet)

Thanh tra Chính phủ thanh tra việc quản lý và thoái vốn tại Vinataba

Thanh tra Chính phủ vừa công bố quyết định thành lập đoàn thanh tra chuyên ngành tại Tổng công ty Thuốc lá Việt Nam (Vinataba). Theo đó, nội dung thanh tra sẽ tập trung vào việc chấp hành pháp luật trong quản lý, sử dụng vốn và tài sản, thoái vốn và tái cơ cấu tại Vinataba trong giai đoạn 1/2013 - 12/2017.

Là một trong những tổng công ty lớn của Bộ Công thương, lại hoạt động trong một lĩnh vưc đặc thù, nên thông tin thanh tra Vinataba đã ngay lập tức nhận được sự chú ý của thị trường.

Bên cạnh hoạt động cốt lõi trong ngành công nghiệp thuốc lá mà nhiều người đã biết, Vinataba còn rất tích cực tham gia đầu tư trong các lĩnh vực khác, giữ cổ phần chi phối/quyết định tại hàng loạt doanh nghiệp thực phẩm, bánh kẹo, đồ uống, bất động sản, tài chính…

Tuy nhiên, theo chủ trương đã được phê duyệt, Vinataba sẽ phải thoái các khoản đầu tư ngoài ngành này. Và thực tế, việc thoái vốn tại một số doanh nghiệp đã và đang được Vinataba tiến hành.

Dĩ nhiên, trình tự, kết quả và quá trình thực hiện các thương vụ này sẽ được Thanh tra Chính phủ đem ra rà soát, đánh giá.

Chẳng hạn như thương vụ thoái vốn tại CTCP Bánh kẹo Hải Hà sau đây:

Những cổ đông "vội vàng"...

Câu chuyện biến động cơ cấu cổ đông tại Công ty cổ phần bánh kẹo Hải Hà - Haihaco (HNX: HHC) bắt đầu từ khoảng thời gian 17 – 22/03/2017, thời điểm Tổng công ty Thuốc lá Việt Nam (Vinataba) thoái 8.376.750 cổ phiếu (tương đương 51% vốn điều lệ) của Haihaco thông qua hình thức khớp lệnh trên sàn chứng khoán.

Các phiên khớp lệnh ào ạt đã đem đến cho Haihaco những cổ đông mới. Những cá nhân nhiều tiền (hẳn phải rất nhiều tiền thì mới có thể khớp lệnh mạnh tay đến vậy) nhưng xa lạ đến bí ẩn, chẳng hạn một cái tên: bà Nguyễn Thị Duyên.

Chỉ trong ít phiên, bà Duyên đã gom thành công 8.367.600 cổ phiếu HHC, trở thành cổ đông chi phối 50,94% vốn điều lệ công ty. Không có số liệu chính xác để biết nữ nhà đầu tư này đã thực sự chi ra bao nhiêu, nhưng căn cứ theo diễn biến giá HHC cùng kỳ thì có thể tạm tính quy mô mà bà Duyên đã giải ngân, khoảng trên dưới 400 tỷ đồng.

Cổ đông lớn nhất của Haihaco "ra mắt" thị trường thông tin ít ỏi, gần như chỉ với cái tên riêng - Nguyễn Thị Duyên. Không mấy người biết, bà đến từ đâu hay đại diện cho nhóm nhà đầu tư này. Thương vụ được bà thực hiện "bí mật", đến mức bị cơ quan quản lý "tuýt còi": không đăng ký chào mua công khai theo đúng quy định của pháp luật.

Án phạt hành chính 125 triệu đồng được Ủy ban Chứng khoán Nhà nước đưa ra cho Duyên, căn cứ theo quy định tại điểm a Khoản 3 Điều 13 và điểm b Khoản 1 Điều 3 Nghị định số 108/2013/NĐ-CP ngày 23/09/2013 của Chính phủ quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực chứng khoán và thị trường chứng khoán.

"Bí mật" gom bằng được quá nửa cổ phần HHC nhưng bà Duyên lại đi rất "vội vàng". Bởi chưa đầy một tháng sau, nữ nhà đầu tư đã biến mất hoàn toàn trong cơ cấu sở hữu tại Haihaco, thay vào đó là 3 cái tên mới, cũng là các cá nhân: bà Lê Bích Thục, bà Trần Thị Thu Trang và ông Nguyễn Văn Bắc.

Nhưng cũng chỉ là "qua tay"!

Ngày 29/5/2017, bà Thục, bà Trang và ông Bắc lại tiếp tục chuyển nhượng cho 3 nhà đầu tư cá nhân khác, là bà Trương Thị Bửu (nắm giữ 3,94 triệu cổ phiếu, tương đương 24% vốn điều lệ), vợ chồng ông Lưu Văn Vũ (3,94 triệu cổ phiếu, tương đương 24% vốn điều lệ) và bà Trương Tú Phương (0,48 triệu cổ phiếu, tương đương 2,94% vốn điều lệ).

Đến lúc này, trải qua 3 lần trao tay, nhóm cổ đông lớn thay thế Vinataba nắm giữ 51% vốn điều lệ của Haihaco mới cơ bản được định hình, đều là những cái tên còn nhiều bí ẩn đối với chính Haihaco và cả thị trường.

Sự xuất hiện của những cái tên mới ít nhiều tạo nên những xáo động, và cả bất tiện ban đầu.

ĐHĐCĐ thường niên năm 2017 của Haihaco được tổ chức tới 3 lần nhưng không thể diễn ra. Lý do là chương trình họp đại hội không được thông qua ngay từ đầu. Nhóm cổ đông mới chưa nắm giữ đủ tối thiểu 6 tháng theo quy định pháp luật nên không thể ứng cử vào vị trí Chủ tịch HĐQT và tìm cách trì hoãn.

Không thể tổ chức họp ĐHĐCĐ thường niên để gặp gỡ vào trao đổi trực tiếp với nhóm cổ đông này, đến cuối tháng 1/2018, ban lãnh đạo cũ của Haihaco đã thoái hết số cổ phiếu đang nắm giữ. Đây được coi là bước mở đường cho cuộc chuyển đổi được diễn ra suôn sẻ.

Ban lãnh đạo cũ Haihaco đã tiến hành thoái hết vốn từ đầu năm 2018 với lý do chủ yếu là “Cơ cấu lại danh mục đầu tư” – Nguồn: Báo cáo thường niên năm 2017 – Haihaco
Ban lãnh đạo cũ Haihaco đã tiến hành thoái hết vốn từ đầu năm 2018 với lý do chủ yếu là “Cơ cấu lại danh mục đầu tư” – Nguồn: Báo cáo thường niên năm 2017 – Haihaco

Bà chủ thực sự của Haihaco

Ngày 13/2/2018, cuộc họp ĐHĐCĐ bất thường của Haihaco đã diễn ra với sự tham gia của 5 đại biểu cổ đông đủ điều kiện, đại diện cho 14,9 triệu cổ phần, tương đương với 91,17% cổ phần có quyền biểu quyết tại Haihaco.

Các đại biểu cổ đông đã bầu ra HĐQT cho nhiệm kỳ 2018 – 2022 với 7 thành viên, bao gồm: bà Bùi Thị Thanh Hương, bà Vũ Thị Thúy, bà Lưu Thị Tuyết Mai, bà Nguyễn Thị Lan, ông Nguyễn Mạnh Tuấn, ông Trần Anh Thắng và ông Lê Mạnh Linh.

Ban Kiểm soát của Haihaco nhiệm kỳ 2018 – 2022 có 4 thành viên, bao gồm: bà Doãn Hồ Lan, bà Đoàn Thùy Dương, ông Nghiêm Khắc Đạt, ông Hoàng Hùng.

Cái tên gây được nhiều sự chú ý trong số 7 Thành viên HĐQT được bầu bà Lưu Thị Tuyết Mai với vai trò trung tâm, dù bà chỉ đảm nhiệm vị trí Thành viên HĐQT tại Haihaco, bên cạnh chức vụ Chủ tịch HĐQT Công ty CP Thạnh Mỹ Lợi (theo các thông tin từ Báo cáo thường niên 2017 của Haihaco).

Chân dung bà Lưu Thị Tuyết Mai – Nguồn: Forbes Việt Nam
Chân dung bà Lưu Thị Tuyết Mai – Nguồn: Forbes Việt Nam 

Tại sao bà Lưu Thị Tuyết Mai lại được nhắc đến với vai trò trung tâm?

Trước tiên phải kể đến mối quan hệ của nữ doanh nhân với nhóm cổ đông lớn nhất của Haihaco. Cụ thể, ông Lưu Văn Vũ, nắm giữ 24% vốn Haihaco, là em trai của bà Lưu Thị Tuyết Mai.

Thứ đến, đối với cổ đông lớn khác - là bà Trương Thị Bửu, mối quan hệ có phần phức tạp hơn.

Bà Trương Thị Bửu là người đại diện theo pháp luật của Công ty TNHH Sản xuất Thương mại Bửu Trân, có trụ sở tại 67 Lê Vĩnh Hòa, P. Phú Thọ Hòa, Q. Tân Phú. TP. HCM. Địa chỉ này trùng với địa chỉ của Công ty TNHH Xây dựng HTB do bà Lưu Như Trần đứng tên.

Công ty TNHH Xây dựng HTB (HTB) được biết đến với vai trò là cổ đông lớn, sở hữu 23,96% cổ phần Công ty CP Xây dựng và Chế biến lương thực Vĩnh Hà (UpCOM: VHF). Bà Lưu Thị Tuyết Mai là người đại diện phần vốn của HTB và hiện đang giữ chức Thành viên HĐQT tại VHF.

Cũng theo thông tin trong quyết định bổ nhiệm ngày 24/7/2017 của VHF, bà Mai còn là Chủ tịch HĐQT Công ty CP Thạnh Mỹ Lợi, Giám đốc điều hành – Công ty TNHH DV&TM Mesa.

Bà Lưu Như Trân và bà Lưu Thị Tuyết Mai là các cổ đông của Công ty CP Mevo có trụ sở tại 202 Lý Chính Thắng, Quận 3 – trụ sở của Mesa Group tại TP. HCM.

Điều đáng lưu ý tiếp theo là 6/7 thành viên HĐQT của Haihaco ít nhiều có mối liên hệ với nhau, xoay quanh bà Lưu Thị Tuyết Mai.

Cụ thể, Chủ tịch HĐQT Haihaco, ông Lê Mạnh Linh còn là Chủ tịch HĐQT Công ty CP Amber Capital. Cả ông Linh và Amber Capital đều là cổ đông lớn với tỷ lệ lần lượt là 19,8% và 9,9% tại Công ty CP Quản lý quỹ Hữu Nghị - nơi ông Trần Anh Thắng (Thành viên HĐQT Haihaco) đang nắm giữ 10,9% cổ phần, đảm nhiệm vị trí Chủ tịch HĐQT.

Được biết ngày 28/4/2018, đại hội cổ đông của Quản lý quỹ Hữu Nghị đã thông qua nghị quyết đổi tên gọi quỹ này thành Công ty cổ phần Quản lý Quỹ Amber.

Cũng liên quan tới Quản lý quỹ Hữu Nghị, cổ đông lớn khác là Công ty TNHH Amino Finance Group (AFG) cũng góp nhiều cái tên tham gia lãnh đạo Haihaco.

Bà Bùi Thị Thanh Hương, Thành viên HĐQT kiêm Tổng giám đốc Haihaco, đồng thời là Giám đốc kinh doanh của AFG, Thành viên HĐQT tại VHF.

Một giám đốc khác của AFG đang đảm nhiệm vị trí thành viên HĐQT kiêm Kế toán trưởng tại Haihaco là bà Vũ Thị Thúy. Bà Thúy cũng là Thành viên Ban kiểm soát tại VHF.

Bà Nguyễn Thị Lan, thành viên HĐQT Haihaco, cũng là Kế toán trưởng tại Công ty AFG.

Quay trở lại với bà Lưu Thị Tuyết Mai, bên cạnh các vị trí đã được nhắc đến bên trên, bà còn là Chủ tịch HĐQT Công ty CP Lương thực Thực phẩm Colusa-Miliket (UpCOM: CMN), Ủy viên HĐQT Công ty CP Xuất nhập khẩu Lâm Thủy sản Bến Tre.  

Tuy nhiên, bà Mai được biết đến nhiều hơn với vai trò là người sáng lập Mesa Group, tập đoàn đa ngành hoạt động chủ yếu trong các lĩnh vực ẩm thực, nhà hàng, bán lẻ, bất động sản, …. Mesa Group hiện là đối tác phân phối lớn nhất của Procter & Gamble (P&G) tại Việt Nam, với doanh số phân phối hàng hóa mỗi tháng cho riêng P&G là 170 tỷ đồng.

Bà từng được Forbes Việt Nam vinh danh là 1 trong 50 nữ doanh nhân có tầm ảnh hưởng nhất năm 2017, cùng với bà Nguyễn Thị Phương Thảo - Tổng giám đốc VietjetAir, bà Mai Kiều Liên - Tổng giám đốc Vinamilk, bà Thái Hương - Chủ tịch tập đoàn TH./.

Đón đọc...