Trước hết, cần nhấn mạnh rằng việc phát triển nguồn nhân lực, phát huy nhân tố con người không phải là vấn đề mới. Chúng ta đã đề cập lần đầu tiên trong Chiến lược phát triển KT-XH 2011-2020 và đây cũng là vấn đề xuyên suốt, được đề cập từ nhiều Đại hội Đảng và văn kiện của Đảng trước đó.
Khai thác "Mỏ Vàng - nguồn nhân lực”: Mới, thô mà chưa tinh
Vấn đề sử dụng tài nguyên - sức lao động của một quốc gia như nước ta, Đảng và Nhà nước cần có sự quan tâm đặc biệt, bởi đó chính là vốn quý. Nếu không có cách nhìn và đánh giá toàn diện, thấu đáo, thì dù nhân lực nhiều đến đâu, chưa chắc đất nước đã giàu có được, thậm chí có thể mang lại thái cực khác, chưa hẳn đã là lợi thế .
Về nguồn nhân lực nói chung của đất nước: Phải coi đó như một tài nguyên vô giá và không sợ bị cạn kiệt nếu như ta so với tài nguyên thiên nhiên. Trong bối cảnh toàn cầu hóa và hội nhập quốc tế, Đảng đã xác định một trong những yếu tố quyết định việc chúng ta có tranh thủ tận dụng thành công những thuận lợi, những cơ hội và vượt qua những thách thức, khó khăn mà quá trình đó đặt ra hay không, phụ thuộc chủ yếu vào việc phát huy nhân tố con người, vào chất lượng nguồn nhân lực. Đó là cách nhìn nhận đúng và cần thiết.
Nguồn nhân lực Việt Nam khá dồi dào, quy mô lớn, yêu cầu giải quyết việc làm hàng năm khá lớn. XKLĐ chỉ là một phần nhỏ trong giải quyết việc làm. Việt Nam có tới hơn 55 triệu người tham gia hoạt động kinh tế hay nói khác đi là lực lượng lao động là hơn 55 triệu người.
Hàng năm Bộ LĐ-TB &XH đều báo cáo giải quyết việc làm cho khoảng 1,5 triệu lao động, trong đó XKLĐ là hơn 100 ngàn người, trong nước giải quyết việc làm cho hơn 1,4 triệu người. Nói thế để thấy việc làm trong nước vẫn là quan trọng.
Được giới thiệu, tôi có tìm đến TS Kinh tế Doãn Mậu Diệp, nguyên Thứ trưởng Bộ LĐ TB & XH. Hiện ông vừa mới nghỉ hưu nhưng sang đảm nhiệm cương vị Chủ tịch Hiệp hội xuất khẩu lao động Việt Nam.
Từ một cán bộ cấp vụ của bộ, ông được đưa xuống địa phương làm Giám đốc Sở LĐ-TB&XH rồi lại trở về Bộ làm Viện trưởng Viện Khoa học Lao động và Xã hội. Tiếp đó, ông được bổ nhiệm làm Phó Bí thư tỉnh ủy một địa phương khác. Và bến đỗ cuối là chức thứ trưởng Bộ LĐ-TB& XH . Tôi muốn nói kỹ điều này để hiểu, TS Mậu Diệp là một người khá am tường mọi việc liên quan đến phát triển nguồn nhân lực.
Theo TS Mậu Diệp , để tìm hiểu về việc khai thác tiềm năng to lớn của nguồn nhân lực nước nhà với những gì chúng ta đã làm được và chưa được trong hàng chục năm qua, cũng như khả năng sẽ thế nào trong mười năm tới, thì gần đây người ta nói nhiều về "dân số vàng" - là dân số trong độ tuổi lao động, có đóng góp tích cực cho phát triển kinh tế và nước ta hiện có 55 triệu người "dân số vàng"
Rất nhiều nhà khoa học nói rằng cần có đề án phát huy lợi thế của cơ cấu "dân số vàng". Có giáo sư còn đặt vấn đề: "Mỏ vàng mà không khai thác thì vẫn còn cho thế hệ sau, nhưng "dân số vàng" nếu không khai thác thì cơ hội sẽ mất vì dần chuyển sang dân số già.
Tiến sĩ Doãn Mậu Diệp |
Ông Diệp cho hay: Phát huy lợi thế cơ cấu "dân số vàng" là phát huy lợi thế nguồn nhân lực dồi dào, tỷ lệ vượt trội so với dân số phụ thuộc để tham gia hoạt động kinh tế, sản xuất hàng hóa và dịch vụ, đóng góp vào tăng trưởng nhanh và bền vững của đất nước. Khi nói về phát huy lợi thế "dân số vàng" thì có ba câu hỏi cần trả lời.
Một là bao nhiêu phần trăm những người trong độ tuổi lao động có khả năng làm việc? Nếu trong độ tuổi này nhưng ốm đau, bệnh tật, không có khả năng làm việc thì cũng không tác động tích cực cho phát triển, thậm chí là ngược lại.
Hai là bao nhiêu phần trăm những người có khả năng làm việc có việc làm? Hiển nhiên là những người “có khả năng làm việc” nhưng thất nghiệp hoặc có việc làm nhưng không đầy đủ sẽ tác động tiêu cực đến phát triển.
Ba là bao nhiêu phần trăm “những người có việc làm” làm việc có năng suất, thu nhập cao? Nếu có việc làm nhưng năng suất, thu nhập thấp, đất nước không tránh khỏi “bẫy thu nhập trung bình”, mức sống nhân dân khó cải thiện.
Việt Nam đã và đang phát huy lợi thế cơ cấu "dân số vàng" tuy là chưa có một đề án riêng về vấn đề này. Nhưng liệu có đề án riêng được không khi đây là vấn đề phức hợp, đa chiều, cần nhiều đề án chứ không chỉ một đề án đơn lẻ. Tôi xin đi từng vấn đề.
Câu hỏi thứ nhất liên quan đến sức khỏe thể chất và sức khỏe tinh thần của người dân. Một đất nước mà người dân sung mãn về thể chất, mạnh mẽ về tinh thần, sẵn sàng tham gia hoạt động kinh tế, đất nước đó sẽ có lợi thế. Như vậy, các chính sách về y tế và dân số để phát huy lợi thế dân số vàng là quan trọng. Rất may mắn là với các Nghị quyết của Đảng về bảo vệ và chăm sóc sức khỏe nhân dân, với các đầu tư cho y tế và các chương trình mục tiêu quốc gia trong lĩnh vực y tế, phát triển mạng lưới y tế rộng khắp, chăm sóc sức khỏe ban đầu, có thể nói tỷ lệ người Việt Nam trong độ tuổi lao động có thể làm việc và sẵn sàng làm việc cao.
Đừng tự ty với mấy chỉ số chiều cao, cân nặng, suy dinh dưỡng vì câu hỏi này là bao nhiêu phần trăm dân số trong tuổi lao động có khả năng làm việc và sẵn sàng làm việc - chỉ số này của Việt Nam là cao. Câu hỏi thứ hai là bao nhiêu phần trăm những người có khả năng làm việc, sẵn sàng làm việc và thực chất đã có việc làm.
Đây chính là vấn đề "toàn dụng lao động" - tức là sử dụng hết và sử dụng không lãng phí đối với lao động. Việc toàn dụng lao động sẽ có các chỉ tiêu về thất nghiệp (unemployment) và thiếu việc làm (underemployment). Về thất nghiệp. Các số liệu thống kê của Tổ chức Lao động quốc tế International Labour Organization (viết tắt: ILO) đều đánh giá tỷ lệ tham gia lực lượng lao động của Việt Nam rất cao - thuộc nhóm các nước có tỷ lệ này cao nhất thế giới. Tỷ lệ thất nghiệp ở Việt Nam cũng thấp, khoảng 2,2-2,3%. Báo chí thắc mắc rằng liệu ta có bịa số liệu ko, nhưng quả thật các khái niệm về việc làm và thất nghiệp của ta đều theo đúng chuẩn mực của Cơ quan thống kê thuộc ILO hướng dẫn cho tất cả các nước, phương pháp thống kê cũng được ILO hỗ trợ kỹ thuật và kết quả thống kê là chính xác. Tỷ lệ thất nghiệp rất thấp, chỉ 2,2-2,3% tức là gần như ai có khả năng làm việc đều có việc làm, tức là đã phát huy được lợi thế dân số vàng ở mức toàn dụng lao động- tất nhiên chất lượng việc làm là câu hỏi khác.
Số liệu về tỷ lệ thất nghiệp của 168 nước trên thế giới trong khoảng thời gian 2016-2018 cho thấy Việt Nam thuộc vào nhóm 5% các nước có tỷ lệ thấp nhất. Đây là số liệu do ILO theo dõi, cập nhật.
Về thiếu việc làm hay khiếm dụng lao động cũng là một vấn đề tồn tại. Thiếu việc làm có thể đo bằng thời gian vật chất, tức là khi người lao động muốn và có thể làm 8 giờ/ngày nhưng chỉ đủ công việc cho 6 giờ làm việc thì đó là thiếu việc làm nhìn thấy được. Thiếu việc làm cũng có thể nếu đo bằng trình độ, kỹ năng của người lao động với yêu cầu của công việc hiện tại, trình độ cao nhưng phải làm công việc đòi hỏi kỹ năng thấp - đó là sự khiếm dụng lao động hay thiếu việc làm không nhìn thấy.
Một ví dụ về trình độ có thể thấy là người tốt nghiệp đại học nhưng chỉ làm công việc của anh giao hàng chẳng hạn, vẫn là làm đủ thời gian, thậm chí hơn 8 giờ/ngày nhưng đó vẫn là thiếu việc làm nhìn dưới góc độ kỹ năng, mà ta không nhìn thấy được nếu chỉ đếm số giờ làm việc. Dường như chúng ta mới chú ý đến khiếm dụng lao động về thời gian - mặt lượng - mà chưa chú ý đến khiếm dụng lao động về kỹ năng, trình độ hay mặt chất lượng của lao động. Ta dường như thích làm công việc dễ hơn là làm việc khó mà việc khó thường đem lại các kết quả ý nghĩa hơn. Ta mới đang làm việc dễ là đo việc khiếm dụng lao động về thời gian vật chất, không có việc làm đủ cho 8 giờ/ngày chẳng hạn thì coi là thiếu việc làm.
Việt Nam cần phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao |
Hiện nay số liệu thống kê của chúng ta đang công bố chỉ tiêu này - thiếu việc làm về thời gian vật chất. Tỷ lệ thiếu việc làm đo theo cách này không cao. Trong khi đó, chúng ta không làm việc khó hơn là đo khiếm dụng lao động thông qua sự không tương hợp giữa trình độ và kỹ năng mà người lao động có với yêu cầu năng lực mà công việc đòi hỏi. Đo theo cách này thì có thể sẽ khó hơn vì thiếu thông tin, số liệu. Nhưng đây là vấn đề lớn cần tính đến, phát huy lợi thế cơ cấu dân số vàng thì không thể không tính đến điều này.
Tiến sĩ Doãn Mậu Diệp dẫn chứng rằng hiện có nhiều sinh viên tốt nghiệp cao đẳng, đại học chạy xe ôm công nghệ. Rất nhiều lao động qua đào tạo làm trái ngành, trái nghề đào tạo, chấp nhận làm công việc đòi hỏi trình độ thấp hơn trình độ họ có trong khi nhu cầu lao động loại này ở nhiều tỉnh, nhiều vùng rất cần nhưng không tuyển được v.v., vậy liệu có phải đây là sự lãng phí trong sử dụng nhân lực, có phải là chưa toàn dụng lao động? Theo TS. Doãn Mậu Diệp, trình độ kỹ năng cao nhưng nếu phải làm công việc giản đơn sẽ không tạo ra năng suất, chất lượng, không tạo ra tiền lương tốt cho người lao động và gây thiệt hại trực tiếp cho người lao động, gián tiếp đến cả nền kinh tế.
Nhìn qua ba câu hỏi này có thể thấy ta đã và đang khai thác, phát huy lợi thế dân số vàng. Một tỷ lệ lớn dân số trong tuổi lao động có khả năng làm việc và sẵn sàng làm việc. Tỷ lệ thất nghiệp và thiếu việc làm đều ở mức thấp chứng tỏ chúng ta đang tiến tới toàn dụng lao động. Tuy nhiên, năng suất, chất lượng của việc làm không cao. Như vậy có thể thấy ta đã khai thác, ta đã phát huy, nhưng mới dừng ở mặt lượng, như là khai thác tài nguyên thô. Ta chưa làm cho nhân lực của ta tạo ra năng suất, chất lượng, hiệu quả cao, giá trị gia tăng lớn- giống như chưa chế biến tinh tài nguyên của ta vậy... TS Mậu Diệp đã thuyết phục tôi từ những suy nghĩ trên .
Việt Nam, cũng như những quốc gia khác, sau giai đoạn dân số vàng sẽ là dân số già. Đó là khi tỷ lệ người già dần tăng cao và tỷ lệ người trong tuổi lao động giảm dần. Việt Nam ta, tỷ lệ tăng dân số cũng đã và đang chậm lại. Mức sinh cũng đang giảm, có nơi còn thấp hơn cả mức sinh thay thế( là mức sinh đủ để thế hệ sau thay thế thế hệ trước). Đây là thực tế đáng lo ngại, cũng giống như Nhật, Hàn Quốc, Đài Loan và các nước bên Châu Âu đã từng trải qua...
Chính vì vậy, Quốc hội vừa sửa đổi Bộ Luật Lao động và quyết định nâng dần tuổi nghỉ hưu. Cũng phải thừa nhận, chiến lược phát triển nguồn nhân lực của Đảng vài chục năm qua rất nhất quán, từ Cương lĩnh của Đảng năm 1992 cho đến các kỳ Đại hội Đảng gần đây. Trong bối cảnh toàn cầu hóa và hội nhập quốc tế hiện nay, Đảng đã xác định một trong những yếu tố quyết định việc chúng ta có tranh thủ tận dụng thành công những thuận lợi, những cơ hội và vượt qua những thách thức, khó khăn mà quá trình đó đặt ra hay không chính là việc phát huy chất lượng nguồn nhân lực. Thế mà chất lượng nguồn nhân lực hiện nay của chúng ta còn thô mà chưa tinh, đòi hỏi phải có giải pháp cải thiện đột phá. Và đương nhiên, trong thời kỳ cách mạng công nghệ 4.0, nhiệm vụ này cần phải được tập trung quan tâm hơn bao giờ hết để đảm bảo sẽ có được những thành công bền vững.