Bạn trẻ gương mặt hiền khô làm lợi cho Viettel hàng trăm tỉ

Đó là một chàng trưởng phòng với gương mặt hiền khô, vóc dáng mảnh khảnh. Bảy năm trước, chàng là cử nhân hệ kỹ sư tài năng của ĐH Bách khoa Hà Nội vừa tốt nghiệp...
Vũ Văn Bình - gương mặt trẻ xuất sắc của Tập đoàn Viettel - Ảnh: M.L
Vũ Văn Bình - gương mặt trẻ xuất sắc của Tập đoàn Viettel - Ảnh: M.L

Là một trong 10 gương mặt trẻ toàn quân và là gương mặt trẻ tiêu biểu Việt Nam, được Thủ tướng tặng bằng khen, sở hữu nhiều sáng kiến mang lại nguồn lợi hàng triệu USD..., là những nét nổi bật của Vũ Văn Bình.

Vũ Văn Bình (30 tuổi) hiện là trưởng phòng dịch vụ cố định băng rộng Trung tâm kỹ thuật toàn cầu (Tổng công ty Mạng lưới Viettel) và là gương mặt trẻ xuất sắc của Tập đoàn Công nghiệp - viễn thông quân đội Viettel.

Thử thách đầu tiên

Anh chàng trưởng phòng với gương mặt baby, vóc dáng mảnh khảnh, khiến ai tiếp xúc cũng phải ngưỡng mộ trước bảng thành tích dài siêu khủng và những ý tưởng sáng tạo, đột phá được chứng minh qua thực tế khi làm lợi cho tập đoàn hàng trăm tỉ đồng. Chỉ riêng trong năm 2017, Bình đã có ba sáng kiến được công nhận có giá trị làm lợi hơn 90 tỉ đồng!

Bảy năm trước, anh chàng cử nhân hệ kỹ sư tài năng của ĐH Bách khoa Hà Nội vừa tốt nghiệp, thi tuyển vào Viện nghiên cứu phát triển của Viettel.

Nhưng khi trúng tuyển, Bình lại về phòng kỹ thuật của tập đoàn, sau khi nhận được lời đề nghị của trưởng phòng kỹ thuật tập đoàn về một dự án mà lần đầu tiên Viettel thực hiện: làm truyền hình với quy mô toàn quốc.

"Khi trưởng phòng kỹ thuật tập đoàn hỏi có sẵn sàng tham gia dự án đó không, mình thấy đây là thử thách rất thú vị nên nhận lời ngay luôn" - Bình cho hay. Nhóm có năm người. Bình là người nhỏ tuổi nhất, lại là sinh viên vừa ra trường. Đó là dự án thử thách đầu tiên trong sự nghiệp của Bình.

Đóng góp quan trọng nhất của Bình trong dự án đó là đề xuất không đi theo xu thế công nghệ truyền hình lúc bấy giờ là sử dụng cáp đồng trục như các nhà mạng khác mà dùng cáp quang.

Ý tưởng này đã được nhóm ủng hộ, đề xuất và bảo vệ thành công trước ban giám đốc tập đoàn. Bình cho hay: "Mình đi sau các nhà mạng khác, về thị phần gần như không có. Về kinh nghiệm ở mảng truyền hình cũng không.

Nhưng chính xuất phát điểm bằng 0 lại cho tụi mình lợi thế rất lớn là có thể lựa chọn những phương án hoàn toàn khác biệt, tận dụng những công nghệ mới mà không phụ thuộc vào hạ tầng đã đầu tư. Cho đến giờ, các nhà mạng khác gặp rất nhiều khó khăn với hạ tầng cáp đồng trục, còn cáp quang thì không".

Áp lực chính là động lực

Sở hữu rất nhiều sáng kiến xuất sắc nhưng Bình nói có hai sáng kiến anh thích nhất không phải vì giá trị làm lợi lớn (vài chục tỉ đồng dù mới triển khai mấy năm) mà vì ý nghĩa nhân văn. Đó là sáng kiến phân tán bộ chia quang của hạ tầng mạng GPON lớp 1 xuống các tủ thuê bao giúp giảm chi phí triển khai mạng cáp quang.

"Khi triển khai dịch vụ cáp quang ở thành phố, chi phí cáp quang lớn vẫn chấp nhận được vì lượng khách rất nhiều và khoảng cách giữa các nhà dân nhỏ. Nhưng khi triển khai ở vùng nông thôn hoặc miền núi, do khoảng cách giữa các nhà lớn nên đơn giá cho một nhà rất cao và người dân khó có khả năng chi trả.

Nếu mình không nghĩ cách tiết kiệm được phần chi phí đó thì không giảm được giá dịch vụ và người dân vùng khó khăn sẽ không được sử dụng dịch vụ Internet. Điều đó thôi thúc nhóm mình tìm cách tiết kiệm phần chi phí cáp quang này (vốn chiếm 50% tổng chi phí) để triển khai được dịch vụ đó" - Bình nói.

Sau khi tìm hiểu, Bình đã đề xuất thiết kế theo mức sợi thay vì tuyến cáp. Ý tưởng này đã giúp tổng số cáp quang giảm xuống, tiết kiệm 15-20% số cáp. Giải pháp này giúp giảm chi phí đầu tư mạng cáp GPON năm 2017 gần 3,3 triệu USD, đưa mạng lưới đến các vùng sâu vùng xa và những người dân ở đó là người được hưởng lợi đầu tiên.

Dự án này bắt đầu triển khai từ năm 2016 đến những vùng miền núi, nông thôn và áp dụng rộng rãi từ năm 2017.

Sáng kiến thứ hai mà Bình tâm đắc, chỉ riêng trong năm 2018 đã mang lại nguồn lợi tiết kiệm khoảng 3 triệu USD. Với Bình, nó ý nghĩa vì góp phần bảo vệ đôi mắt cho người lao động.

"Bình thường các hộp tủ thuê bao có các đầu nối xoay góc nằm ngang, sợi cáp cũng xoay ngang và thường bị gãy hay hở nên chất lượng không tốt. Nhân công khi làm khó thao tác, phải cố gắng nhìn vào cho thẳng hướng và tín hiệu quang trong sợi làm mắt bị kém đi.

Nhóm mình tìm hiểu và điều chỉnh lại hoàn toàn thiết kế của hộp tủ thuê bao, xoay 135 độ. Người công nhân thao tác lắp đặt thuận lợi hơn, tránh gập gãy sợi quang, tín hiệu quang không soi vào mắt nữa" - Bình mỉm cười cho hay.

Anh chàng kỹ sư tài năng này còn chủ trì nghiên cứu và tự thiết kế hệ thống lõi cung cấp dịch vụ truyền hình (hệ thống Headend). Đây là hệ thống đầu tiên được triển khai tại Viettel, giúp tiết kiệm toàn bộ chi phí thuê tư vấn thiết kế của đối tác nước ngoài, dự kiến lên tới hàng trăm nghìn USD.

Vũ Văn Bình được bổ nhiệm làm phó trưởng phòng dịch vụ cố định băng rộng chỉ sau bốn năm là chuyên viên. Và chỉ một năm sau, anh đảm nhiệm vị trí trưởng phòng. Khi đó anh là trưởng phòng trẻ nhất tổng công ty.

Chìa khóa tiếp cận tri thức

Bình đã khơi dậy nguồn cảm hứng và động lực cho các cộng sự học ngoại ngữ vì cho rằng đây là chìa khóa tiếp cận tri thức. Lúc đầu phòng chỉ có ba trên tổng số 16 thành viên Toeic đạt 650, đến giờ đã có 13 người Toeic trên 650. Nói về những cộng sự trẻ của mình, anh chàng hào hứng bảo: "Tinh thần làm việc của mọi người rất tuyệt vời. Khi được giao làm một dự án, mọi người hỗ trợ nhau rất trong sáng, vô tư,

quyết tâm rất cao để hoàn thành mục tiêu chung, sẵn sàng làm hơn 100% sức của mình và luôn tìm cách hoàn thành những mục tiêu cao đó".

Bình kể có những thời điểm mang tính chất rất quyết định, anh và nhóm ở lại cơ quan cùng nhau làm đến 20-21h là chuyện bình thường. Như dự án đầu tiên, Bình "cày" 12 tiếng một ngày, có lúc phải làm xuyên đêm suốt hai tuần.

Theo Tuổi Trẻ

https://tuoitre.vn/ban-tre-guong-mat-hien-kho-lam-loi-cho-viettel-hang-tram-ti-20191030211128456.htm