Bán đảo Triều Tiên ngày càng nóng: Mỹ, Nhật, Hàn dồn dập tập trận

VietTimes -- Mỹ đưa ra nhiều tuyên bố cứng rắn khẳng định có thể lựa chọn phương án quân sự, đồng thời đẩy mạnh tập trận chung với các đồng minh Đông Bắc Á, tình hình căng thẳng bán đảo Triều Tiên tiếp tục leo thang.
Tổng thống Mỹ Donald Trump. Ảnh: The Independent.
Tổng thống Mỹ Donald Trump. Ảnh: The Independent.

Mỹ tiếp tục gia tăng sức ép quân sự lên Triều Tiên

Gần đây, phía Mỹ từ Tổng thống đến Bộ trưởng Quốc phòng, tướng lĩnh đã đưa ra nhiều tuyên bố cứng rắn với Triều Tiên, ám chỉ về khả năng triển khai hành động quân sự đối với Triều Tiên.

Nhà Trắng cho biết các phương án lựa chọn ứng phó Triều Tiên đã được thảo luận giữa Tổng thống Mỹ Donald Trump với đội ngũ an ninh quốc gia. Nếu cần thiết, Mỹ sẽ triển khai hành động ngăn chặn mối đe dọa vũ khí hạt nhân của Triều Tiên đối với Mỹ và các đồng minh.

Tổng thống Mỹ Donald Trump tuyên bố: “Chúng ta đã đi trên con đường sai lầm trong 25 năm qua… Hiện nay, chúng ta đang đi trên con đường đúng đắn. Hãy tin tôi”. Trước đó, ông Donald Trump từng đe dọa “hủy diệt hoàn toàn” Triều Tiên trong trường hợp cần thiết nhằm bảo vệ Mỹ và đồng minh.

Theo học giả Hàn Quốc, hành động ngăn chặn Triều Tiên được nội bộ Mỹ thảo luận lần này chắc chắn là phương án triển khai hành động “đánh đòn phủ đầu” nhằm vào nguy cơ Triều Tiên phát động tấn công hạt nhân.

Tại hội nghị thường niên của Lục quân Mỹ ngày 10/10, Tham mưu trưởng Lục quân Mỹ, Thượng tướng Mark Milley tuyên bố, nhiệm vụ quan trọng hàng đầu hiện nay của Lục quân Mỹ chính là nâng cao trình độ sẵn sàng chiến đấu, hiện là “bước chuyển ngoặt lịch sử”.

Tướng Mark Milley cho biết có một việc mà quân đội Mỹ có thể làm đó là phải chuẩn bị tốt để cung cấp phương án quân sự cần thiết cho Tổng thống.

Đến ngày 18/10, các quan chức ngoại giao cấp cao của Mỹ, Nhật Bản và Hàn Quốc sẽ gặp gỡ ở thủ đô Seoul, Hàn Quốc, thảo luận mối đe dọa hạt nhân và tên lửa của Triều Tiên.

Máy bay ném bom chiến lược B-1B Mỹ. Ảnh: VOA.
Máy bay ném bom chiến lược B-1B Mỹ. Ảnh: VOA.

Trong khi đó, trên thực địa, Mỹ cùng các đồng minh tăng cường phô diễn sức mạnh quân sự. Các máy bay ném bom chiến lược và máy bay chiến đấu của liên minh Mỹ - Nhật - Hàn đã tiến hành tập trận bắn đạn thật trên biển Nhật Bản và biển Hoàng Hải.

Trong cuộc diễn tập đêm ngày 10/10, 2 máy bay ném bom chiến lược B-1B đã tiến hành bắn tên lửa không đối đất; 2 máy bay chiến đấu F-15K của Hàn Quốc bay trên biển Nhật Bản, sau đó bay đến cực nam của bán đảo Triều Tiên.

Theo Bộ tham mưu liên hợp Hàn Quốc, các máy bay ném bom Mỹ và máy bay chiến đấu Hàn Quốc sau đó đã tiến hành một cuộc diễn tập khác ở biển Hoàng Hải. Cuộc diễn tập này là một phần của hoạt động huấn luyện thường lệ, mục đích là để nâng cao khả năng “răn đe mở rộng” đối với Triều Tiên. Liên quân Mỹ - Hàn cũng thông qua cuộc diễn tập này để thể hiện quyết tâm đáp trả mối đe dọa hạt nhân và tên lửa của Triều Tiên.

Chuyên gia phân tích an ninh khu vực cho rằng hoạt động hộ tống của máy bay chiến đấu Hàn Quốc gây chú ý cho dư luận, bởi vì điều này cần được sự đồng ý của Hàn Quốc, vì vậy đây không phải là hành động đơn phương của Mỹ.

Đồng thời, Bộ Tư lệnh Thái Bình Dương Mỹ cho biết tàu ngầm tấn công hạt nhân USS Tucson của Hải quân Mỹ được triển khai ở căn cứ hải quân Jinhae, Hàn Quốc.

Ngoài ra, được biết, cụm tấn công tàu sân bay USS Ronald Reagan Hải quân Mỹ đang trên đường tiến về vùng biển lân cận bán đảo Triều Tiên, sẽ tham gia cuộc tập trận chung Mỹ - Hàn thời gian tới.

Điều đáng chú ý là ngày 10/11, nghị sĩ Đảng Dân chủ Hàn Quốc, ông Lee Cheol-hee tiết lộ, tháng 9/2016, tin tặc Triều Tiên đã xâm nhập một trung tâm dữ liệu quốc phòng đánh cắp 235 GB dữ liệu, trong đó có Kế hoạch tác chiến 5015 (Operational Plan 5015) – phương án sẵn sàng chiến đấu với Triều Tiên mới nhất.

Thượng tướng Mark Milley, Tham mưu trưởng Lục quân Mỹ. Ảnh: VOA.
Thượng tướng Mark Milley, Tham mưu trưởng Lục quân Mỹ. Ảnh: VOA.

Được biết, kế hoạch này bao gồm các bước hành động cụ thể khi tiến hành chiến dịch tấn công vào lãnh đạo cấp cao Triều Tiên. Ý tưởng này đã kích động nhà lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong-un.

Thời điểm Triều Tiên sử dụng vũ khí hạt nhân

Hãng tin Reuters Anh dẫn lời nghị sĩ Duma quốc gia Nga Anton Morozov tiết lộ, Triều Tiên đang có kế hoạch tiến hành phóng thử tên lửa tầm xa, tầm bắn có thể vươn tới bờ biển phía tây nước Mỹ.

Trong khi đó, tờ Nezavisimaya Gazeta Nga ngày 11/10 cho rằng việc Mỹ tăng cường gây sức ép lên Triều Tiên đã làm gia tăng khả năng nổ ra chiến tranh ở bán đảo Triều Tiên.

Chuyên gia cho rằng rủi ro nổ ra xung đột quân sự đang gia tăng, nhưng trong giai đoạn đầu của cuộc chiến tranh, hai bên sẽ không sử dụng vũ khí hạt nhân.

Theo chuyên gia Nga Vladimir Evseev, nếu quyết định tấn công Triều Tiên, Mỹ sẽ không tiến hành tham vấn với đồng minh, chỉ đơn giản thông báo cho các nhà lãnh đạo Nhật Bản và Hàn Quốc trước khi hành động.

Các cuộc tấn công quân sự của Mỹ sẽ phá hủy hệ thống vũ khí hạt nhân của Triều Tiên, bao gồm hệ thống chỉ huy quân sự và căn cứ tên lửa. Hành động quân sự của Mỹ sẽ tiến hành dưới sự yểm trợ của lực lượng đường không chiến lược, các tàu chiến mặt nước và tàu ngầm. Đó là hành động tấn công phi hạt nhân.

Mỹ sẽ phóng vài nghìn quả tên lửa hành trình Tomahawk để đạt hiệu quả dự kiến.

Để đáp trả, Triều Tiên sẽ pháo kích Seoul, Hàn Quốc, thậm chí sử dụng tên lửa tấn công Guam. Nếu tên lửa đạn đạo tầm xa Hwasong-14 đã hoàn thành nghiên cứu phát triển thì Bình Nhưỡng mới cân nhắc sử dụng vũ khí hạt nhân.

Vũ khí hạt nhân không chỉ được lắp vào tên lửa, mà còn có thể được trang bị cho máy bay ném bom. Hàn Quốc sẽ trở thành quốc gia chịu thiệt hại lớn nhất trong cuộc chiến tranh này.

Mỹ có khả năng không thể kiểm soát được diễn biến của cuộc chiến. Chính quyền Tổng thống Mỹ Donald Trump cân nhắc 4 - 5 kịch bản giải quyết vấn đề Triều Tiên, nhưng đều không thể hoàn toàn tiêu diệt họ.

Tên lửa đạn đạo tầm xa Hwasong-14 Triều Tiên. Ảnh: Reuters.
Tên lửa đạn đạo tầm xa Hwasong-14 Triều Tiên. Ảnh: Reuters.

Một phương án trong số đó là sử dụng máy bay không người lái hoặc máy bay chiến đấu trực tiếp tấn công đầu não ở Bình Nhưỡng (ý là nhà lãnh đạo cao nhất của Triều Tiên), nhưng phương thức tấn công này rất khó có hiệu quả, bởi vì dư luận xác nhận rằng ông Kim Jong-un có tới hơn 30 chỗ ở và được che chắn bởi boong-ke.

Theo báo Nga, tất cả các phương án quân sự đều dẫn đến thảm họa. Theo tính toán của Lầu Năm Góc, mỗi ngày sẽ có 100.000 dân thường Hàn Quốc bị thiệt mạng. Cuộc chiến tranh này có thể kéo dài khoảng 1 tháng.

Nga, Trung kêu gọi các bên kiềm chế

Trước những “ám chỉ” áp dụng hành động quân sự đối với Triều Tiên của phía Mỹ, Nga và Trung Quốc mấy ngày vừa qua đã liên tiếp lên tiếng. Ngày 9/10, Điện Kremlin Nga đã kêu gọi các bên giữ kiềm chế, tránh có các hành động chỉ làm cho tình hình trở nên xấu đi.

Cùng ngày, tại Bắc Kinh, Bộ Ngoại giao Trung Quốc cũng kêu gọi các bên kiềm chế, tuân thủ các nghị quyết của Hội đồng bảo an Liên hợp quốc, không có các lời nói và hành động kích động lẫn nhau và làm trầm trọng thêm mâu thuẫn, cần thận trọng hành động, làm dịu tình hình.

Ngày 9/10, Ngoại trưởng Nga Sergei Lavrov cảnh báo, tình hình căng thẳng bán đảo Triều Tiên leo thang là điều không thể chấp nhận. Việc Mỹ chuẩn bị quân sự sẽ làm cho tình hình căng thẳng leo thang. Nga kêu gọi giải quyết mâu thuẫn bằng biện pháp ngoại giao.

Đến ngày 11/10, Vụ trưởng Vụ Bắc Mỹ Bộ Ngoại giao Nga Borisenko cho rằng việc Mỹ điều cụm tấn công tàu sân bay USS Ronald Reagan đến vùng biển bán đảo Triều Tiên sẽ làm tăng thêm sự thù địch giữa các bên. Tình hình bán đảo Triều Tiên hiện nay rất nguy hiểm, Nga lo ngại sâu sắc và đã nhiều lần kêu gọi Mỹ giải quyết vấn đề bán đảo Triều Tiên bằng biện pháp chính trị, ngoại giao.

Cụm tấn công tàu sân bay USS Ronald Reagan Hải quân Mỹ rời Hồng Kông đến vùng biển bán đảo Triều Tiên. Ảnh: South China Morning.
Cụm tấn công tàu sân bay USS Ronald Reagan Hải quân Mỹ rời Hồng Kông đến vùng biển bán đảo Triều Tiên. Ảnh: South China Morning.

Theo ông Borisenko, Nga và Mỹ có thể đạt được đồng thuận trên cơ sở cùng có lợi vào bất cứ lúc nào để tránh vấn đề bán đảo Triều Tiên xuất hiện hậu quả mang tính thảm họa. Đồng thời Nga sẽ tiếp tục triển khai trao đổi với phía Mỹ về vấn đề này, tìm kiếm phương án giải quyết mà các bên có thể chấp nhận được.

Trong khi đó, cựu Tổng thống Mỹ Jimmy Carter gần đây đã bày tỏ mong muốn làm sứ giả giữa Mỹ và Triều Tiên, phát huy vai trò “mang tính xây dựng” đối với hòa bình bán đảo Triều Tiên.

Nếu đến thăm Triều Tiên, ông Jimmy Carter mong muốn thảo luận với nhà lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong-un về hiệp định hòa bình Mỹ - Triều và cách thức tiến hành phi hạt nhân hóa Triều Tiên.

Trong dịp kỷ niệm tròn 72 năm thành lập Đảng Lao động Triều Tiên (10/10), Triều Tiên vẫn không có hành động “khiêu khích” mới. Chuyên gia cho rằng Triều Tiên rất có khả năng vẫn chưa làm tốt chuẩn bị kỹ thuật cho các hành động “khiêu khích” cường độ cao, cũng có thể Triều Tiên lo ngại Mỹ sử dụng vũ lực, tạm thời im lặng để “tránh bão”.