Theo thông tin trên nhiều tờ báo, NHNN vừa có phương án trình Thủ tướng về nguyên tắc trong trường hợp tái cơ cấu nợ của Công ty cổ phần Tập đoàn Hoàng Anh Gia Lai (HAG).
Hai điểm đáng lưu ý trong văn bản này là việc xin giữ nguyên nhóm nợ đối với các khoản nợ quan trọng của HAG và xem xét việc tái cấp vốn của NHNN đối với các ngân hàng thương mại để hỗ trợ những khoản nợ trên.
Sẽ có ba trường hợp có thể xảy ra:
Trường hợp thứ nhất, nếu Chính phủ đồng 2 điểm trên, hẳn HAG sẽ tạm thời được “giải cứu”, các nhóm nợ sẽ được giữ nguyên, NHNN và các NHTM, HAG sẽ ngồi lại và đưa ra lộ trình rõ ràng để cơ cấu các khoản vay của HAG, thời gian và phương thức trả lãi có thể linh hoạt để “dễ thở” hơn cho doanh nghiệp.
Có thể thấy, nếu xảy ra trường hợp này, NHNN, NHTM và bản thân HAG đều vui.
NHNN sẽ tránh được một khoản kha khá nợ xấu “ném” vào hệ thống, NHTM cũng sẽ tránh được việc phải trích lập thêm dự phòng với các khoản nợ nói trên (nếu chuyển nhóm nợ, số tiền trích lập dự phòng của NHTM sẽ tăng).
Và trường hợp được tái cấp vốn đối với các khoản nợ của HAG, NHTM cũng sẽ “không buồn” với lãi suất tái cấp vốn mà NHNN đưa ra. Đồng thời, khả năng “tiếp tục hoạt động” của HAG là rất sáng và khi đó HAG mới có thể tính đến chuyện tiếp tục thực hiện các nghĩa vụ trả nợ của mình đối với các NHTM.
Tất nhiên, người vui nhất trong trường hợp này có lẽ là HAG bởi khi đó xếp hạng tín nhiệm của DN được giữ nguyên, HAG sẽ tiếp tục được vay vốn để triển khai hoạt động sản xuất kinh doanh của mình, đồng thời sẽ tránh được một khoản lãi phạt khi không bị chuyển nhóm nợ. HAG sẽ có thời gian và nguồn lực để giải quyết các vấn đề nội tại của mình.
Trường hợp thứ hai, Chính phủ bác hết các đề xuất của NHNN.
Khi đó, ngoài nỗ lực của chính mình, HAG chỉ còn biết cầu viện vào sự hỗ trợ, đồng thuận và tình thương của các chủ nợ.
Thực tế là hình thức và bản chất các khoản nợ của HAG tại các chủ nợ không hẳn đã giống nhau.
Có những ngân hàng phần nào “nắm đằng chuôi” khi vẫn giữ trong tay những tài sản đảm bảo đủ tốt. Họ sẵn sàng xử lý tài sản đảm bảo để dứt điểm thu hồi vốn, thay vì việc phải tiếp tục đồng hành cùng doanh nghiệp.
Nhưng bên cạnh đó, lại có những NH “sa lầy” trong chính khối tài sản đảm bảo mà họ nhận về. Dễ nhận diện nhất là tài sản đảm bảo dưới dạng các cổ phiếu của HAG, HNG và các công ty khác của “bầu” Đức.
Thời gian qua, khi một số nhà băng khi tiến hành bán giải chấp cổ phiếu của nhóm công ty HAGL, ngay lập tức thị trường phản ứng tiêu cực. Thị giá cổ phiếu liên tục sụt giảm khiến giá trị tài sản đảm bảo tại các nhà băng khác bị hao hụt, và hàng loạt những hệ lụy kéo theo mà VietTimes đã từng đề cập trong một bài viết. Chưa kể đến việc khó khăn trong thanh khoản ở nhiều hạng mục tài sản đảm bảo là cổ phiếu của các công ty có liên quan khác, khiến các chủ nợ khóc dở mếu dở.
Trường hợp này, nếu diễn ra, trước hết sẽ là bi kịch thực sự với HAGL, khi mà câu hỏi về khả năng hoạt động liên tục của DN này đã được đơn vị kiểm toán nhấn mạnh trong báo cáo tài chính gần đây.
Đó cũng không chỉ là kịch bản không mong muốn của 11 ngân hàng chủ nợ hiện tại của HAGL. An toàn hệ thống tất nhiên là một biến số quan trọng mà NHNN đã tính đến khi tham gia dàn xếp câu chuyện nợ nần này. Được biết, nợ ngân hàng của HAG hiện khoảng 30 nghìn tỷ đồng.
Cuối cùng, trong kịch bản này, phương án biến nợ thành vốn chủ sở hữu sẽ là một hướng nên được cân nhắc.
Trường hợp thứ 3, chấp thuận một nửa, có nghĩa là chỉ đồng ý đề xuất giữ nguyên nhóm nợ mà không đồng ý phương án tái cấp vốn. Theo quan điểm của người viết, lựa chọn này tỏ ra khả dĩ hơn.
Song cũng cần phải nói rằng, câu chuyện tái cơ cấu nợ cho HAGL, với cả 3 kịch bản, đều đang đặt Chính phủ vào một bài toán khó.
Với hai trường hợp đầu và cuối, nó tiềm ẩn nguy cơ về một một tiền lệ không hay trong công tác quản lý kinh tế. Thậm chí, nếu “vế” tái cấp vốn được chấp thuận, không loại trừ việc sẽ nảy sinh một số “dị nghị” liên quan đến hoạt động sử dụng vốn ngân sách. Còn trường hợp còn lại - không "cứu" - khi đó, không chỉ riêng HAG lâm nguy...
Một thực tế đáng ngại, rằng HAG vẫn chưa phải là con nợ lớn nhất trong hệ thống tín dụng. Cùng với đó, cũng chưa có gì chứng minh HAG là DN khó khăn nhất và duy nhất hiện nay.
Nói thế để thấy, việc giải bài toán HAG trong thời điểm này là không hề đơn giản. Ai cũng hiểu sự cần thiết của việc tái cơ cấu nợ, hay nói một cách thẳng thắn hơn là “cứu” HAGL.
Nhưng mặt khác, trong quyết tâm tái cơ cấu, lành mạnh hóa đến nơi đến chốn hệ thống hệ thống các tổ chức tín dụng, Chính phủ , NHNN cũng phải đảm bảo và tôn trọng các nguyên tắc, chuẩn mực, đồng thời tạo sân chơi bình đẳng, công bằng cho các thành viên thị trường.
Hoàng Nguyên – Ninh Giang
Bình luận của bạn đọc
Bình luận bằng tài khoản VietTimes
Bình luận bằng tài khoản mạng xã hội
Xin vui lòng gõ tiếng Việt có dấu