Kiểm toán Báo cáo tài chính hợp nhất năm 2015 của CTCP Hoàng Anh Gia Lai (HSX: HAG), Công ty TNHH Ernst & Young Việt Nam – đơn vị soát xét báo cáo - nhấn mạnh đến các Thuyết minh số 2.1 và 26.
Vào ngày 31/12/2015, tập đoàn đã trình bày các khoản vay và trái phiếu phải trả trị giá 27.099 tỷ đồng, trong đó 8.297 tỷ đồng sẽ đến hạn thanh toán trong năm 2016. Ngoài ra cũng tại thời điểm này, tập đoàn đã vi phạm một số điều khoản của các khoản vay trái phiếu.
“Những vấn đề này cho thấy có sự tồn tại của yếu tố không chắc chắn trọng yếu có thể dẫn đến nghi ngờ đáng kể về khả năng hoạt động liên tục của Tập đoàn”, kiểm toán nhấn mạnh.
Trước đó, Báo cáo tài chính hợp nhất năm 2015 của HAG được lập với giả định rằng tập đoàn sẽ tiếp tục hoạt động trên cơ sở hoạt động kinh doanh liên tục.
Kiểm toán cho biết, tại ngày lập báo cáo này, HAG vẫn đang trong quá trình đàm phán với các chủ nợ và xin phê duyệt từ các cơ quan có thẩm quyền để tái cơ cấu các khoản vay và trái phiếu nói trên.
Ngoài ra, kiểm toán cũng lưu ý, thời điểm cuối năm 2015, HAG có các khoản cho các bên liên quan vay ngắn hạn và dài hạn với trị giá lần lượt là 821 tỷ đồng và 5.5050 tỷ đồng chưa được ĐHĐCĐ phê duyệt theo yêu cầu của Thông tư 121/2012/TT-BTC do Bộ Tài chính ban hành ngày 26 tháng 7 năm 2012.
“Ngân hàng” Hoàng Anh Gia Lai?
Theo tìm hiểu của VietTimes, con nợ “bên liên quan” lớn nhất của HAG là Công ty Cổ phần Đầu tư Bất động sản An Phú (An Phú).
Tính đến ngày 31/12/2015, HAG đang cho An Phú vay tới 4.332 tỷ đồng, bao gồm, 2.860 tỷ đồng ngắn hạn và 1.472 tỷ đồng dài hạn.
Thông tin thuyết minh cho biết, mục đích của khoản vay này là để hỗ trợ tài chính cho An Phú trong việc mua lại các công ty con và các dự án bất động sản của Tập đoàn theo kế hoạch tái cấu trúc của Tập đoàn. Hay có nghĩa, HAG đang cho “đối tác” là An Phú vay để mua lại chính những dự án và công ty con của mình.
Đáng nói hơn, theo hợp đồng thỏa thuận số 1510/2013/HĐCC/HAGL-AP ngày 15/10/2013 ký giữa HAG và An Phú, tài sản đảm bảo cho khoản vay của An Phú tại HAG là toàn bộ tài sản cổ phần, vốn góp, cổ tức, lợi ích và các tài sản khác tại HAG của ông Đoàn Nguyên Đức, Chủ tịch HĐQT Tập đoàn. Cùng với đó, cổ phần và vốn góp của An Phú trong các công ty con của An Phú cũng sẽ được sử dụng để đảm bảo cho các khoản vay này và HAG có quyền thu tiền từ khoản thanh lý tài sản và các dự án của An Phú.
Tuy nhiên, không phải khoản vay nào cũng có tài sản đảm bảo. Tính đến cuối năm 2015, HAG còn đang cho An Phú vay tín chấp tới 1.750 tỷ đồng, chia làm 4 hợp đồng tín dụng, trong đó, có 2 hợp đồng với tổng dư nợ là 800 tỷ đồng, không tính lãi.
Theo thông tin từ cơ quan thuế, giám đốc kiêm người đại diện trước pháp luật của An Phú là ông Nguyễn Văn Tốn. Song cũng nên biết rằng, bà Đoàn Thị Nguyên Thảo, em gái ruột của Chủ tịch HAG Đoàn Nguyên Đức hiện đang là người đại diện pháp luật tại Văn phòng Công ty cổ phần đầu tư bất động sản An Phú có trụ sở tại Tp HCM.
Và không chỉ riêng An Phú, BCTC còn chỉ ra hàng loạt hoạt động “tín dụng nội bộ” khác trong lòng Hoàng Anh Gia Lai, với doanh số không thua kém gì các tổ chức tín dụng cỡ nhỏ.
Có thể kể đến như: 404 tỷ đồng cho các nhân viên tập đoàn vay với thời hạn hoàn trả từ 3 đến 36 tháng tính từ ngày giải ngân, có lãi suất theo lãi suất thị trường và được rà soát, điều chỉnh sáu tháng một lần.
728 tỷ đồng cho vay hai thành viên HĐQT Tập đoàn là ông Đoàn Nguyên Đức và ông Phan Thanh Thủ. Trong đó, khoản vay của ông Đức là 720 tỷ đồng (bao gồm cả lãi cho vay và chi phí trả hộ hợp đồng ủy thác) có thời gian hoàn trả trong vòng 3 năm và có lãi suất là 10%/năm; Còn khoản vay của ông Thủ có thời gian hoàn trả trong vòng 1 năm và không tính lãi suất.
5.199 tỷ đồng cho vay các bên liên quan khác, các bên khác có thời gian hoàn trả từ tháng 1/2016 đến tháng 7/2020, với lãi suất trung bình từ 10% - 15,1%/năm.
BCTC của Hoàng Anh Gia Lai không thuyết minh, nên chưa rõ các cá nhân, tổ chức được HAGL cho vay vốn sẽ sử dụng các nguồn tài chính này vào mục đích gì nhưng có một chi tiết đáng lưu ý là tất cả các khoản cho vay đều được áp dụng theo phương thức TÍN CHẤP, có nghĩa tài sản đảm bảo duy nhất của chúng chỉ là NIỀM TIN.
Được biết, nhờ tích cực triển khai các hoạt động "cấp tín dụng", trong năm 2015, HAG đã thu về tới 774 tỷ đồng lãi tiền cho vay.
Một nội dung khác cũng rất cần được làm rõ trong câu chuyện tài chính vừa đề cập của Hoàng Anh Gia Lai là tập đoàn này đã lấy đâu ra cả chục nghìn tỷ đồng (Phải thu về cho vay của HAGL tại ngày 31/12/2015 là 9.762 tỷ đồng – ngang dư nợ cho vay khách hàng của không ít tổ chức tín dụng) để cho vay lãnh đạo, nhân viên và các bên liên quan khác? Nguồn gốc và điểm đến thực sự của lượng tư bản này là gì? Hoạt động cho vay của HAG có hợp pháp, hợp lệ và liệu tập đoàn này có chức năng cho vay để lấy lãi như một ngân hàng?...
Nên nhớ, đến thời điểm này, Hoàng Anh Gia Lai đã không thể đảm bảo khả năng chi trả đúng hạn cho những khoản nợ của chính họ.
Giải trình về vấn đề cần nhấn mạnh của công ty kiểm toán trong Báo cáo kiểm toán độc lập, Tập đoàn Hoàng Anh Gia Lai (HAGL) cho biết, diễn biến và kết quả của nghiệp vụ tái cơ cấu nợ đang ở giai đoạn HAGL làm việc với các chủ nợ và xin phê duyệt từ cơ quan Nhà nước có thẩm quyền.
Do yêu cầu bảo mật của các chủ nợ cũng như của cơ quan Nhà nước, Hoàng Anh Gia Lai không được phép công bố các thông tin chi tiết về diễn biến và nội dung tái cơ cấu nợ trước khi nghiệp vụ hoàn thành. Tập đoàn cho biết sẽ công bổ thông tin chi tiết ngay khi được phép.
Đối với nghiệp vụ cho vay đối với các bên liên quan, các nghiệp vụ này thực hiện trên cơ sở phục vụ cho hoạt động sản xuất kinh doanh của Hoàng Anh Gia Lai và đảm bảo hài hòa lợi ích với các nghiệp vụ mà ông Đoàn Nguyên Đức dùng tài sản cá nhân (bao gồm cổ phiếu HAG và HNG) để bảo lãnh cho các nghiệp vụ vay vốn.
Ninh Giang – Quốc Dũng