Tuy nhiên, theo nhiều chuyên gia, kinh tế Việt Nam sẽ không thể nào bật lại ngay lập tức trong sáu tháng trước mắt.
Triển vọng GDP của cả năm 2021 có thể tăng trưởng khoảng 2.1% nhưng có thể kỳ vọng tăng trưởng khoảng 5-6% trong năm sau.
Theo chuyên gia kinh tế Nguyễn Xuân Thành, Đại học Fulbright Việt Nam, với điều kiện nền kinh tế được mở lại ngay từ đầu tháng 10, quý IV năm nay có thể tăng trưởng trở lại 3,5% - 4%, góp phần giúp GDP cả năm từ 2-2.1%. Phần lớn các chuyên gia kinh tế khác đều dự báo con số thấp hơn 3%.
Mức dự báo này thấp hơn con số dự báo khoảng 3-3.5% do Bộ Tài chính Việt Nam và Ngân hàng Phát triển Châu Á (ADB) đưa ra và càng cách rất xa mức dự báo đầu năm 6,5% của các tổ chức quốc tế.
“Các gói hỗ trợ có triển khai cũng đã quá muộn để có tác dụng trong năm 2021. Do vậy, kinh tế quý IV có phục hồi thì chỉ còn nhờ vào lộ trình mở cửa từng bước”, ông Nguyễn Xuân Thành phân tích.
Những người dân sống ở "vùng xanh" tại TP.HCM hồi tháng 9/2021 |
Vì sao kinh tế giảm sâu?
Cuối tháng 9/2021, Tổng cục Thống kê công bố GDP quý III âm 6,17%, mức thấp kỷ lục kể từ khi Việt Nam công bố GDP theo quý. Dù đã được chuẩn bị tinh thần về việc nền kinh tế chịu thiệt hại nặng nề do làn sóng dịch Covid-19 tàn phá các tỉnh thành phía Nam, nhưng con số này vẫn gây sốc với nhiều người.
Nhưng theo chuyên gia Nguyễn Xuân Thành, người sống ngay tâm dịch TP.HCM suốt 3 tháng qua, con số này thực chất đã phản ánh đúng tác động đợt của dịch vừa rồi, khi các biện pháp giãn cách xã hội đã được áp dụng ở cấp độ mạnh nhất, đặc biệt là đối với trung tâm kinh tế ở Đông Nam Bộ, điển hình như TP.HCM và Bình Dương và Đồng Nai.
Lý giải nguyên nhân nền kinh tế bị âm sâu như vậy, ông Thành chỉ ra nguyên nhân là sự suy giảm của toàn bộ các hoạt động kinh tế, trừ duy nhất ngành nông nghiệp có tăng trưởng dương 2,8%.
Đặc biệt, hai nhóm ngành đóng góp chủ lực cho nền kinh tế Việt Nam là công nghiệp chế biến chế tạo và thương mại bị suy giảm mạnh do tác động của các đợt giãn cách quyết liệt.
Nếu như nửa đầu năm, mặc dù dịch vụ, bán lẻ bị ảnh hưởng mạnh, nhưng ít nhất còn có hoạt động giao dịch trực tuyến, thương mại điện tử bù lại.
Hệ thống giao nhận hàng hoá tại TP.HCM đã phải ngừng trệ nhiều tháng |
Đến khi buộc phải kiểm soát dịch chặt hơn, giao hàng của shipper liên quận hay trong những quận “vùng đỏ” tại TP.HCM và Hà Nội không thể thực hiện được, thì doanh số bán lẻ đã thực sự suy sụp.
Đến quý 3, hoạt động bán buôn bán lẻ giảm đến 19,9% so với cùng kỳ trong khi ngành thương mại dịch vụ đóng góp tới 12% GDP.
Trong khi đó, các tỉnh Đông Nam Bộ, vốn là các trung tâm công nghiệp chế biến chế tạo lớn nhất cả nước, tập trung nhiều khu công nghiệp nhất lại cũng là tâm dịch lớn nhất.
Hầu hết các doanh nghiệp buộc phải tạm đóng cửa gần như ba tháng, trừ một số ít doanh nghiệp đáp ứng được yêu cầu “3 tại chỗ”, hoặc “một cung đường, hai điểm đến”.
Hệ luỵ là, chỉ số sử dụng lao động các doanh nghiệp công nghiệp của TP. HCM giảm đến 63,3%, Bình Dương giảm 24,8%. Nhờ một số địa phương kiểm soát được dịch, các doanh nghiệp có thể tổ chức sản xuất như Hải Phòng, Vĩnh Phúc, Bắc Ninh, Thái Nguyên nên công nghiệp chế biến, chế tạo chỉ giảm 3,2%.
Một lĩnh vực khác cũng rất quan trọng nhưng giảm mạnh đó là hoạt động xây dựng, giảm 11,4%. Sự suy giảm mạnh này do ba yếu tố: một là các công trình xây dựng phải tạm ngưng triển khai trong suốt ba tháng giãn cách.
Thứ hai, ngay từ đầu năm, dưới tác động của Covid-19, các doanh nghiệp vẫn chưa đủ tự tin để mở rộng đầu tư lại; hay như nhiều dự án bất động sản cũng chưa được phê duyệt triển khai, nên hoạt động xây dựng cũng chững lại.
Một chốt chặn kiểm soát người dân ra đường hồi cuối tháng 7/2021 tại TP. Thủ Đức, TP.HCM |
Đặc biệt, ông Nguyễn Xuân Thành lưu ý đầu tư công, vốn là điểm sáng và là động lực tăng trưởng của năm 2020 với mức tăng trưởng 35% thì năm nay giảm mạnh do bị ảnh hưởng bởi các hoạt động bầu cử, sắp xếp nhân sự địa phương trong 6 tháng đầu năm và ngưng các công trình xây dựng khi giãn cách xã hội.
Bởi vậy, nếu trong 3 tháng cuối năm, các địa phương quyết liệt giải ngân đầu tư công sẽ giúp kinh tế từng địa phương và cả nước khởi sắc trở lại.
Động lực nào để kinh tế Việt Nam phục hồi?
Theo chuyên gia Nguyễn Xuân Thành, xuất khẩu cho đến nay đang và sẽ là động lực giúp kinh tế Việt Nam tăng trưởng.
Xuất khẩu đã ước tăng 18,8% trong 9 tháng đầu năm nay tuy các ngành thâm dụng lao động như dệt may, da giày bị thiệt hại nặng nề do các nhà máy phải đóng cửa trong đợt giãn cách kéo dài.
Với đà phục hồi kinh tế toàn cầu đang tiếp diễn mạnh mẽ, sức cầu của các thị trường nước ngoài vẫn rất lớn đối với hàng xuất khẩu của Việt Nam, thể hiện qua con số tăng trưởng ấn tượng ở tất cả các thị trường chính yếu như Mỹ, Trung Quốc, EU, Nhật Bản, Hàn Quốc trong 8 tháng đầu năm 2021.
Lực lượng cảnh sát kiểm tra nghiêm ngặt giấy tờ người đi đường hồi tháng 7/2021 tại TP.HCM |
Quý IV cũng là cơ hội để sản xuất các đơn hàng phục vụ kỳ mua sắm dịp lễ cuối năm. Chuyên gia Nguyễn Xuân Thành lưu ý rủi ro rủi ro hiện hữu là các tập đoàn đa quốc gia chuyển đơn hàng sản xuất dịp cuối năm từ Việt Nam sang các nước khác nếu Việt Nam không thích ứng và mở cửa bền vững.
Thực tế là một số tập đoàn lớn của Mỹ và châu Âu đã chuyển khoảng 20% đơn hàng sản xuất sang các nước khác trong tháng 8 và tháng 9 khi TP.HCM và các tỉnh thành phía Nam áp dụng giãn cách xã hội nghiêm ngặt.
Mặc dù kinh tế toàn cầu năm tới vẫn còn ẩn chứa nhiều rủi ro, bất trắc nhưng xu hướng phục hồi kinh tế vẫn tiếp tục vì các nền kinh tế lớn sẽ không tái giãn cách xã hội trên diện rộng ngay cả khi số ca nhiễm bùng phát nhờ tỷ lệ tiêm vaccine cao.
Cùng với đó, chính phủ nhiều nước vẫn duy trì các gói kích thích kinh tế lớn cả về tiền tệ và tài khoá.
Hồi cuối tháng 8 đầu tháng 9/2021, lực lượng quân đội và công an cùng phối hợp kiểm soát người đi đường trong giai đoạn giãn cách xã hội cao điểm |
Mỹ và Trung Quốc tiếp tục dẫn dắt tăng trưởng toàn cầu nhưng các chuyên gia cảnh báo rủi ro tiềm ẩn từ Trung Quốc.
Kinh tế nước này đang đối mặt với nguy cơ bất ổn do cuộc khủng hoảng nợ xấu trong lĩnh vực bất động sản đe doạ cả hệ thống tài chính, buộc Trung Quốc phải dùng ngân sách nhà nước để giải cứu các ông lớn bất động sản và ngân hàng.
Ngoài ra, việc chính phủ nước này ban hành lộ trình tái cơ cấu kinh tế, cắt giảm điện than để hướng tới phát triển bền vững đang gây ra khủng hoảng thiếu năng lượng, buộc các nhà máy phải hạn chế sản xuất.
Điểm khác biệt lớn nhất hiện nay so với các cuộc khủng hoảng trong quá khứ của Việt Nam, theo các chuyên gia, chính là ổn định kinh tế vĩ mô vẫn được duy trì. Đây là yếu tố quan trọng hàng đầu để đảm bảo Việt Nam có thể tiếp tục kiểm soát dịch bệnh và phục hồi kinh tế hay không, ông Thành nhấn mạnh.
Nhìn tổng thể vào cả giỏ hàng hóa tiêu dùng của người dân, thì chỉ số giá tiêu dùng bình quân 9 tháng đầu năm tăng 1,8% so với cùng kỳ năm ngoái, mức tăng thấp nhất kể từ năm 2016.
Mặc dù trong tháng 10 giá xăng đã tăng lên mức cao nhất trong vòng 7 năm trở lại đây nhưng theo Tiến sĩ Cấn Văn Lực (BIDV), nguy cơ lạm phát không đáng kể do việc kích cầu vẫn tương đối yếu và vòng luân chuyển của tiền còn rất thấp.
Những tuyến đường không có chốt trực thì bị phong toả cứng để bảo vệ "vùng xanh" tại TP.HCM. Ảnh: GVT. |
Mặc dù các tháng vừa qua, tốc độ tăng trưởng xuất khẩu có chậm lại, nhưng cán cân thanh toán tổng thể thì vẫn thặng dư. Dòng tiền nước ngoài vẫn chảy vào Việt Nam, nên VND thực ra lên giá so với đồng USD, đặc biệt trước sức ép điều chỉnh tỷ giá linh hoạt từ phía Mỹ.
6 tháng đầu năm, thặng dư cán cân thanh toán quốc tế của Việt Nam là 4,9 tỉ USD, mức thặng dư cả năm có thể 8 tỉ USD.
Bên cạnh đó, về mặt ngân sách, mức thâm hụt ngân sách cũng không quá lớn so với dự toán. Việt Nam cũng chưa phải dùng đến dự trữ ngoại tệ, mức dự trữ hiện nay vẫn đang trên 100 tỉ USD.
Trên thị trường tài chính, tính thanh khoản đã được đảm bảo cả ở thị trường tiền tệ, hệ thống ngân hàng và thị trường chứng khoán. Hệ thống tài chính vẫn vững mạnh thì khi mở cửa lại, kinh tế có thể phục hồi.
Nhờ vậy, Việt Nam đang có dư địa chính sách tiền tệ và tài khóa để Chính phủ có thể điều hành cả hai chính sách này theo hướng hỗ trợ kinh tế không chỉ trong quý IV mà cả năm 2022./.
(Còn tiếp)