Tài liệu này được chuẩn bị cho cuộc họp của các Bộ trưởng tài chính và các ngân hàng Trung ương "G20 " sẽ diễn ra tại Buenos Aires. "Tất cả các nước sẽ bị ảnh hưởng, nhưng đặc biệt dễ bị tổn thương nhất trong bối cảnh này là nền kinh tế Mỹ ", báo cáo của IMF cho biết.
Các nhà phân tích Quỹ giải thích rằng, vì Washington áp dụng thuế suất cho bộ phận lớn nhất của các mặt hàng nhập khẩu, các biện pháp phản ứng cũng diễn ra trên quy mô tương đương.
"Các quốc gia và các khu vực khác tiếp tục trao đổi buôn bán với nhau mà không áp đặt thuế suất bổ sung, và điều này giúp họ bù đắp tình trạng suy giảm khối lượng thương mại với Hoa Kỳ", các chuyên gia nhận định.
Và điều này đã được xác nhận trên thực tế. Vào giữa tháng 7, Liên minh châu Âu và Nhật Bản đã ký một thỏa thuận về quan hệ đối tác kinh tế, theo đó 99% thuế trong thương mại song phương sẽ dần dần được hủy bỏ. Điều này sẽ mang lại cho các nhà sản xuất cả ở Nhật Bản lẫn ở châu Âu khoản tiền khoảng một tỷ euro mỗi năm.
Ví dụ, Nhật Bản sẽ miễn thuế đối với các sản phẩm sau từ châu Âu: phô mai, rượu vang, thịt lợn. Về phần mình, Liên minh châu Âu sẽ dần dần giảm thuế nhập khẩu từ 10% xuống mức 0% đối với xe hơi Nhật Bản.
"Hậu quả cụ thể cho từng quốc gia hoặc khu vực có thể chưa rõ ràng, các tác giả của bản báo cáo nhấn mạnh. Ví dụ, khối lượng thương mại sẽ giảm do tăng mức thuế đối với hàng xuất khẩu, nhưng cùng lúc đó, nền kinh tế nói chung sẽ được hưởng lợi từ việc tăng thuế nhập khẩu".
Có một tin tốt lành như sau: tạm thời các cuộc chiến tranh thương mại chưa gây ra nhiều thiệt hại cho nền kinh tế. Theo ước tính của IMF, những biện pháp mà Mỹ đã áp dụng (tăng thuế nhập khẩu đối với thép và nhôm, cũng như tăng 25% thuế suất đối với hàng hóa Trung Quốc với tổng trị giá 50 tỷ $) và phản ứng của các nước bị ảnh hưởng sẽ chỉ làm giảm 0,1 điểm phần trăm GDP của Mỹ.
Nếu ông Trump thực hiện lời hứa cách đây hai tuần và áp dụng thuế nhập khẩu 10% đối với hàng hóa Trung Quốc, còn Bắc Kinh sẽ phản ứng tương xứng, thì tốc độ tăng trưởng GDP của Mỹ sẽ giảm 0.2 điểm phần trăm.
"Đồng thời, các khu vực khác sẽ có thể thúc đẩy tăng trưởng kinh tế bằng cách thay thế hàng hóa của Mỹ và Trung Quốc", các tác giả báo cáo nhận định.
Một kịch bản khác được các nhà phân tích của IMF xem xét cho rằng Nhà Trắng sẽ áp dụng mức thuế 25% cho tất cả các xe ô tô nhập khẩu. Khi đó, nền kinh tế Mỹ sẽ chậm lại gần 0,6 điểm phần trăm.
Trên thế giới, Nhật Bản sẽ là nước chịu nhiều thiệt hại nhất từ quyết định này, vì 29% khối lượng hàng xuất khẩu từ Nhật sang Mỹ là xe hơi. Tăng trưởng GDP của Nhật Bản trong trường hợp này giảm 0,2 điểm phần trăm.
Các nước Mỹ Latinh (với 13% khối lượng xuất khẩu sang Mỹ là xe ô tô) sẽ mất 0,1% GDP. Đáng chú ý là, theo đánh giá của IMF, Liên minh châu Âu có thể hưởng lợi từ việc tăng thuế nhập khẩu xe hơi của Mỹ.
"Mặc dù doanh thu xuất khẩu xe hơi sang Mỹ của EU là 30 tỷ USD, tuy nhiên con số này chưa bằng 1% tổng kim ngạch xuất khẩu của ngành công nghiệp xe hơi châu Âu — các nhà phân tích giải thích. Tác động tiêu cực trực tiếp từ các mức thuế sẽ được bù đắp hoàn toàn bởi các biện pháp đáp trả của châu Âu".
Chống lại tất cả
Theo đánh giá của Quỹ Tiền tệ Quốc tế, kinh tế thế giới sẽ gặp nguy cơ lớn trong trường hợp tình trạng bảo hộ leo thang làm suy yếu đáng kể sự tin tưởng lẫn nhau trong thương mại quốc tế. Thật không may, những dấu hiệu đầu tiên của tình trạng này đang hiển lộ.
Hôm thứ 23/7, chính quyền Trung Quốc đã công bố về cuộc điều tra chống bán phá giá liên quan tới mặt hàng thép không gỉ từ EU, Nhật Bản, Hàn Quốc và Indonesia. Thường thì những vụ điều tra như vậy là động thái đầu tiên đưa tới những biện pháp áp suất thuế hạn chế mới.
Vào đầu tháng 7, Trung Quốc kêu gọi EU có những hành động chung trong Tổ chức Thương mại Thế giới nhằm chống lại chính sách thương mại của Donald Trump. Phó Thủ tướng Trung Quốc Liu He đã đưa ra sáng kiến này tại Brussels và Berlin.
Brussels không ủng hộ đề nghị này vì nghi ngờ rằng, Bắc Kinh đang cố gắng chia rẽ khối Tây phương. Và bây giờ thì có vẻ như chính quyền Trung Quốc đã sẵn sàng cho một cuộc chiến thương mại trên nguyên tắc «mỗi người tự chiến đấu vì mình".
Theo ước tính của IMF, một cuộc chiến tranh thương mại toàn diện có thể dẫn tới hậu quả là tăng trưởng GDP của thế giới sẽ bị chậm lại 0,4 điểm phần trăm trong năm đầu tiên và 0,5 điểm phần trăm trong năm tiếp theo. Nhật Bản và Mỹ Latinh sẽ bị mất 0,6-0,7 điểm phần trăm. Nhưng đồng thời trong trường hợp này, Hoa Kỳ cũng thiệt hại nhiều nhất, với con số 0,8 điểm phần trăm mỗi năm.
"Hậu quả của kịch bản này sẽ thật khủng khiếp, từ sự phá hủy của chuỗi cung ứng toàn cầu tới cú tấn công vào người tiêu dùng vì giá hàng nhập khẩu tăng. Chịu thiệt hại nặng nề nhất là những hộ gia đình có thu nhập thấp", các chuyên gia của IMF cảnh báo.
Họ kêu gọi "nên đưa việc áp thuế suất mới cũng như các biện pháp đáp trả vào quá khứ", tuy nhiên cũng các chuyên gia cũng thừa nhận rằng nhiều khả năng sẽ diễn ra kịch bản đối lập.