Bệnh nhân khổ sở vì thiếu vật tư y tế:

Bài 2: Bộ Y tế nói bệnh viện sợ sai, đừng lấy vụ Việt Á ra để bao biện

0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam

VietTimes – "Vụ Việt Á là do vi phạm quy định khác, các bệnh viện không thể lấy vụ Việt Á ra để bao biện cho việc không dám mua sắm vật tư", Vụ trưởng Vụ Kế hoạch - Tài chính (Bộ Y tế) nói.

Trong bài viết "Bệnh nhân lãnh đủ vì nhiều bệnh viện thiếu thuốc, vật tư y tế” đăng ngày 22/3, VietTimes phản ánh tình trạng bệnh nhân tại Bệnh viện Việt Đức phải chuyển viện, hoặc chờ nhiều tháng vẫn chưa được phẫu thuật vì thiếu vật tư y tế. Ngoài ra, bệnh nhân ung thư ở Bệnh viện K cũng phải tự mua dao mổ và đi bệnh viện khác để xét nghiệm.

Việc thiếu hàng hoá y tế không chỉ xảy ra ở 2 bệnh viện trên. Theo thống kê hồi cuối năm 2023, gần 40% cơ sở y tế không đủ thuốc, vật tư phục vụ khám, chữa bệnh. Lãnh đạo một số bệnh viện cho biết việc thiếu thuốc và vật tư là do bất cập về chính sách. Trước lý giải này, đại diện Bộ Y tế và cơ quan liên quan nói gì?

"Không mua sắm, trách nhiệm thuộc về bệnh viện"

Về các bệnh viện cho biết Thông tư 14 đã hết hiệu lực, còn Nghị định 24 của Chính phủ quy định chi tiết một số điều và biện pháp thi hành Luật Đấu thầu về lựa chọn nhà thầu mới ban hành nhưng thiếu thông tư hướng dẫn của Bộ Y tế, ông Nguyễn Tường Sơn, Vụ trưởng Vụ Kế hoạch - Tài chính (Bộ Y tế), cho biết đã có các quy định về chuyển tiếp nên trong điều kiện văn bản pháp luật mới chưa ban hành, các đơn vị sẽ thực hiện theo quy định cũ, nhưng không được trái với quy định mới ban hành. Vị này cho rằng có những vấn đề cần thông tư hướng dẫn nhưng có những vấn đề không cần thông tư.

Theo ông Sơn, các nội dung tháo gỡ khó khăn trong đấu thầu ở Thông tư 14 năm 2023 của Bộ Y tế đã được đưa hết vào Nghị định 24, để có tính pháp lý cao hơn. Tuy nhiên, nhiều đơn vị không nghiên cứu kỹ nên sợ làm sai. Một số đơn vị cũng đã hỏi Vụ Kế hoạch - Tài chính, nhưng tìm hiểu ra thì cũng chỉ do không nghiên cứu kỹ các quy định của pháp luật và không thực hiện đúng.

Ông Sơn đặt câu hỏi: "Tại sao có những bệnh viện thiếu thuốc, vật tư, hoá chất, trong khi bệnh viện khác lại có đủ? Nếu nguyên nhân do quy định sai, thì tất cả các bệnh viện đều không mua được. Còn có bệnh viện mua được, trong khi bệnh viện khác không mua được, thì chắc chắn do bệnh viện đó chưa nghiên cứu kỹ để vận dụng".

thieu-vat-tu-1033-7235.jpg
Vụ trưởng Vụ Kế hoạch - Tài chính (Bộ Y tế) nói rằng nhiều bệnh viện không tìm hiểu kỹ quy định nên không dám đấu thầu mua sắm.

Về việc một số bệnh viện vẫn đợi thông tư hướng dẫn của Bộ Y tế ra đời mới làm thầu, nên dự kiến phải nhiều tháng nữa mới có thuốc, vật tư, ông Sơn cho biết Bộ Y tế sẽ không có công văn hướng dẫn, cũng không có thông tư hướng dẫn mua sắm trang thiết bị mà chỉ có thông tư về thuốc.

Vụ Kế hoạch - Tài chính giải thích thêm: Trong tháng 3/2024, Bộ Y tế sẽ ban hành các thông tư mà Chính phủ đã giao, nhưng là về cơ chế đàm phán giá với các thiết bị chỉ có 1-2 nhà sản xuất và danh mục mua sắm tập trung, để phục vụ Trung tâm Mua sắm tập trung Quốc gia, chứ không phải phục vụ các hoạt động khác; và một thông tư nữa về danh mục thuốc Việt Nam sản xuất đạt tiêu chuẩn EU GMP.

Theo ông Sơn, Chính phủ chỉ đạo phải tháo gỡ hết vướng mắc cho ngành y tế và trong quá trình xây dựng Nghị định, cơ quan quản lý đã mời đại diện các bệnh viện Trung ương, sở y tế, chuyên gia… cùng họp để nghe kiến nghị, đề xuất giải pháp tháo gỡ khó khăn trong mua sắm, đấu thầu hàng hoá y tế. Trên cơ sở đó, Bộ Y tế và Bộ kế hoạch - Đầu tư đã xây dựng Nghị định 24 với các quy định giải quyết tối đa các bất cập trong đấu thầu mà các bệnh viện phản ánh.

“Mọi vướng mắc đã được tháo gỡ, mà các bệnh viện không triển khai mua sắm là trách nhiệm của họ. Tuy nhiên, trong quá trình thực hiện, các bệnh viện thấy vướng, có thể mời lãnh đạo các đơn vị trên Bộ Y tế xuống để họp bàn. Thực tế, chúng tôi đã xuống 1 số đơn vị giải quyết, thì đều là do các đơn vị chứ không phải do quy định” - ông Sơn cho biết thêm.

"Không cần chờ thông tư hướng dẫn"

Chia sẻ với các thành viên câu lạc bộ giám đốc bệnh viện các tỉnh phía Bắc, ông Hoàng Cương - Trưởng Phòng chính sách, Cục Quản lý đấu thầu (Bộ Kế hoạch và Đầu tư) - cho biết từ khi Luật Đấu thầu 2023 chính thức có hiệu lực ngày 1/1/2024, có trên 10.000 gói thầu của các ngành, nghề phát hồ sơ mời thầu, trong đó có các gói thầu mua sắm cho y tế.

Cũng theo ông Cương, Luật Đấu thầu và Nghị định 24 của Chính phủ có nhiều điểm mới, giúp các bệnh viện có thể chỉ định thầu trong trường hợp có dịch bệnh, hoặc đảm bảo hoạt động thường xuyên. Văn bản mới bổ sung một số hình thức mua sắm như chào giá trực tuyến công khai trên mạng đấu thầu quốc gia, nên chỉ sau 3-4 ngày là các bệnh viện có thể mua được linh kiện bị hỏng.

“Nghị định 24/2024/NĐ-CP là cơ sở để các bệnh viện triển khai ngay việc mua sắm, mà không cần chờ các thông tư hướng dẫn”, ông Cương nói và cho biết một điểm mới nữa của Nghị định 24 là cho phép các bệnh viện xác định giá gói thầu theo báo giá, kể cả trường hợp có một báo giá thì cũng lấy báo giá đó làm giá dự kiến cho gói thầu, hoặc có nhiều báo giá thì có thể lấy giá dự kiến từ gói thầu giá cao nhất.

anh-phuong-hong-3067.jpg
Bệnh viện Bạch Mai đang duy trì hoạt động phẫu thuật do không bị thiếu vật tư. (ảnh: Phương Hồng)

Về việc lãnh đạo một số bệnh viện băn khoăn về tính chính xác trong việc báo giá của doanh nghiệp, lo sợ bị xử lý vì mua hàng hóa theo giá đã bị nâng khống, ông Hoàng Cương lưu ý rằng việc báo giá là quyền và trách nhiệm của doanh nghiệp. Nếu các bệnh viện thấy không chính xác, có thể lấy báo giá trên Cổng thông tin điện tử Bộ Y tế để đối chiếu.

Cùng quan điểm, ông Nguyễn Tường Sơn (Vụ trưởng Vụ Kế hoạch - Tài chính Bộ Y tế) nói nếu lấy báo giá đúng quy định thì không ai có thể bắt lỗi việc lấy giá cao hay thấp. Vụ Việt Á là do vi phạm quy định khác, các bệnh viện không thể lấy vụ Việt Á ra để bao biện cho việc không dám mua sắm vật tư.

Ông Sơn lưu ý thêm: "Lấy giá có nhiều kênh để xác định. Muốn yên tâm, chủ đầu tư phải tìm hiểu nhiều kênh. Nghị định 24 đã quy định 6 phương pháp lấy giá, đơn vị phải tham khảo cả 6 phương pháp, nghiên cứu kỹ quy định của pháp luật và phải làm đúng. Có nhiều báo giá thì lấy báo giá nào đều đã có quy định cụ thể rồi. Với thiết bị y tế thì được chọn loại phù hợp theo yêu cầu chuyên môn và khả năng tài chính của từng đơn vị".

Trong bài tiếp theo, VietTimes sẽ phản ánh lý do vì sao một số bệnh viện trên địa bàn Hà Nội không thiếu thuốc, vật tư y tế, hoặc chỉ thiếu cục bộ trong thời gian rất ngắn và góc nhìn của chuyên gia về vấn đề cơ chế chính sách và tâm lý đơn vị thực hiện đấu thầu.

Quý bạn đọc từng gặp các vấn đề phát sinh liên quan việc bệnh viện thiếu thuốc và vật tư y tế vui lòng chia sẻ với VietTimes qua email: toasoan@viettimes.vn