Thử giải mã Viettel và Thủ lĩnh Nguyễn Mạnh Hùng:

Bài 1: Người từng gỡ bí cho Viettel và bộ ba “huyền thoại”

VietTimes -- Để có Tập đoàn Công nghiệp - Viễn thông Quân đội (Viettel) hùng mạnh như ngày hôm nay là công lao của tập thể sĩ quan, CBCNV nhiều thế hệ Viettel, đặc biệt là “bộ não” chiến lược của của nó. Trong “Bộ não” đó có công không nhỏ của những người như Hoàng Anh Xuân, Dương Văn Tính và Nguyễn Mạnh Hùng.  
Tập đoàn Công nghiệp - Viễn thông Quân đội (Viettel).
Tập đoàn Công nghiệp - Viễn thông Quân đội (Viettel).

Thương hiệu nổi tiếng Viettel đã không còn lạ lẫm gì với người tiêu dùng, tuy nhiên ít ai biết rằng, năm 2004 Viettel từng ngấp nghé cái ngưỡng hết tiền, phá sản. Và vô tình người đứng ra gỡ bí cho Viettel là… tân thủ tướng Thái Lan thời bấy giờ.

4 người Viettel bay đi BangKok

Trong những ngả túa đi “tha phương cầu vốn” thời điểm ấy có chuyến bay trực chỉ đến BangKok- Thủ đô của Thái Lan. Tôi  biết có 4 người của Viettel trong chuyến bay này.

Họ là những yếu nhân của Viettel: Bí thư Đảng ủy Dương Văn Tính, Phó tổng giám đốc Nguyễn Mạnh Hùng (nay là Tổng giám đốc), Hoàng Sơn (hiện là Phó tổng giám đốc) và Đỗ Minh Phương (hiện là Phó tổng giám đốc Viettel).

Bài toán mà  họ phải giải là hết tiền - cạn vốn.  Lưng vốn vài triệu USD từ lãi làm VoIP, Viettel mua và lắp được 150 trạm BTS thì cạn. Mọi vận hành của guồng máy Viettel cho cái đích điện thoại di động như dừng lại.

Tới BangKok, được mách phải cố gắng tìm đến Tập đoàn viễn thông AIS của Thái Lan. Cái tên Yngluck Shinawatra, Tổng Giám đốc Tập đoàn AIS  không gợi cho họ một ý niệm lẫn cảm giác nào!

Một cái tên đặc Thái! Có chăng biết chút chút, đó là cô em gái của Thủ tướng đương kim Thái Lan Thaksin. Ông thủ tướng Thaksin từng sáng lập ra công ty, rồi Tập đoàn AIS nhưng hình như theo luật Thái không được phép điều hành quản lý nên giao công việc ấy cho cô em gái mới hơn 30 tuổi này...

Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc tặng bức tranh Chủ tịch Hồ Chí Minh cho Tập đoàn Viettel ngày 17/12/2016
Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc tặng bức tranh Chủ tịch Hồ Chí Minh cho Tập đoàn Viettel  ngày 17/12/2016 

Khách đã yên vị, một người đẹp với dáng thướt tha có những sải bước hơi điệu xuất hiện. Người ta nói, riêng sắc đẹp đã là một thứ tài năng? Những người đàn ông Việt trong đó có chàng Phó Tổng Nguyễn Mạnh Hùng, khi ấy chưa vợ, từng du học ở nước ngoài về, không khó khăn gì để nhận ra điều đơn giản ấy. Nhưng đẹp thì đẹp vậy thôi. Mấy vị đàn ông Việt lòng dạ đương có lắm mối ngổn ngang về đường mần ăn...

 Đột ngột khi tới cũng nhưng khi lui, người đẹp Tổng Giám đốc cười tươi ấn định ngay là mời đoàn cứ làm việc cụ thể và đi thăm quan tập đoàn với ông Phó tổng điều hành. Cuối buổi cô sẽ gặp lại có gì trao đổi thêm.

Một chút rụt rè và có chi hơi kém tự tin (điều này phải tinh ý thì chủ mới nhận ra?)  ông Phó tổng Nguyễn Mạnh Hùng hướng cái nhìn về phía người đẹp với dáng thướt tha nhỏ nhắn nhưng đang điều hành cả một tập đoàn khổng lồ! Khổng lồ bởi quy mô, bởi công nghệ. Nội việc Viettel khi ấy đang thử nghiệm có mấy chục cái máy di động  nhưng AIS đang là chủ thuê bao của 18 triệu điện thoại di động phủ sóng khắp đất Thái.

“Bây giờ, Viettel chúng tôi mới bắt đầu làm di động; xin bà cho tôi một lời khuyên?”

Nụ cười vẫn sáng bừng trên môi người đẹp: “Có hai việc ông phải làm to làm nhanh...”. Ông Phó Tổng hiểu ngay quy mô lẫn quy trình, tốc độ của lời khuyên ấy, nhưng cũng cười thành thực bộc bạch cái điều ít khi người đàn ông trên thế gian này chả nên thốt ra chứ đừng nói gì đến vị thế của một doanh nhân.

 Câu khó để thốt lên nhưng đã được nói ra ấy là,  “hiện Viettel không có tiền!”.

Người đẹp thoắt lặng đi. Nụ cười không lời hồi nãy đã thành âm thanh. Nghe người đẹp cười, ông phó Viettel cứng người thốt lên một câu hơi bị thô: “Xin lỗi bà cười cái gì ạ?”

Sau đây là đoạn đối thoại.

Bà Tổng giám đốc hỏi lại: “Ông có biết thế giới hiện nay có bao nhiêu công ty viễn thông?”. “Khoảng năm sáu trăm”. “Chính xác là 650 công ty. Ông có biết còn bao nhiêu công ty cần mua thiết bị không?”.  “Tôi không biết”. “Chỉ còn khoảng vài chục công ty như Viettel các ông cần mua thiết bị thôi. Vì 650 công ty này đầu tư hơn 10 năm, 20 năm trước rồi, thị trường bão hòa. Không mấy doanh nghiệp đầu tư nữa để đi mua thiết bị đâu. Bây giờ, chưa nói là mua rẻ, các ông xin họ cũng cho. Nếu ông không xin được thì trả chậm dăm ba năm sau, họ cũng bán”.

Người tài  thường  hay truyền bá tư tưởng và kiến thức

Nguyễn Mạnh Hùng và anh em đã nghe theo lời khuyên này, tới tìm một nhà cung cấp thiết bị. Quả thật thiết bị rất rẻ, bán như cho. Lại đặt vấn đề: Nếu bọn tôi mua hẳn 4.000 trạm, bốn năm nữa mới trả thì các ông có bán không? Họ vào hội ý, hai tiếng sau, quyết định đồng ý bán. Hùng gọi điện về cho anh Hoàng Anh Xuân (Tổng giám đốc Viettel thời bấy giờ). Hoàng Anh Xuân: duyệt luôn!

Nhớ lại thời cam go ấy, Nguyễn Mạnh Hùng nhũn nhặn: “Đây chính là sự tình cờ trong kinh doanh. Cũng bởi vì cuộc khủng hoảng viễn thông nên chúng tôi mới may mắn mua được như thế. Cuộc đời và thượng đế cũng chỉ mỉm cười với bạn một đôi lần thôi, nếu bạn không nắm được đúng thời cơ thì có thể không bao giờ bạn có lại cơ hội đó”.

Ban lãnh đạo viettel đã nghe theo lời khuyên này. Tất nhiên theo lời khuyên ấy còn năm tao bảy tiết những là đàm phán về giá về phương thức, thời gian trả chậm vv... Nhưng khi ấy thật sự là việc gỡ bí để Viettel sau này làm nên những bí ẩn về doanh thu, về những kỷ lục này khác trong đó có con số hơn 40 triệu thuê bao di động!

Sau này, có người đã cật vấn Thạc sĩ, Thiếu tướng Nguyễn Mạnh Hùng thời điểm may mắn ấy rằng, có thể người đẹp - em gái ông Thaksin bị thuyết phục bởi cái vẻ đàn ông nho nhã,  sự lịch lãm của khách hoặc là do nhỡ miệng nên đã bộc bạch  những thông tin vô giá; mà lẽ ra với nhà doanh nghiệp với nhau thời cạnh tranh khốc liệt rất không nên tiết lộ? Ông Phó Viettel cười: “Tôi không nghĩ như thế! Tôi cho rằng buổi nói chuyện thân mật đã gây thiện cảm chung. Vả lại tôi nghĩ: doanh nghiệp Việt Nam mới chỉ cạnh tranh ở trong nước, chưa đủ sức cạnh tranh ở Thái Lan. Công ty của bà ấy quá lớn, không phải đề phòng với Viettel nhỏ bé ở cách xa không gian, địa lý. Nghĩ bà Yngluck chỉ đẹp... suông thôi, hóa ra lại có tài. Mà hình như người tài  thường  hay truyền bá tư tưởng và kiến thức?”.

Bộ ba “huyền thoại”

Hoàng Anh Xuân,
Hoàng Anh Xuân,  
Dương Văn Tính,
Dương Văn Tính, 
và Nguyễn Mạnh Hùng
và Nguyễn Mạnh Hùng 

Thời ấy, thi thoảng gặp bộ ba của Viettel (Hoàng Anh Xuân – Dương Văn Tính – Nguyễn Mạnh Hùng), tôi hay chợt nghĩ đến chữ may! May cho ai? Cho cả ba, cho cơ chế? Chả biết! Mỗi người một tính nhưng may hợp cạ! Dân Viettel đùa bảo đó là Bộ ba “huyền thoại”.

Tổng giám đốc - Thiếu tướng Hoàng Anh Xuân cố hữu với cái nhìn lừ lừ và thường xồn xồn những khó khăn. Đang khó khăn lắm. Đang phải tìm cách mà vượt đây... Khó khăn ấy là của Viettel, của chuyện kinh doanh mà Ban lãnh đạo đang phải đối mặt.

Còn Thiếu tướng, Bí thư Đảng ủy Dương Văn Tính lại cố hữu với nụ cười cởi mở... Người ta nói ông là người tạo ra chất kết dính nội bộ, kiểu nói khác đi là của hạt nhân đoàn kết.

Còn ông Phó Nguyễn Mạnh Hùng thì luôn không để hai ông kia yên với những dự định táo bạo này khác...

Tôi nghe vậy thì chỉ biết vậy bởi trộm nghĩ, ai cũng đọc được những phẩm chất tính cách luôn phát lộ  của ba ông như thế thì bí quyết phồn thịnh của Viettel hơi bị đơn giản và lại “nghĩa lộ” nữa? Dứt khoát là bộ ba ấy đang tiềm ẩn  những mưu chước nào đó? Có điều những thứ ấy lại thuộc về bí ẩn và bí quyết mất rồi?

Hãy nói theo cách của bạn!

Chuyện xây dựng thương hiệu viettel thì có nhiều... Một bận tiện mồm tôi hỏi ông Phó Viettel về cái slogan của Viettel “Nói theo cách của bạn” ra đời như thế nào? Ông Phó chả giấu là ban đầu bài bản  thuê tư vấn hẳn hoi. Người ta đưa ra và nhiều người chọn Closer and closer (gần hơn gần hơn nữa).

Nhưng cứ thấy hơi yêu yểu thế nào... Bèn mở một cuộc thi với giải thưởng 100 triệu. Hơn 800 câu được gửi đến. Qua coi xét, có vẻ như đa số người Việt quen tư duy trực quan về viễn thông kiểu không khoảng cách hoặc không biên giới. Lại nhờ tiếp tư vấn.

Họ trưng ra một số slogan tỷ như “Nâng niu bàn chân Việt” (của Biti’s) - Just do it- “Hãy làm đi” (của Nike). Chợt nhận ra “Just do it” là một thành ngữ bèn đề nghị họ liệt kê ra một số thành ngữ... Từ đó tình cờ tìm ra “Say it your way” và thấy nó đúng là slogan của Viettel. Bởi Viettel trân trọng khách hàng thì phải để họ nói và họ phải nói theo cách của họ. Đây chính là phương châm của Viettel khuyến khích khách hàng nói theo cách của họ, cách họ muốn. Với nội bộ thì khuyến khích nhân viên nói ra tiếng nói của mỗi người, mình lắng nghe để cùng xây dựng...  

Trai làng Quyền

 Không biết ông Phó Viettel này kiếm đâu ra thời gian mà đọc khá nhiều? Một lần ngồi với nhau, tình cờ biết được nhà văn Nguyễn Địch Dũng là chú của Hùng, nguyên là phóng viên Ban Văn hóa văn nghệ Báo Nhân Dân. Lại là một nhà văn viết về mảng nông thôn được nhiều người yêu mến.

Trai làng Quyền là thứ nổi trội.

Rồi một phần đêm chúng tôi vèo đi với cái làng Quyền có tài đánh bạc lẫn “hành” vợ.

Tuổi thơ của Hùng lặng lẽ qua đi ở hai nơi là vùng đất trung du Phú Thọ lẫn Bắc Giang. Hình như hai xứ ấy nó sinh lẫn dưỡng cái thú đọc và viết... suy ngẫm của Hùng? Thế mà lại nẩy nòi ra cái anh có tài kinh doanh này cũng là sự lạ?

Một bận kháo nhau về những cuốn sách viết về chiến tranh, nhận xét của ông Phó Viettel này cũng không hơn giới phê bình nước Nam là “quá ít những tác phẩm xứng tầm với cuộc chiến tranh vệ quốc ghê gớm của nước mình”. Nhưng ông Phó Vietetel ấy đã làm chúng tôi choáng khi đưa ra một ý tưởng mà chẳng phải là viễn vông mà theo ông nói là trong tầm tay.

Nó đại khái thế này.

Viettel sẽ đặt ra một giải đặc biệt cho tác phẩm nào xứng tầm (na ná như “Nỗi buồn chiến tranh” của Bảo Ninh chẳng hạn) với giá vài... tỷ VND! Thậm chí là 10 hoặc 15 tỷ!  Ông Phó cho biết có nhiều cách làm, Chẳng hạn như gom những nhà văn chuyên viết về mảng chiến tranh đang độ chín, trả họ nhiều triệu mỗi tháng để họ không chia lòng, chia trí vào những việc khác mà chỉ chăm chắm vào việc sáng tác mà thôi! 

Chao ôi, có nên ngơ ngác lẫn cười xòa trước khẩu khí, trước đề nghị hơi bị khủng từ cửa miệng Viettel “nhà sang có gang có thép” ấy không?  Cười xòa lẫn ngơ ngác bởi biết bao nhiêu khê của những định chế này khác không dễ vượt qua lẫn cởi bỏ ngay được? Ngơ ngác lẫn cười bởi sao thế kỷ này văn tài nước Nam ta thấy vắng thấy thưa quá đi mất? Thấy dằng dặc mãi cái bi kịch “đàn bà không có nhan sắc lẫn nhà văn không có tài?”

(còn nữa)