Nhiều dự án BT như tỉnh Bắc Ninh |
Văn bản nhằm thực hiện Kết luận của Chủ tịch UBND tỉnh Bắc Ninh tại phiên họp Giao ban Chủ tịch và các Phó Chủ tịch UBND tỉnh ngày 06/7/2018, về việc rà soát các dự án PPP trên địa bàn Bắc Ninh.
Theo đó, Chủ tịch Bắc Ninh giao Sở Kế hoạch và Đầu tư chủ trì, phối hợp với các cơ quan, đơn vị liên quan rà soát các dự án đầu tư theo hình thức PPP trên địa bàn bàn; trong đó phân loại rõ các dự án, tổng hợp báo cáo Chủ tịch UBND tỉnh.
Văn bản yêu cầu Sở trên phân loại các dự án PPP trên địa bàn thành 3 nhóm:
(1) Các dự án thực hiện thủ tục đầu tư theo Nghị định số 108/2009/NĐ-CP ngày 27/11/2009;
(2) Các dự án thực hiện thủ tục đầu tư theo Nghị định số 15/2015/NĐ-CP và các dự án chuyển tiếp quy định tại Nghị định số 63/2018/NĐ-CP được thực hiện thủ tục đầu tư theo Nghị định số 15/2015/NĐ-CP;
(3) Các dự án cần thực hiện thủ tục đầu tư theo quy định tại Nghị định số 63/2018/NĐ-CP.
“Trong quá trình triển khai thực hiện, nếu có khó khăn vướng mắc kịp thời báo cáo Chủ tịch UBND tỉnh xem xét, giải quyết”, công văn nêu rõ.
Bắc Ninh: Một ngày ký 3 Quyết định phê duyệt 3 dự án BT |
Thời gian qua, VietTimes đã có nhiều bài viết đề cập đến chủ trương thực hiện các dự án PPP – đặc biệt theo hình thức BT – trên địa bàn tỉnh Bắc Ninh.
Dù là địa phương có diện tích hành chính nhỏ nhất nước nhưng Bắc Ninh lại rất tích cực triển khai các dự án đầu tư theo hình thức “đổi đất lấy hạ tầng”. Thậm chí, không quá lời nếu đánh giá rằng đây là tỉnh thành có nhiều dự án BT bậc nhất Việt Nam.
Số lượng và quy mô các dự án BT ở Bắc Ninh liên tục được mở rộng qua các năm.
Nếu như ngày 08/12/2016, tại kỳ họp thứ Ba, Hội đồng nhân dân tỉnh Bắc Ninh Khóa XVIII phê duyệt danh mục các dự án đầu tư theo hình thức BT trên địa bàn tỉnh năm 2017 với tổng số “chỉ” 77 dự án, và tổng mức đầu tư khoảng 32.408,65 tỷ đồng, thanh toán bằng quỹ đất đối ứng với tổng diện tích đối ứng dự kiến khoảng 2.646,1 ha;
Thì chỉ tròn một năm sau, ngày 08/12/2017 – tại kỳ họp thứ Sáu - danh mục dự án BT trên địa bàn tỉnh Bắc Ninh đã tăng thêm 43 dự án, thành tổng số 120 dự án, tổng mức đầu tư khoảng 42.750 tỷ đồng, thanh toán bằng quỹ đất đối ứng dự kiến khoảng 2.599 ha.
Nhìn bề ngoài, tổng diện tích quỹ đất mà tỉnh dự kiến sẽ sử dụng để thanh toán cho các nhà đầu tư để “đổi hạ tầng”, dù có giảm nhẹ từ quy mô khoảng 2.646,1 ha (tại Nghị quyết số 30/NQ-HĐND18) về còn khoảng 2.599 ha (tại Nghị quyết số 89/NQ-HĐND).
Nhưng lưu ý rằng, danh mục dự án đầu tư theo hình thức BT đính kèm Nghị quyết số 89/NQ-HĐND còn có tới hơn 50 dự án chưa tính toán diện tích đất đối ứng dự kiến, và được ghi chú “chưa dự kiến diện tích đất đối ứng”/“chưa dự kiến TMĐT và diện tích đất đối ứng”/“chưa xác định được CQNN có thẩm quyền/“dự án chuyển đổi; chưa dự kiến diện tích đất đối ứng”…
Bắc Ninh: Phê duyệt đề xuất Dự án BT Trung tâm hành chính xã 185 tỷ đồng |
Gần nhất, đến kỳ họp thứ Bảy, Hội đồng nhân dân tỉnh Bắc Ninh khóa XVIII ban hành Nghị quyết số 108/NQ-HĐND ngày 17/4/2018, trong đó quyết nghị phê duyệt danh mục dự án đầu tư theo hình thức đối tác công tư (PPP) trên địa bàn tỉnh.
Lần này, số lượng và quy mô các dự án tiếp tục mở rộng đáng kể so với 4 tháng trước đó: “Tổng số 140 dự án với tổng mức đầu tư khoảng 46.143,5 tỷ đồng; trong đó có: 130 dự án đầu tư theo loại hợp đồng Xây dựng – Chuyển giao (BT), thanh toán bằng quỹ đất đối ứng với diện tích đất đối ứng dự kiến khoảng 2.604 ha; 02 dự án đầu tư theo loại hợp đồng Xây dựng – Kinh doanh – Chuyển giao (BOT); 01 dự án đầu tư theo loại hợp đồng Xây dựng – Chuyển giao – Thuê dịch vụ (BTL); 07 dự án đầu tư chưa xác định loại hợp đồng”.
Trích Danh mục các dự án BT trên địa bàn tỉnh Bắc Ninh. |
Không chỉ là các dự án đầu tư phát triển trọng điểm, mang tính cấp bách, quy mô lớn, Bắc Ninh còn áp dụng PPP (chủ yếu là hình thức BT) tại hàng loạt các dự án kiểu như: trụ sở làm việc xã, nhà văn hóa thôn/xã, đường liên thôn/xã, trường mầm non/trường tiểu học xã/phường, nghĩa trang nhân dân xã, đài tưởng niệm, công viên xã…/.