Hôm qua 25/2, Australia đã công bố Sách Trắng quốc phòng phiên bản mới và nhấn mạnh, quốc gia này cần tăng cường đầu tư cho quân sự để đối phó với cục diện căng thẳng do hàng loạt hoạt động như xây đảo trái phép, đưa máy bay chiến đấu, tên lửa.... ra biển Đông mà Trung Quốc gây ra thời gian qua.Trong ngày, thủ tướng Australia Malcolm Turnbull cũng có những lời phát biểu tương tự, khiến Bắc Kinh tức tối.
Ông Malcolm Turnbull nói, trong quá trình xây dựng kế hoạch chiến lược phòng ngự mới, Australia có xem xét những thay đổi của an ninh trong khu vực, đặc biệt là sự trỗi dậy về kinh tế và quân sự của Trung Quốc cũng như sự tập trung của Mỹ cho khu vực châu Á – Thái Bình Dương. “Mỹ sẽ vẫn là cường quốc quân sự lớn mạnh nhất trong 20 năm tới, quốc gia này vẫn tiếp tục là đối tác chiến lược quan trọng nhất của Australia, sự tồn tại tích cực của Mỹ sẽ tiếp tục đặt nền tảng cho sự ổn định của khu vực này”.
Bộ trưởng Quốc phòng Australia Marise Payne còn yêu cầu Trung Quốc gia tăng độ minh bạch trong chính sách phòng ngự để các nước láng giềng trên biển Đông yên tâm.
Trong cuộc họp báo định kỳ diễn ra ngày hôm qua 25/2, người phát ngôn Bộ ngoại giao Trung Quốc trả lời câu hỏi của phóng viên rằng: “Lập trường của Trung Quốc về các vấn đề có liên quan đã hết sức rõ ràng.... Hy vọng phía Australia nhìn nhận một cách đúng đắn và tích cực về sự phát triển và ý đồ chiến lược của Trung Quốc, bằng hành động thực tế, cùng nỗ lực với Trung Quốc, gia tăng lòng tin, cùng thúc đẩy nền hòa bình, ổn định và phát triển trong khu vực”.
Người phát ngôn Bộ quốc phòng Trung Quốc Ngô Khiêm cũng phát biểu trong cuộc họp báo định kỳ ngày hôm qua: “Trung Quốc bày tỏ sự quan ngại sâu sắc về nội dung biển Đông được đề cập trong Sách trắng quốc phòng của Australia, phản đối quyết liệt nội dung chỉ trích Trung Quốc xây đảo trên biển Đông”.
Ông Ngô Khiêm còn chỉ trích “Australia đưa ra những lời dự đoán không khớp với thực tế về quân đội Trung Quốc. Ngoài ra, Australia, Mỹ và các nước đồng minh cần loại bỏ lối tư duy chiến tranh lạnh, không nhằm vào bên thứ ba, không nên làm tổn hại đến lợi ích của bên thứ ba”.
Tàu chiến của Lực lượng hải quân hoàng gia Australia
Ngày 25/2, Thủ tướng Australia Malcolm Turnbull phát biểu trước lực lượng vũ trang Australia rằng, ngân sách chi cho quốc phòng của Australia sẽ tăng lên mức 195 tỉ đô Úc vào năm 2021 hoặc 2022, tương đương với 2% GDP để mua sắm các trang bị quân sự mới, trong đó bao gồm tàu hộ tống, tàu ngầm, máy bay tiêm kích, máy bay không người lái và xe tăng bọc thép.
Nguồn tin cho biết, trong vòng 10 năm tới, Australia sẽ gia tăng ngân sách quốc phòng thêm 30 tỉ đô Úc (tức 21,6 tỉ USD) để bảo vệ lợi ích chiến lược và lợi ích thương mại của mình ở khu vực châu Á – Thái Bình Dương khi Mỹ và các nước đồng minh đối phó với sự trỗi dậy của quân sự Trung Quốc.
Vài năm gần đây, những tranh chấp chủ quyền trên biển Đông ngày diễn ra gay gắng hơn. Trung Quốc lấp biển xây đảo trái phép trên vùng biển tồn tại sự tranh chấp về chủ quyền, khiến mối quan hệ giữa Trung Quốc với các nước và khu vực đưa ra tuyên bố về chủ quyền trên biển Đông như Việt Nam, Philippines, Malaysia, Bruney, Đài Loan... ngày càng căng thẳng.
Động thái mới nhất là Trung Quốc đưa hai nhóm tên lửa đất đối không ra đảo Phú Lâm (thuộc quần đảo Hoàng Sa của Việt Nam), thậm chí tuần này còn có nguồn tin chứng thực Trung Quốc đã bố trí hơn 10 máy bay chiến đấu và máy bay oanh tạc ra hòn đảo này.
Mỹ thì luôn yêu cầu Trung Quốc không quân sự hóa biển Đông. Phía Trung Quốc thì ngang nhiên tuyên bố: Bố trí vũ khí trên lãnh thổ của mình là hành động chính đánh, không có gì khác so với việc Mỹ bố trí vũ khí trên quần đảo Hawaii. Người phát ngôn Nhà Trắng JoshErnest đã phản bác về quan điểm này rằng: Chủ trương chủ quyền của các hòn đảo trên biển Đông đang tồn tại nhiều tranh cãi, trong khi không tồn tại bất kỳ sự tranh chấp nào về chủ quyền đảo Hawaii giữa nước Mỹ với các quốc gia khác.
Bộ trưởng Quốc phòng Australia Marise Payne nhấn mạnh: “Với vai trò là một nước lớn, chính sách phòng ngự của Trung Quốc cần minh bạch hơn để các nước láng giềng yên tâm, đây là điều quan trọng đối với sự ổn định trong khu vực”.
Theo Sách Trắng quốc phòng mới , Australia sẽ mua thêm 7 chiếc máy bay không người lái MQ-4C Triton và 8 chiếc máy bay trên biển P-8A do Mỹ sản xuất nhằm tăng cường năng lực trinh sát trên biển. Ngoài ra, từ năm 2020, sẽ có 72 chiếc máy bay chiến đấu tấn công phối hợp F-35 được đưa vào phục vụ trong quân đội nước này.
Quân đội Australia sẽ tăng thêm 2.500 binh sĩ, tổng binh lực tăng lên mức 62.400 binh sĩ, đạt quy mô lớn nhất kể từ năm 1993 trở lại đây. Trong đó có 900 người chuyên hoạt động trong lĩnh vực an ninh mạng, tình báo và an ninh vũ trụ.
Đ.Q