Ba Lan xét xử giám đốc chi nhánh Huawei và quan chức tình báo làm gián điệp cho Trung Quốc

0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam
VietTimes – Ngoài Anh và Thụy Điển, một số nước châu Âu vẫn đang cân nhắc có nên loại Huawei khỏi mạng 5G hay không. Vụ Ba Lan xét xử một cựu giám đốc điều hành của Huawei làm gián điệp đã trở thành một cảnh báo.
Vương Vĩ Tinh (trái) và Piotr Durbajlo bị Tòa án Warsaw đưa ra xét xử vì cáo buộc làm gián điệp cho Trung Quốc (Ảnh: Guangming).
Vương Vĩ Tinh (trái) và Piotr Durbajlo bị Tòa án Warsaw đưa ra xét xử vì cáo buộc làm gián điệp cho Trung Quốc (Ảnh: Guangming).

Giám đốc người Trung Quốc và quan chức tình báo Ba Lan cùng bị cáo buộc hoạt động gián điệp

Theo trang tin Đức Deutsche Welle (Tiếng nói nước Đức) ngày 1/6, cùng ngày Tòa án thủ đô Warsaw của Ba Lan đã mở phiên tòa để xét xử vụ án gián điệp liên quan đến cựu giám đốc điều hành Huawei người Trung Quốc Vương Vĩ Tinh (Wang Weijing) và một cựu quan chức tình báo người Ba Lan.

Theo tài liệu của tòa án, các công tố viên Ba Lan đã buộc tội Vương Vĩ Tinh, 39 tuổi, hoạt động gián điệp cho Trung Quốc dưới vỏ bọc là một giám đốc điều hành Huawei Ba Lan trong hơn 7 năm với mưu đồ tăng cường ảnh hưởng của công ty trong việc tác động đến chính phủ Ba Lan và “cho phép nó quản lý cơ sở hạ tầng công nghệ của quốc gia”.

Vương Vĩ Tinh đã bị giam giữ kể từ khi bị bắt đầu năm 2019. Ông ta cũng bị buộc tội đã tuyển dụng một đặc vụ người Ba Lan. Công tố viên cho biết người này đã giới thiệu ông ta với mạng lưới vô tuyến ảnh hưởng đến dịch vụ cứu hộ và an ninh công cộng của Ba Lan.

Bị cáo người Ba Lan này tên là Piotr Durbajlo đã làm việc trong nhiều năm trong giới cao cấp của chính phủ và bị buộc tội "tự cung cấp thông tin của bản thân như một nguồn thông tin về quản lý hành chính công".

Nhiều quốc gia châu Âu chưa mở cửa cho Huawei vì lo ngại ảnh hưởng đến an ninh quốc gia (Ảnh: Deutsche Welle).

Nhiều quốc gia châu Âu chưa mở cửa cho Huawei vì lo ngại ảnh hưởng đến an ninh quốc gia (Ảnh: Deutsche Welle).

Công ty Huawei Ba Lan đã sa thải Vương Vĩ Tinh sau khi ông này bị bắt, việc này đã gây ra rất nhiều tranh cãi vào thời điểm đó. Những người ủng hộ thì cho rằng Huawei xử lý dứt khoát và thẳng thắn, còn những người phản đối thì cho rằng do Vương không có tiền chạy tội.

Mặc dù Huawei đã cắt đứt mối quan hệ lao động với Vương Vĩ Tinh, nhưng họ vẫn giúp tài trợ chi phí pháp lý của ông ta và cho Reuters biết trong một tuyên bố vào tháng trước rằng các hoạt động của công ty “phù hợp các tiêu chuẩn cao nhất về tính minh bạch và tuân thủ quy định luật pháp”.

Việc mở đường cho 5G vào châu Âu của Huawei bị trở ngại

Ba Lan đã bắt giữ hai người này vào tháng 1/2019 vì nghi ngờ họ hoạt động gián điệp cho Trung Quốc, động thái này đã làm gia tăng các cuộc thảo luận quốc tế về nguy cơ an ninh tiềm ẩn của việc sử dụng thiết bị Huawei trong mạng viễn thông.

Chính quyền Donald Trump của Mỹ khi đó đã ca ngợi vụ bắt giữ này của Ba Lan. Cựu Phó Tổng thống Mike Pence năm 2019 đã nói, điều này cho thấy cam kết của Warsaw trong việc đảm bảo rằng lĩnh vực viễn thông “sẽ không bị xâm phạm theo cách đe dọa an ninh quốc gia đối với Mỹ”.

Vào thời điểm đó, Warsaw đã bị sốc trước thái độ ngày càng cứng rắn của Nga với Ba Lan và đang tìm cách thuyết phục Mỹ tăng cường sự hiện diện quân sự của họ ở Ba Lan. Chính phủ của Thủ tướng Mateusz Morawiecki năm ngoái cũng đã đề xuất một dự thảo luật về thực chất là loại trừ việc Huawei xây dựng mạng 5G, nhưng đề xuất dự luật này vẫn chưa được quốc hội thảo luận.

Huawei đã luôn phủ nhận rằng thiết bị của họ có thể được chính quyền Bắc Kinh sử dụng cho các hoạt động gián điệp, nhưng Mỹ đã gây sức ép yêu cầu các nước cấm Huawei. Ở châu Âu, cho đến nay mới chỉ có Anh và Thụy Điển là bày tỏ rõ ràng việc cấm Huawei. Huawei cũng đã đệ đơn kiện chính phủ Thụy Điển và hiện đang chờ phán quyết của tòa án địa phương.

Hãng tin Anh Reuters đưa tin, chính phủ Romania vào tháng 4 năm nay cũng đã thông qua một dự luật, dứt khoát cấm Trung Quốc và Huawei tham gia phát triển mạng 5G của họ, nhưng về lý thuyết, vẫn cần được sự chấp thuận của thượng viện với tư cách nơi có chức năng đóng dấu.

Ngoài ra, truyền thông Anh hôm thứ Hai (31/5) đã dẫn thông tin cho biết Chính phủ Italy đã chấp thuận có điều kiện cho công ty con của công ty viễn thông Anh Vodafone sử dụng thiết bị 5G của Huawei để truy cập thiết bị mạng, nhưng đồng thời đặt ra ngưỡng bảo mật cực cao; trong đó bao gồm các hạn chế đối với thiết bị bảo trì từ xa của Huawei.

Vương Vĩ Tinh, cựu giám đốc điều hành bán hàng của Huawei Ba Lan bị hầu tòa ngày 1/6 (Ảnh: Singtao).

Vương Vĩ Tinh, cựu giám đốc điều hành bán hàng của Huawei Ba Lan bị hầu tòa ngày 1/6 (Ảnh: Singtao).

Nhiều chính phủ châu Âu đến nay vẫn chưa bày tỏ rõ lập trường của họ về việc Mỹ kêu gọi loại trừ Huawei, điều này cũng khiến các nhà khai thác mạng di động châu Âu luôn không muốn bắt đầu đầu tư vào mạng 5G hỗ trợ các nhà máy thông minh và xe hơi tự hành.

Được biết cả Vương Vĩ Tinh và Piotr Durbajlo đều bác bỏ cáo buộc họ làm gián điệp cho Trung Quốc. Luật sư của Vương Vĩ Tinh tuyên bố rằng bên công tố không có bằng chứng gì để chứng minh rằng thân chủ của ông ta đã thực hiện bất kỳ hành vi gián điệp hay và vi phạm pháp luật nào.

Vương Vĩ Tinh được Huawei tuyển dụng từ tháng 4/2011 và được cử đến Ba Lan để chịu trách nhiệm về các vấn đề quan hệ công chúng của chi nhánh Huawei địa phương. Ông ta được thăng chức Giám đốc bán hàng vào năm 2017. Vào tháng trước, Huawei đã đưa ra một tuyên bố nhắc lại rằng các hoạt động của Vương Vĩ Tinh “phù hợp các tiêu chuẩn minh bạch cao” và tuân thủ các quy định luật pháp. Về phần Piort Durbailo, anh ta là cựu đặc vụ của Cục An ninh Nội bộ Ba Lan, chịu trách nhiệm về công tác phản gián.

Huawei từng lên tiếng cảnh báo, việc Ba Lan loại trừ họ xây dựng mạng 5G có nghĩa là nền kinh tế Ba Lan sẽ bị thiệt hại gần 44 tỷ zloty (12 tỷ USD) và việc triển khai mạng 5G sẽ bị chậm trễ mất mấy năm.