Lần đầu tiên Estonia bỏ tù một nhà khoa học làm gián điệp cho Trung Quốc

0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam
VietTimes – Trong một động thái chưa từng có, một tòa án Estonia thành viên NATO đã kết án 3 năm tù một nhà hải dương học - người Estonia đầu tiên bị tù vì làm gián điệp cho Trung Quốc chứ không phải Nga như trước nay.
Ông Tarmo Kouts, nhà khoa học hàng đầu về hải dương của Estonia đã phải nhận án 3 năm tù vì làm gián điệp cho Trung Quốc (Ảnh: thedailybeast).
Ông Tarmo Kouts, nhà khoa học hàng đầu về hải dương của Estonia đã phải nhận án 3 năm tù vì làm gián điệp cho Trung Quốc (Ảnh: thedailybeast).

Với việc vụ án gián điệp này được đưa ra xét xử, cộng đồng tình báo châu Âu cho rằng mối đe dọa lớn nhất đối với Estonia và toàn bộ châu Âu đã chuyển từ Nga sang Trung Quốc.

Theo trang tin Hồng Kông Đông Phương (Dongfang) ngày 21/3, nhà khoa học Tarmo Kouts năm nay 57 tuổi, được Cục Tình báo Bộ Tham mưu Liên hợp Quân ủy Trung ương Trung Quốc dưới vỏ bọc của một tổ chức tư vấn tuyển dụng vào năm 2018 để tham gia các hoạt động gián điệp. Bị cáo buộc cùng phạm tội còn có một người khác nhưng không được nêu rõ danh tính. Cả hai đều bị bắt vào ngày 9/9/2020. Tarmo Kouts là người bị xét xử trước. Đây là lần đầu tiên một người Estonia bị kết tội hoạt động gián điệp cho Trung Quốc.

Ông Aleksander Toots, Phó Giám đốc Cơ quan An ninh Quốc gia Estonia (KAPO), chỉ ra rằng Tarmo Kouts bị dụ dỗ bởi tiền bạc và hy vọng được công nhận, đã nhận hối lộ từ người Trung Quốc và được chi trả cho những chuyến du lịch ăn chơi xa xỉ ở châu Á. Các nhà chức trách xác nhận Tarmo Kouts đã kiếm được 17.000 Euro từ hoạt động gián điệp, tòa án đã tịch thu số tiền tương ứng.

Tarmo Kouts là nhà khoa học có thẩm quyền về hải dương học của Đại học Công nghệ Tallinn, làm việc cho Bộ Quốc phòng Estonia, đồng thời là thành viên của Ủy ban Khoa học, Trung tâm Nghiên cứu Dưới nước của Liên minh quân sự Bắc Đại Tây Dương (NATO), chuyên nghiên cứu về công nghệ tàu ngầm đặt tại Italy.

Ông Tarmo Kouts trong quân phục Hải quân (Ảnh: ohtuleht.ee).

Ông Tarmo Kouts trong quân phục Hải quân (Ảnh: ohtuleht.ee).

VOA tiếng Trung dẫn lời ông Aleksander Toots cho biết thêm Tarmo Kouts đã thú nhận tham gia vào các hoạt động thu thập tình báo cho Trung Quốc.

Tờ The Daily Beast ngày 19/3 dẫn lời ông Aleksander Toots nói rằng Tarmo Kouts được cơ quan tình báo quân đội Trung Quốc tuyển dụng. “Động cơ của ông ta là điểm yếu chung của bản chất con người, ham tiền và được người khác ca ngợi”.

Aleksander Toots nói rằng Tarmo Kouts đã nhận tiền mặt từ Trung Quốc và được đi du lịch miễn phí đến một số nước châu Á. Phía Trung Quốc cũng cung cấp cho ông chỗ ở sang trọng và đồ ăn từ các nhà hàng Michelin nổi tiếng. Các nhân viên tình báo Trung Quốc đã liên lạc với ông ta dưới danh nghĩa một tổ chức tư vấn. Cơ quan tình báo Trung Quốc đã trả hơn 20.000 USD cho các hoạt động gián điệp của Tarmo Kouts.

Tarmo Kouts nhận bằng Tiến sĩ về vật lý môi trường năm 1999 và sau đó làm việc trong vài năm tại Viện Nghiên cứu Hàng hải của Đại học Công nghệ Tallinn ở Estonia, tham gia nghiên cứu về địa vật lý và hoạt động hải dương học. Năm 2002, nhóm nghiên cứu của ông ta đã giành được Giải thưởng Khoa học Quốc gia Estonia.

Từ năm 2006, Tarmo Kouts bước vào lĩnh vực nghiên cứu quốc phòng và được đề cử làm thành viên Ủy ban Khoa học của Bộ Quốc phòng, chịu trách nhiệm giám sát các dự án nghiên cứu và phát triển quân sự ở Estonia. Ông đã làm việc tại Trung tâm Nghiên cứu Dưới biển của NATO ở La Spezia, Italy vào các năm 2018 và 2020.

Nhiệm vụ chính của trung tâm này là thực hiện các nghiên cứu về khoa học biển. Trên cương vị này, ông ta có quyền truy cập vào các thông tin tình báo quân sự được phân loại từ Estonia và NATO. Khi bị bắt, ông ta còn có giấy phép hoạt động bí mật cho nhà nước và chứng chỉ rà soát an ninh của NATO.

Ông Aleksander Toots nói rằng trong khi Tarmo Kouts làm việc cho cơ quan tình báo quân đội Trung Quốc, hoạt động gián điệp của anh ta chỉ giới hạn trong việc quan sát và giới thiệu ngắn gọn về công việc nghiên cứu cấp cao mà anh ta tham gia, chưa chuyển bất kỳ thông tin mật nào về quân sự cho quân đội Trung Quốc.

Toots nói rằng chính vì cấp độ đánh giá an ninh cao mà Kouts đã có được nên cơ quan phản gián Estonia đã quyết định sớm chấm dứt sự hợp tác của ông ta với Trung Quốc.

Ông Toots nói rằng đây có thể là một sự giải cứu cho Tarmo Kouts. Nếu ông ta tiết lộ bí mật của NATO cho Trung Quốc, sẽ bị buộc tội phản quốc. Hình phạt cho tội phản quốc theo luật pháp Estonia khắc nghiệt hơn nhiều so với mức án tù 3 năm mà Tarmo Kouts vừa phải nhận.

Ngoài ra, theo Đài Phát thanh và Truyền hình Quốc gia Estonia (ERR News), công tố viên Inna Ombler của Estonia tuyên bố rằng vì các tài liệu của tòa án không được công khai và quá trình xét xử vụ án hình sự này được tiến hành bí mật, nên văn phòng công tố hiện không thể tiết lộ cho thế giới bên ngoài những thông tin cụ thể mà Tarmo Kouts đã cung cấp cho quân đội Trung Quốc.

Inna Ombler chỉ ra rằng cơ quan tình báo Trung Quốc thường chú ý đến những người có quyền truy cập thông tin mật của Estonia, Liên minh châu Âu và các quốc gia đối tác của họ.

Tarmo Kouts - người Estonia đầu tiên phải ngồi tù vì làm gián điệp cho Trung Quốc (Ảnh: Đông Phương).

Tarmo Kouts - người Estonia đầu tiên phải ngồi tù vì làm gián điệp cho Trung Quốc (Ảnh: Đông Phương).

Trong ba năm qua, Cơ quan phản gián Estonia (KAPO) và Cơ quan Tình báo Đối ngoại (Välisluureamet) đã đưa ra báo động về mối đe dọa gia tăng từ các hoạt động gián điệp của Trung Quốc.

Năm ngoái, Cơ quan Tình báo Đối ngoại Estonia (Välisluureamet) đã cảnh báo rằng những người Estonia đến Trung Quốc rất dễ bị ảnh hưởng và tuyển mộ: “Cơ quan mật vụ Trung Quốc có thể sử dụng nhiều phương pháp và lý do khác nhau, chẳng hạn như thiết lập mối liên hệ hoặc cung cấp cơ hội việc làm thông qua mạng Internet. Ở bên trong Trung Quốc, cơ quan mật vụ nước này có thể hoạt động gần như không hạn chế” - Välisluureamet viết trong đánh giá an ninh và môi trường hàng năm.

Ngoài ra, các chính trị gia, công chức và các nhà khoa học có giấy phép liên quan đến chính trị hoặc quốc phòng là những mục tiêu được tình báo Trung Quốc săn lùng nhiều nhất.

Cơ quan An ninh Quốc gia Estonia (KAPO) nói thêm, sau khi Estonia gia nhập Liên minh châu Âu và NATO vào năm 2004, lần đầu tiên cơ quan này phát hiện ra rằng các cơ quan tình báo Trung Quốc đã tăng cường quan tâm đến Estonia, nhưng sự quan tâm của họ gần đây đã gia tăng rất mạnh.

KAPO cho biết phía Trung Quốc đặc biệt quan tâm đến việc “ra quyết định đối với các vấn đề toàn cầu, chẳng hạn như Bắc Cực, khí hậu hoặc các vấn đề thương mại”. Tarmo Kouts chính là người kiểu này, vì nghiên cứu khoa học của ông ta chủ yếu tập trung vào tác động của biến đổi khí hậu đại dương và một số luận văn học thuật của ông cũng hoàn toàn tập trung vào khu vực Bắc Cực.