Ấu trùng sán dây chó làm ổ trong phổi vì thói quen ăn gỏi sống

0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam

VietTimes –  Một bệnh nhân 38 tuổi, bị nhiễm ấu trùng sán dây chó hiếm gặp ký sinh tại phổi, chỉ vì thường xuyên ăn gỏi sống. May mắn, bệnh nhân đã được các bác sĩ Bệnh viện Trung ương quân đội 108 phẫu thuật, lấy ra ổ sán.

Ấu trùng sán dây chó ký sinh dưới da bệnh nhân (ảnh BVCC)
Ấu trùng sán dây chó ký sinh dưới da bệnh nhân (ảnh BVCC)

Theo các bác sĩ, đây là trường hợp nhiễm sán dây chó hiếm gặp tại Việt Nam.

Bệnh nhân nhập viện với các các triệu chứng mệt mỏi, đau vùng ngực phải âm ỉ, thỉnh thoảng khó thở. Theo bệnh nhân, trước khi khởi phát bệnh, bệnh nhân hay ăn các thực phẩm tái hoặc sống như thịt cừu nướng chưa chín, tiết canh dê, rau sống và gỏi cá...

Kết quả chụp phim cắt lớp vi tính lồng ngực cho thấy bệnh nhân có tổn thương dạng nang thùy dưới phổi phải kích thước 12x9x8cm. Vì thế, bệnh nhân được chỉ định phẫu thuật cắt nang dịch bằng kỹ thuật phẫu thuật nội soi lồng ngực.

Các bác sĩ đã phẫu thuật và lấy ra một nang dịch kích thước lớn, thành dày, dịch nang trong, bên trong có chứa các đầu sán nằm ở thùy dưới phổi phải. Bệnh phẩm được gửi soi tươi xác định ấu trùng sán dây chó. Sau mổ bệnh nhân diễn biến ổn định, hồi phục tốt.

Theo các bác sĩ Bệnh viện Trung ương Quân đội 108, bệnh sán dây chó là bệnh gây ra bởi các loài sán thuộc giống Echinococcus. Giống Echinococcus có khoảng 10 loài. Trong đó hai loài gây bệnh chính ở người là: E. granulosus và E. multilocularis. Loài E. granulosus gây tổn thương thể nang nước (Cystic echinococcosis), loài này có vật chủ chính là chó nuôi, chó hoang... Vật chủ trung gian là loài động vật ăn cỏ, đặc biệt là cừu.

Bệnh do ấu trùng sán dây chó Echinococcus có biểu hiện lâm sàng phụ thuộc vào loài sán dây chó bị nhiễm. Đặc điểm của bệnh là phát triển chậm, trong một thời gian dài có thể hoàn toàn không có triệu chứng. Các nang sán hay gặp ở gan, sau đó là phổi và các cơ quan khác như thận, lách, tim, tổ chức thần kinh hoặc xương. Nếu không phát hiện kịp thời, bệnh sán chó sẽ gây ra tình trạng: Thường xuyên mệt mỏi, giảm cân, tiêu chảy, ngứa xung quanh hậu môn, động kinh, suy nhược, thiếu máu.

Bên cạnh những bệnh lý trên, ký sinh trùng sán dây chó có thể gây ra những biến chứng nguy hiểm tại gan, phổi, tim... Đặc biệt, khi ấu trùng di chuyển vào gan và phổi có thể gây viêm gan, viêm phổi. Nếu biến chứng ở mức độ nặng, người bệnh sẽ có các triệu chứng toàn thân như: Gan to, viêm gan, tổn thương phổi...

Mặc dù hiếm gặp, nhưng khi ấu trùng di chuyển đến tim có thể gây nguy hiểm cho tính mạng do gây viêm cơ tim tăng bạch cầu ái toan, viêm màng ngoài của tim... Người bệnh cũng có thể sẽ bị chèn ép tim, suy tim, thậm chí gây ảnh hưởng đến sự sống còn của bệnh nhân.

Ngoài ra, nếu ấu trùng di chuyển đến hệ thần kinh trung ương thì sẽ gây ra các triệu chứng viêm thần kinh ngoại biên, viêm màng não, viêm tủy sống, cứng cổ, mất khả năng điều hòa vận động. Mặc dù tổn thương hệ thần kinh trung ương do nhiễm sán chó tuy hiếm gặp, nhưng nó gây ra nguy cơ gây ra biến chứng nghiêm trọng như động kinh, rối loạn cảm giác, hôn mê, yếu cơ, rối loạn đại - tiểu tiện...

Bệnh còn có thế gây biến chứng tại mắt khi ấu trùng khu trú tại mắt, cơ thể sẽ phản ứng bằng cách tạo ra các u hạt vây quanh ấu trùng, gây giảm thị lực và dẫn đến mất thị lực hoàn toàn. Ấu trùng di chuyển vào mắt còn gây xâm lấn võng mạc dẫn đến bong võng mạc và người bệnh có sẽ bị mù lòa.

BS. Nguyễn Văn Hoàng - Khoa Ngoại lồng ngực, Bệnh viện Trung ương Quân đội 108 - khuyến cáo: Tất cả mọi người đều có khả năng nhiễm ấu trùng sán dây chó và có thể bị nhiễm nếu ăn phải trứng sán dây chó. Người mắc bệnh do nuốt phải trứng sán dây chó khi ăn uống các loại thực phẩm bị nhiễm trứng sán dây chó. Người sau khi có tiếp xúc trực tiếp với chó, cáo, chồn nhiễm bệnh cũng có nguy cơ này.

Để tránh nhiễm ấu trùng sán dây chó cũng như các ấu trùng ký sinh khác ở người, người dân cần ăn chín, uống sôi, không nên ăn gỏi, thức ăn chưa được nấu chín; tránh tiếp xúc phân chó, chú ý vấn đề rửa tay sạch sẽ; cắt đường lây truyền bằng cách không cho chó ăn các phủ tạng chưa được nấu chín; đốt hoặc chôn sâu các phủ tạng của vật chủ trung gian bị chết; tẩy sán định kỳ cho đàn chó có nguy cơ cao, giảm số lượng cá thể đàn chó...

Đối với người dân từng sống trong vùng dịch tễ có bệnh lưu hành, ăn các món ăn có nguy cơ nhiễm ấu trùng của Echinococcus cùng với các biểu hiện nghi ngờ như sốt nhẹ, mệt mỏi, ăn kém, vàng da, mẩn ngứa, đau ngực, khó thở, ho dai dẳng đôi khi ho máu cần đi khám ngay để chẩn đoán sớm và điều trị kịp thời.