Apple tuyên bố dừng khai thác trái đất, iPhone sẽ không còn “quý hiếm”?

VietTimes -- Apple có lẽ đã cảm nhận được mình đang khai thác tài nguyên quý hiếm của trái đất quá nhiều, nên trong Báo cáo Trách nhiệm Môi trường 2017 mà hãng này vừa công bố, Apple đã nêu ra sáng kiến là “ngừng khai thác trái đất hoàn toàn”.
Nguồn khoáng sản từ trái đất không phải là vô tận
Nguồn khoáng sản từ trái đất không phải là vô tận

Bạn đã bao giờ tò mò muốn biết điện thoại mình làm từ những nguyên liệu gì? Những linh kiện bên trong như bộ vi xử lý, ổ đĩa lưu trữ có thành phần như thế nào?

Hầu hết các smartphone ngày nay được cấu thành từ gần 70 các nguyên tố khác nhau, trong đó có 62 nguyên tố là kim loại. Trong số 17 nguyên tố hiếm trên thế giới thì smartphone dùng tới 16 nguyên tố. Xét trên một khía cạnh nào đó, thì iPhone cũng là một thiết bị “quý hiếm”.

Apple có lẽ đã cảm nhận được mình đang khai thác tài nguyên quý hiếm của trái đất quá nhiều, nên trong Báo cáo Trách nhiệm Môi trường 2017 mà hãng này vừa công bố, Apple đã nêu ra sáng kiến là “ngừng khai thác trái đất hoàn toàn”. Apple mới đây đã bị cuốn vào một vụ bê bối liên quan đến việc trẻ em khai thác cô ban ở Công gô. Các phóng viên đã chụp ảnh được có em bé 4 tuổi cũng xuống hầm mỏ để khai thác cô ban. Nguyên liệu này sau đó được bán lại cho Apple để chế tạo điện thoại.

Apple tuyên bố từ nay sẽ sản xuất smartphone từ nguyên liệu tái chế nhằm bảo vệ môi trường, khi mà các nguồn tài nguyên dưới lòng đất đang dần cạn kiệt và khí hậu trái đất đang biến đổi.

Apple là một trong những công ty tiên phong trong việc chuyển sang sử dụng nguyên liệu tái chế và sản xuất bền vững. Phó chủ tịch của Apple về Môi trường, Chính sách và Sáng kiến Phục vụ Cộng đồng, bà Lisa Jackson thừa nhận rằng công ty này có chút lo lắng về kế hoạch sử dụng nguyên liệu tái chế, vì chưa biết chính xác sẽ làm thế nào để đạt được mục tiêu đề ra. Bà Lisa giải thích rằng iPhone và các thiết bị khác của Apple sẽ được sản xuất từ các linh kiện thu thập được qua các chương trình hoàn trả điện thoại.

Apple đã nhận thức được thực tế rằng trong vòng từ 10 - 15 năm tới, con người sẽ không thể khai thác các nguyên tố quan trọng từ lớp vỏ trái đất để dùng cho điện thoại nữa. Các nhà khoa học của Đại học Yale năm 2013 đã từng thử nghiệm các thành phần thay thế cho 62 nguyên tố kim loại trong điện thoại di động. Tuy nhiên, các chất thay thế này hoạt động không tốt bằng 62 kim loại đề cập ở trên.

Ngay cả khi con người không bị hạn chế về nguồn tài nguyên, khai thác mỏ là một trong những nguồn gây ô nhiễm nặng nề cho đất đai và nguồn nước trên toàn cầu do chất thải được đổ ra môi trường.

Apple hy vọng sẽ trở thành một hình mẫu bảo vệ môi trường toàn cầu để các công ty khác như Samsung, LG, Google hướng tới. Apple đã sử dụng năng lượng tái tạo để cung cấp điện năng cho 96% cơ sở của mình. Trách nhiệm bảo vệ môi trường đã trở thành một tiêu chuẩn mà nhiều nhà sản xuất không thể bỏ qua trong những năm tới.