Tờ Financial Times mới đây đã đưa tin rằng gã khổng lồ công nghệ Hoa Kỳ dự kiến sẽ sản xuất ít hơn 400.000 mẫu kính Vision Pro vào năm 2024, trước đó công ty đặt mục tiêu doanh số là 1 triệu chiếc trong 12 tháng đầu tiên.
Theo một số người tham gia vào quá trình sản xuất, vấn đề nghiêm trọng nhất liên quan đến màn hình micro OLED - thành phần có kích thước chỉ bằng con tem nhưng đóng vai trò quan trọng hàng đầu của kính.
Theo Financial Times, loại màn hình micro OLED cho Vision Pro có cấu tạo khác với loại dùng trên smartphone. Nếu màn hình OLED cho điện thoại có các bóng đi-ốt siêu nhỏ được đặt trên một tấm thủy tinh, màn cho kính Apple lại được đặt trên tấm wafer silicon tương tự sản xuất chip. Chất liệu silicon hiện cũng đắt hơn nhiều lần so với thủy tinh, khiến chi phí ban đầu tăng cao.
Thế hệ micro OLED hiện tại có độ phân giải 3.000 pixel mỗi inch (PPI) - gấp sáu lần so với PPI trong màn hình OLED thủy tinh và lớn hơn độ phân giải của những chiếc TV 4K hiện đại nhất.
Được biết, chỉ cần một hạt bụi siêu nhỏ dính vào trong quá trình sản xuất, màn hình lập tức bị hỏng và trên thực tế hiện tại cũng chưa có công ty nào bắt đầu sản xuất hàng loạt, điều này khiến giá thành của công nghệ này bị đội lên cao ngất ngưởng.
Eric Chiou, Phó Chủ tịch nghiên cứu cấp cao của TrendForce ước tính tổng chi phí cho hai màn hình micro OLED - một màn hình cho mỗi mắt - trong một chiếc kính Apple Vision Pro là 700 USD, gần bằng một nửa chi phí sản xuất của mẫu thiết bị này - 1.509 USD.
Theo hai người quen thuộc với quy trình sản xuất của Vision Pro, những tấm màn hình micro OLED đầu tiên của Apple đang được sản xuất bởi Sony và sử dụng các tấm silicon do nhà sản xuất chất bán dẫn Đài Loan TSMC sản xuất.
Tuy nhiên, gã khổng lồ công nghệ Nhật Bản từ chối bình luận về việc liệu họ có phải là nhà cung cấp cho Vision Pro hay không. Nhiều chuyên gia cho rằng, Sony đang lưỡng lự trong bối cảnh hoài nghi về triển vọng tăng trưởng trong tương lai của thị trường kính thực tế hỗn hợp.
“Chúng tôi sẽ theo dõi xem nhu cầu [đối với màn hình micro OLED] sẽ tăng lên bao nhiêu”, Terushi Shimizu, người đứng đầu bộ phận bán dẫn của Sony, cho biết vào tuần trước, đồng thời nói thêm rằng “Tôi không nghĩ chúng tôi sẽ đón nhận tích cực” việc sản xuất màn hình hàng loạt.
Hiroshi Hayase, một chuyên gia về màn hình tại Omdia, cho biết Sony có thể có khả năng tăng sản lượng màn hình micro OLED ở một mức độ nào đó vì trước đây họ đã sản xuất số lượng lớn hơn để sử dụng trong máy ảnh kỹ thuật số của hãng.
Tuy nhiên, theo ông Hiroshi, sự xuất hiện của Vision Pro không tác động đáng kể đến việc mở rộng sản xuất màn hình micro OLED. "Đối với Sony, đơn giản là họ không có lý do gì để từ chối một khách hàng lớn như Apple, nhưng số lượng Vision Pro bán ra trong tương lai mới là yếu tố quyết định", ông Hiroshi nói.
Việc Sony thận trọng mở rộng sản xuất màn micro OLED cho Vision Pro đang mở ra cơ hội cho các đối thủ như Samsung Display và LG Display. Công ty con của Samsung hồi tháng 5 đã mua lại nhà sản xuất micro OLED eMagin của Mỹ với giá 218 triệu USD, dự kiến sản xuất thử nghiệm loại màn hình này vào năm sau. Còn LG Display đã giới thiệu nguyên mẫu micro OLED tại triển lãm CES 2023 hồi đầu năm.
Theo Financial Times, Apple hiện đang hợp tác với Samsung và LG để phát triển các thế hệ Vision Pro trong tương lai, bao gồm cả phiên bản Vision Pro rẻ hơn được thiết kế để thu hút người tiêu dùng đại chúng.
SeeYA, một công ty của Trung Quốc, cũng được cho là đã gửi tới Apple nhiều nguyên mẫu màn hình micro OLED. Theo hai nguồn tin, Apple thậm chí đã cử nhân viên đến làm việc với SeeYA.
Tuy nhiên, các nguồn tin cho rằng ngoài Sony, không ai trong số những cái tên trên đáp ứng được kỳ vọng của hãng công nghệ Mỹ. Yi Choong-hoon, chuyên gia trong lĩnh vực màn hình và là CEO của UBI Research, đánh giá Samsung "đang ở vị trí tốt nhất" trong việc cung cấp màn hình micro OLED cho Vision Pro thế hệ thứ hai, nhưng dự đoán số lượng đáp ứng còn hạn chế do khó sản xuất.
"Không dễ tăng tỷ lệ sản xuất bởi chi phí tạo các pixel siêu nhỏ gọn trên các tấm silicon rất đắt", ông Choong-hoon nói. "Màn hình micro OLED khó có giá tốt trong một sớm một chiều".
Nam Sang-uk, một nhà nghiên cứu tại Viện nghiên cứu Thương mại, Kinh tế và Công nghiệp Hàn Quốc do nhà nước điều hành, cho biết tất cả các nhà sản xuất màn hình đều phải đối mặt với tình thế tiến thoái lưỡng nan về việc liệu có nên dành các nguồn lực cần thiết để sản xuất linh kiện cho sản phẩm vẫn còn vướng phải nhiều nghi ngờ hay không.
Ông Nam Sang-uk cho biết: “Để tăng tỷ lệ sản lượng của micro OLED, Samsung và LG cần đầu tư hàng tỉ USD. Nhưng đó không phải là ưu tiên hàng đầu của họ . . . Hiện tại, trọng tâm của họ sẽ vẫn là màn hình OLED cho TV, máy tính bảng và điện thoại có thể gập lại, vì kính thực tế hỗn hợp khó có thể sớm được bán đại trà”.
Theo Financial Times
Bình luận của bạn đọc
Bình luận bằng tài khoản VietTimes
Bình luận bằng tài khoản mạng xã hội
Xin vui lòng gõ tiếng Việt có dấu