Đơn kiện được nộp vào 10/12 bởi lập trình viên tạo ra Cydia, kho ứng dụng nổi tiếng cho iPhone ra mắt năm 2007, trước khi App Store xuất hiện.
Nhà phát triển của Cydia cho biết Apple đã “loại bỏ mọi sự cạnh tranh một cách bất hợp pháp” trên App Store của mình, khiến người dùng bị hạn chế việc lựa chọn địa điểm tải ứng dụng iOS và các nhà phát triển chọn nhà phân phối để sử dụng.
Đơn kiện của Cydia được gửi lên tòa án liên bang ở California là trường hợp mới nhất cáo buộc Apple khai thác sự thống trị thị trường và một trong những “nạn nhân” phải gánh chịu hậu quả là các đối thủ như Cydia.
Cydia là một kho ứng dụng của các bên thứ ba cung cấp cho người dùng các ứng dụng (miễn phí và có phí) can thiệp sâu vào hệ thống để các thiết bị iOS có thể được sử dụng linh hoạt hơn theo ý thích của người sử dụng.
Theo Freeman - cha đẻ của Cydia, khoảng 50% người dùng iPhone đầu tiên đã “bẻ khóa” (jailbreak) điện thoại để cài đặt Cydia. Năm 2010, Freeman cho biết kho ứng dụng này có 4,5 triệu người tìm kiếm app mỗi ngày.
Đáp lại, Apple cho biết hãng đang xem xét vụ kiện và khẳng định công ty không độc quyền bất kỳ thị trường nào.
Táo khuyết cũng nhấn mạnh rằng vì lý do bảo mật, công ty không khuyến khích người tiêu dùng cố gắng mở khóa iPhone của họ - quá trình thường được gọi là “bẻ khóa iOS” với mục địch cài đặt phần mềm trái phép.
Đối thủ chính của iOS là hệ điều hành Android của Google, được sử dụng trên smartphone của các đối thủ như Samsung.
Nhà sản xuất iPhone đã nhiều lần vướng phải cáo buộc độc quyền trên App Store. Tháng 8/2020, Epic Games - công ty sản xuất trò chơi điện tử Fortnite cũng đã đệ đơn kiện Apple, cáo buộc hãng lũng đoạn thị trường ứng dụng và chèn ép các đối thủ.
Epic đã cáo buộc Apple xóa Fortnite khỏi App Store của mình một cách bất hợp pháp chỉ vì Epicmuoosn sử dụng hệ thống thanh toán của riêng mình thay vì của Nhà Táo để tránh khoản phí hoa hồng 30%. Vụ kiện có khả năng sẽ được đưa ra xét xử vào tháng 5/2021.
Vào tháng trước, Apple đã công bố chương trình giảm phí hoa hồng xuống 15% thay vì 30% đối với tất cả các nhà phát triển có thu nhập dưới 1 triệu USD kể từ ngày 1/1/2021.
Theo Reuters