Các bức ảnh vệ tinh cho thấy tòa nhà trên đảo nhân tạo ở Đá Tư Nghĩa và Gaven đều có cấu trúc như nhau. Như vậy, theo chuyên gia Hardy, Trung Quốc đã chuẩn hóa thiết kế của các kiến trúc để triển khai trên các đảo nhân tạo họ mới bồi đắp.
Những hình ảnh từ Google Earth và những nguồn khác tiết lộ việc Trung Quốc cải tạo đất và xây đảo ở cả bốn bãi đá tại Trường Sa bắt đầu sau khi Chủ tịch Tập Cận Bình lên nắm quyền vào năm 2012. Việc xây dựng tại hai trong số 4 bãi đá này bắt đầu trong năm 2014, bất chấp sự phản đối từ các nước láng giềng và do vậy làm ấm lên mối quan hệ quân sự của các nước này với Washington.
Các quan chức Mỹ đã nhiều lần yêu cầu Trung Quốc chấm dứt việc cải tạo đất và xây đảo, nhưng không có kết quả. Ông Daniel Russel, Trợ lý Ngoại trưởng Mỹ phụ trách Đông Á và Thái Bình Dương đã nêu mối quan ngại của Mỹ về các vấn đề trên trong chuyến thăm Bắc Kinh đầu tháng 2.2015.
Trong một cuộc phỏng vấn, ông Russel đã từ chối thảo luận về các chi tiết cụ thể của cuộc hội đàm tại Bắc Kinh, nhưng nói rằng Mỹ hy vọng Trung Quốc sẽ ngừng công việc cải tạo đất và xây đảo.
"Việc đó gây bất ổn và mâu thuẫn với các cam kết của Trung Quốc với các thành viên ASEAN”, ông Russel nói.
Trung Quốc đã ký một thỏa thuận không ràng buộc với ASEAN, cam kết tránh các hoạt động khiêu khích ở Biển Đông, như đưa người cư trú ở các bãi đá và đảo trước đây bỏ hoang.
"Diện tích tuyệt đối của các khu vực cải tạo đất để xây đảo nhân tạo mà Trung Quốc tiến hành trong 2-3 năm qua vượt xa nhiều lần mọi thứ mà các bên tranh chấp khác đã làm", ông Russel nói.
Bộ Ngoại giao Trung Quốc từ chối bình luận về các hình ảnh vệ tinh mới nhất này, nhưng dẫn lại các thông báo trước đó rằng Bắc Kinh có chủ quyền đối với khu vực đang xây dựng và công việc đó được thiết kế để cải thiện cuộc sống của những người làm việc ở đó.
Các bãi đá trong những hình ảnh vệ tinh mới nhất này là một phần của quần đảo Trường Sa, nằm trong cái gọi là đường chín đoạn (đường lưỡi bò) mà Bắc Kinh đơn phương đưa ra để tuyên bố yêu sách chủ quyền gần như toàn bộ Biển Đông.
Yêu sách của Trung Quốc về chủ quyền trên Biển Đông gây xung đột với các nước trong khu vực có chủ quyền ở đây, như Malaysia, Việt Nam, Brunei, Philippines (nước có hiệp ước đồng minh với Mỹ), và nhiều nước trong số này đã củng cố quan hệ quốc phòng với Mỹ trong những năm gần đây để đối phó những hành vi quyết liệt của Trung Quốc về yêu sách lãnh thổ.
Theo các quan chức Mỹ và các chuyên gia trong khu vực, vài nước có tranh chấp chủ quyền ở Biển Đông, như Việt Nam đã xây dựng cơ sở hạ tầng trên các đảo và đá ngầm đang kiểm soát, nhưng với quy mô nhỏ hơn nhiều.
Chính phủ Philippines mới đây trong tháng 2.2015 đã chính thức phản đối việc Trung Quốc đang tiến hành cải tạo đất và xây đảo tại đá Vành Khăn ở Trường Sa (Philippines gọi là Mischief Reef). Philippines từ chối bình luận về những hình ảnh vệ tinh mới nhất về việc Trung Quốc xây đảo ở Trường Sa, và chính quyền Việt Nam chưa đưa ra bình luận nào.
Nhiều chuyên gia và quan chức Mỹ nói rằng các cơ sở hạ tầng Trung Quốc xây dựng ở Trường Sa rõ ràng là dùng cho mục đích quân sự, trong khi một số hành động gần đây của nước này trong việc tranh giành chủ quyền lãnh thổ thì được thực hiện bằng lực lượng hải cảnh và kiểm ngư.
Ông James Hardy, biên tập khu vực châu Á - Thái Bình Dương của tạp chí chuyên về quân sự IHS Jane’s Defence Weekly, nhận xét: "Từ chỗ chỉ có một số cơ sở nhỏ bằng bê tông, bây giờ Trung Quốc đã có các đảo đầy đủ với sân bay trực thăng, đường băng, cảng và các phương tiện để hỗ trợ số lượng lớn binh lính".
Theo ông Hardy, các cơ sở hạ tầng như vậy cho phép Trung Quốc thực hiện đường lưỡi bò một cách mạnh mẽ hơn. Ông cho biết Trung Quốc đã cải tạo đất ít nhất thêm một rạn san hô khác trong khu vực, nhưng hình ảnh vệ tinh đã không cho thấy.
"Chúng ta có thể thấy rằng đây là một chiến dịch có phương pháp, được lên kế hoạch chi tiết để tạo ra một chuỗi pháo đài có khả năng kiểm soát đường không và đường biển dọc trung tâm của quần đảo Trường Sa", ông Hardy nói.
Một số quan chức Mỹ và khu vực gợi ý rằng Trung Quốc có thể sử dụng các cơ sở hạ tầng mới để lập một Vùng nhận dạng phòng không (ADIZ) tương tự ADIZ nước này lập vào cuối năm 2013 trên vùng biển Hoa Đông, nơi yêu sách lãnh thổ của Trung Quốc chồng lấn với Nhật Bản. Trung Quốc đã cho biết sẽ thành lập thêm ADIZ nhưng chưa có kế hoạch lập ADIZ trên Biển Đông.
Hồi tháng 11.2014, các hình ảnh do tạp chí Jane’s công bố cho thấy Trung Quốc đang xây đảo ở bãi đá thứ tư là đá Chữ Thập chiếm của Việt Nam, nơi theo các chuyên gia phân tích quân sự và các học giả cho là đủ rộng để xây một đường băng.
Máy bay Trung Quốc có thể tuần tra biển Hoa Đông tương đối dễ dàng từ các căn cứ ở miền đông Trung Quốc, nhưng không thể hoạt động hiệu quả trên các quần đảo Trường Sa và các vùng xa xôi khác của Biển Đông nếu không được tiếp nhiên liệu và có sự hỗ trợ từ mặt đất.
Các cơ sở đang xây ở đá Chữ Thập có thể phù hợp cho việc này, theo một số chuyên gia. Một khả năng khác là Trung Quốc sẽ sử dụng đường băng ở đá Chữ Thập như là nơi hỗ trợ cho các hoạt động trong tương lai của tàu sân bay Liêu Ninh từng xuống Biển Đông luyện tập.
Trong tương lai gần, các cơ sở hạ tầng ở các đảo nhân tạo này có thể được sử dụng nhiều hơn để tăng cường tầm bao phủ của radar, hỗ trợ một lượng nhỏ đơn vị quân đội và cung cấp hỗ trợ hậu cần cho các tàu tuần tra đi xa hơn xuống phía nam Biển Đông, theo một số chuyên gia.
Chuyên gia Ian Storey, nghiên cứu về Biển Đông, tại Viện Nghiên cứu Đông Nam Á ở Singapore, cho biết các cơ sở này có khả năng sẽ được sử dụng để "thực thi tuyên bố chủ quyền và quyền tài phán của Trung Quốc, và gia tăng áp lực đối với các tàu chiến và tàu bảo vệ bờ biển của các nước tranh chấp khác".
"Điều này cho thấy mặc dù gần đây Bắc Kinh nói đang tìm cách hạ nhiệt căng thẳng ở Biển Đông, chính sách của nước này về thực hiện cái gọi là đường lưỡi bò cơ bản vẫn không thay đổi", theo ông Ian Storey.
Ông Storey và các chuyên gia khác, cũng như các quan chức Mỹ, cho rằng các hoạt động xây đảo của Trung Quốc sẽ không làm tăng tính hợp pháp về yêu sách chủ quyền tại Biển Đông theo Công ước Liên Hợp Quốc về Luật Biển, đó là chỉ có đất được hình thành một cách tự nhiên mới cho phép một quốc gia tuyên bố quyền hàng hải trong vùng nước lân cận.
Một tòa án Liên Hợp Quốc đang mở phiên điều trần vụ kiện do Philippines khởi kiện việc Trung Quốc tuyên bố chủ quyền ở Biển Đông. Tuy nhiên, Trung Quốc được cho là sẽ bác bỏ phán quyết của tòa án; và Mỹ cùng các đồng minh và đối tác của mình có rất ít lựa chọn để ngăn chặn Bắc Kinh tiếp tục cải tạo đất và xây dựng công trình trên đảo nhân tạo.
Thậm chí giáo sư Carlyle Thayer, chuyên gia về Biển Đông tại Học viện Quốc phòng Úc nhận xét bi quan rằng "Mỹ và các đồng minh cùng đối tác chỉ có thể đưa ra phản kháng rằng Trung Quốc nên ngừng các hoạt động của mình và tự kiềm chế. Nhưng Trung Quốc sẽ làm ngơ trước các phản kháng này. Việc sử dụng các tàu chiến của hải quân Mỹ sẽ làm tình hình căng thẳng thêm leo thang và mang lại nhiều rủi ro".
Đối với chuyên gia Hardy, việc cải tạo địa hình mà Bắc Kinh đang thực hiện tại Trường Sa không có giá trị nhiều trong việc giúp Trung Quốc củng cố các yêu sách của Trung Quốc chiếu theo Công ước Liên Hiệp Quốc về Luật Biển.
Theo: Bizlive