Ăn sâu ban miêu để tăng cường sinh lý, người đàn ông 42 tuổi suýt tử vong

0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam

Sau khi ăn sâu ban miêu chiên chừng 30 phút, người đàn ông bị ngộ độc, tiểu ra máu, buồn nôn, đau bụng, tê bì đầu lưỡi và mặt, chân tay yếu…Nhưng may mắn, bệnh nhân đã được các bác sĩ Bệnh viện Trung ương Quân đội 108 cứu sống.

VT_ 108a.jpg
Bác sĩ Khoa Hồi sức nội khoa và chống độc Bệnh viện Trung ương Quân đội 108 chăm sóc bệnh nhân bị ngộ độc

Bệnh nhân N.Đ.T. (42 tuổi) được đưa vào Khoa Hồi sức nội khoa và chống độc Bệnh viện Trung ương Quân đội 108 trong tình trạng nguy kịch, mệt mỏi toàn thân, tiêu cơ vân, suy thận cấp.

Gia đình cho biết ông T. ăn sâu ban miêu chiên xong thì bị buồn nôn, đau bụng, tê bì đầu lưỡi và mặt, chân tay yếu, khó vận động và đái ra máu. Gia đình đã đưa ông vào bệnh viện tỉnh và được bác sĩ chẩn đoán ngộ độc sâu ban miêu. Do tình trạng bệnh tiến triển nặng nên bệnh nhân được chuyển tới Bệnh viện Trung ương Quân đội 108.

Với kinh nghiệm trong điều trị chống độc, các bác sĩ Khoa Hồi sức nội khoa và chống độc Bệnh viện Trung ương Quân đội 108 đã tiến hành điều trị hồi sức nội khoa tích cực, truyền dịch, giải độc không đặc hiệu và theo dõi sát chức năng các tạng cho bệnh nhân.

Quá trình điều trị đúng phác đồ và được chăm sóc chu đáo, sức khoẻ bệnh nhân đã được cải thiện nhanh chóng và dần hồi phục, các chức năng vận động đã trở lại bình thường.

Từ ca ngộ độc được điều trị thành công này, TS. Phạm Đăng Hải, Phụ trách Chủ nhiệm khoa Hồi sức nội khoa và chống độc, cho biết: Sâu ban miêu (hay còn gọi là ban mao, ban manh) có chứa chất độc Cantharidin. Nhưng vì lời đồn không có căn cứ khoa học là ăn sâu ban miêu giúp tăng cường sinh lý, nên nhiều người đã mạo hiểm ăn loài côn trùng độc này, dẫn đến bị ngộ độc nặng.

Sau ban mieu.png
Sâu ban miêu

Theo TS. Phạm Đăng Hải, biểu hiện ngộ độc Cantharidin ban đầu hình thành bọng nước ngoài da khi tiếp xúc, tiếp đến tổn thương niêm mạc đường tiêu hoá, tổn thương đa cơ quan, thậm chí tử vong.

Để phòng tránh tình trạng ngộ độc do ăn sâu ban miêu, TS. Phạm Đăng Hải khuyến cáo người dân tuyệt đối không ăn các loại côn trùng lạ, kiểm tra kỹ khi mua rau củ quả để không lẫn sâu ban miêu trong thực phẩm. Lưu ý khi sử dụng thuốc đông y vì một số bài thuốc dân gian không rõ nguồn gốc thường có thành phần từ sâu ban miêu. Khi nghi ngờ bị ngộ độc sâu ban miêu, cần nhanh chóng đưa đến cơ sở y tế gần nhất để được xử lý kịp thời.

BS. Nguyễn Đức Lộc (Khoa Hồi sức Nội khoa và Chống độc) thông tin thêm: Sâu ban miêu là một loại bọ có hình dáng giống bọ xít, độc tính cao có thể dẫn tới ngộ độc nếu dùng sai cách.

Sâu ban miêu ở Việt Nam thường được tìm thấy trên thân cây đậu (còn được gọi là sâu đậu). Ban miêu là một loại bọ cánh cứng, có màu đen, thân hình nhỏ, chiều dài khoảng 1,5 - 3cm chiều ngang khoảng 0,4 - 0,6cm. Đầu của ban miêu hình trái tim, có một rãnh nhỏ dọc ở giữa đầu, có 11 đốt và râu đen hình sợi. Ở Việt Nam, sâu ban miêu thường sống hoang ở nhiều vùng gồm cả đồi núi và đồng bằng.

Ngo doc.png
Một bệnh nhân nguy kịch vì ngộ độc sâu ban miêu

Theo GS.TSKH. Vũ Quang Côn, Hội Côn trùng học Việt Nam, sâu ban miêu chứa rất nhiều chất độc, các chất độc này nếu con người tiếp xúc phải, nhẹ thì gây rộp da, bỏng, nặng thì có thể tử vong.

Ban miêu thuộc loại độc bảng A. Ngộ độc sâu ban miêu thường rất đau đớn và nặng với những triệu chứng ở dạ dày và ruột, tiểu tiện ít và có máu, dương vật cương lên đau đớn, do những rối loạn về thần kinh và có thể tử vong trong vòng 24 giờ.

Mới đây, Trung tâm chống độc Bệnh viện Bạch Mai cũng đã cấp cứu 3 người đàn ông bị ngộ độc do ăn sâu ban miêu đen chiên. Cả 3 đều bị đau bụng, nôn và nôn ra máu, khó thở, phồng rộp niêm mạc vùng lưỡi...Năm 2022, đã có trường hợp ở Gia Lai tử vong sau khi ăn sâu ban miêu.