Bộ trưởng Quốc phòng Rajnath Singh đã tuyên dương "lòng dũng cảm không gì sánh bằng" của Lực lượng Không quân Ấn Độ (IAF) trong hàng loạt đoạn tweet - nhân sự kiện 1 năm quân đội nước không kích một cơ sở huấn luyện của Jaish-e-Mohammad (JeM), một tổ chức khủng bố có trụ sở ở vùng lãnh thổ Kashmir thuộc quản lý của Pakistan.
Ông Singh tuyên bố rằng Ấn Độ sẽ hành động cứng rắn đối với chủ nghĩa khủng bố.
"Chính phủ của chúng tôi, dưới sự dẫn dắt của Thủ tướng Narendra Modi, đã theo hướng tiếp cận khác biệt so với các chính phủ trước đây. Giờ chúng tôi sẽ không do dự băng qua biên giới để bảo vệ Ấn Độ trước chủ nghĩa khủng bố" - ông nói.
IAF đã thực hiện nhiều đòn không kích hồi tháng 2/2019 nhằm đáp trả một vụ đánh bom tự sát ở quận Pulwama thuộc bang Jammu và Kashmir của nước này, khiến 43 binh sĩ Ấn Độ thiệt mạng. JeM tuyên bố nhận trách nhiệm vụ đánh bom, và sau đó trại huấn luyện của tổ chức này ở Balakot, Pakistan đã trở thành mục tiêu của các đòn không kích Ấn Độ thực hiện.
Cũng phát biểu trong hôm 26/2, chỉ huy IAF Rakesh Kumar Singh Bhadauria đã mô tả vụ không kích hồi năm ngoái là chiến dịch không quân lớn nhất trong khu vực suốt nhiều thập kỷ qua, trong đó có sự tham gia của 12 chiến đấu cơ Mirage 2000. "Số lượng lớn" những kẻ khủng bố đã bị tiêu diệt trong vụ không kích, theo giới chức Ấn Độ.
Tuy nhiên, chính quyền Pakistan đã bác bỏ đánh giá của phía Ấn Độ, nói rằng không có mục tiêu lớn nào bị thiệt hại trong vụ không kích ở Balakot. Trong khi IAF khẳng định rằng: "Không nghi ngờ gì việc chúng tôi đã đánh trúng mục tiêu và hoàn thành nhiệm vụ của mình".
Quân đội Pakistan chỉ 1 ngày sau đã tung đòn trả đũa, cuối cùng khiến 1 máy bay chiến đấu của Ấn Độ bị rơi sau một pha đối đầu và bắt giữ phi công Abhinandan Varthaman. Viên phi công này đã được tán dương như vị anh hùng sau khi được Pakistan trả tự do.
Về phần mình, New Delhi tuyên bố đã bắn hạ 1 phi cơ chiến đấu F-16 của Pakistan trong cùng vụ đụng độ trên, mặc dù lực lượng không quân Pakistan liên tục bác bỏ thông tin trên - thậm chí còn trưng ra 4 tên lửa chưa sử dụng thu được từ máy bay của phi công Varthaman để chứng minh.
Vụ không kích ở Balakot và đụng độ giữa chiến đấu cơ hai nước đã đẩy 2 nước láng giềng sở hữu vũ khí hạt nhân tới bờ vực chiến tranh, khơi dậy hàng loạt các vụ đụng độ xuyên biên giới và pháo kích từ cả hai phía. Một số thông tin mà giói truyền thông đăng tải còn cho rằng cả Ấn Độ và Pakistan đều tính đến việc sử dụng tên lửa trong lúc căng thẳng. May mắn thay, các nỗ lực ngoại giao từ cả hai phía sau đó đã gỡ ngòi nổ xung đột.